Sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn được báo trước từ nhiều năm
Pháp luật - Ngày đăng : 18:55, 30/03/2024
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, đến thời điểm hiện nay, rất nhiều bị can là cán bộ cấp cao của các địa phương đã vướng lao lý. Trung tướng Tô Ân Xô (Người phát ngôn Bộ Công an) gọi đây là loại tội phạm tấn công bằng "đạn bọc đường" mà người bị tấn công đã để "lượng đường trong máu cao, gây ra suy giảm miễn dịch, mất sức đề kháng”.
Đáng nói, những vi phạm của Tập đoàn Phúc Sơn không phải bây giờ mới bị phát hiện mà nó đã được cảnh báo từ rất lâu nhưng các địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Ngày 30/6/2021, Thanh tra Chính phủ có Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực Sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó, năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã cảnh báo khi các dự án nghìn tỷ của Tập đoàn Phúc Sơn đều không hoàn thành để đưa vào khai thác cuối năm 2017 như đã cam kết với địa phương.
Theo Thanh tra Chính phủ, có 6 dự án BT chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, 3 dự án do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn làm nhà đầu tư gồm: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; Dự án nút giao thông Ngọc Hội; Dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội.
Tại 3 dự án này, Khánh Hòa đã giao đất thanh toán để hoàn vốn cho Phúc Sơn.
Trong đó, dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang: tổng mức vốn dự kiến đầu tư 725,3 tỷ đồng; đất thanh toán hoàn vốn đã giao 4,07ha với giá trị đất tạm tính hơn 741,6 tỷ đồng.
Dự án BT nút giao thông Ngọc Hội: dự kiến tổng vốn đầu tư 1.378,9 tỷ đồng; đất hoàn vốn đã giao 5,37ha, tổng giá trị đất tạm tính 1.358,4 tỷ đồng.
Dự án BT đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội: tổng vốn dự kiến đầu tư 1.180,1 tỷ đồng; đất thanh toán đã giao 9,68ha với tổng giá trị đất tạm tính 1.099,25 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kết luận, 3 dự án BT tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn làm nhà đầu tư mắc rất nhiều vi phạm.
Đó là không thực hiện đúng các cam kết mà tỉnh đã trình để được Thủ tướng "đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt".
Tổng mức đầu tư các dự án BT mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt giao cho Phúc Sơn thực hiện đã tăng hơn 484 tỷ đồng so với tờ trình của tỉnh và văn bản được Thủ tướng chấp thuận (tháng 7/2016).
Trong khi đó, thời gian thực hiện các dự án BT của Phúc Sơn lại tăng lên thêm 30 tháng.
Thế nhưng các dự án BT đó không hoàn thành đưa vào sử dụng đúng hợp đồng vào cuối năm 2017. Và mặc dù đã được tỉnh gia hạn đến tháng 6/2021 nhưng đến thời điểm thanh tra, Phúc Sơn chỉ thi công đạt 27% khối lượng xây lắp (tổng giá trị đầu tư chỉ tương đương 558 tỷ đồng xây lắp và 394,4 tỷ đồng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng).
Việc lập, thẩm định, phê duyệt về dự án, ký kết hợp đồng các dự án BT với Phúc Sơn lại có các sai sót về định mức, đơn giá, biện pháp thi công…làm tăng tổng mức đầu tư lên gần 500 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng kết luận những sai phạm về việc UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận quỹ đất sân bay Nha Trang từ Bộ Quốc phòng và đồng thời bàn giao luôn đất cho Công ty Phúc Sơn (12/2015) khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Sau đó, từ tháng 10/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các quyết định và quyết định điều chỉnh, giao toàn bộ hơn 62,3ha đất sân bay Nha Trang cho Công ty Phúc Sơn thuê đất để thực hiện dự án khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là vi phạm Luật đầu tư.
Còn việc UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch chi tiết (1/500) dự án khu trung tâm và điều chỉnh cục bộ dự án khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang theo đề nghị của Phúc Sơn đã vi phạm quy hoạch chung TP Nha Trang theo quyết định của Thủ tướng đã phê duyệt và vi phạm quy hoạch phân khu (1/2000) do chính UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt trước đó.
Tại Khánh Hòa, trong hơn 10 năm qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên thuộc doanh nghiệp này đã được giao nhiều dự án, đất đai, hợp đồng xây dựng các công trình, khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án khu đô thị và dự án BT "đổi đất" hoàn vốn tại sân bay Nha Trang cũ.
Trong đó, các dự án BT giao thầu cho Phúc Sơn làm nhà đầu tư đã giao đất hoàn vốn tại sân bay Nha Trang và Phúc Sơn đã phân lô bán nền từ năm 2017, nhưng đến nay đều chưa hoàn thành theo đúng hợp đồng đã ký kết và nhiều lần gia hạn.
Ngoài ra, các dự án gây nhiều khiếu nại, tố cáo bởi rất nhiều cư dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất giao cho Phúc Sơn thực hiện các dự án kinh doanh các khu đô thị Phúc Khánh 1, Phúc Khánh 2 đến nay cũng thành "dự án treo".
Hai dự án này được tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Phúc Sơn từ năm 2014, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án KĐT Phúc Khánh 1 được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn từ năm 2014.
Năm 2016, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận đầu tư dự án này với tiến độ: Giai đoạn 1 (2015 - 2016) phải hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 12,6ha; giai đoạn 2 (2017 - 2019) phải hoàn thành đầu tư xây dựng toàn bộ công trình kiến trúc của dự án, bao gồm: công trình công cộng (nhà trẻ, trạm y tế…), công trình nhà ở liền kề, biệt thự, nhà ở xã hội…
Tuy nhiên, tại tờ trình vào cuối tháng 2/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn xin điều chỉnh tiến độ dự án giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2022 và giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2026.
Dự án KĐT Phúc Khánh 2 cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Phúc Sơn vào năm 2014. Chủ đầu tư sau đó xin điều chỉnh tiến độ dự án giai đoạn 1 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vào năm 2023; giai đoạn 2 hoàn thành đầu tư toàn bộ các công trình trên đất vào cuối năm 2026.
Tuy tiến độ đề ra là thế nhưng đến nay dự án chỉ mới thi công được một số hạng mục nhỏ như cống thoát nước, đoạn đường ngắn...
Tại khu đô thị Phúc Khánh 1, địa phương đã phê duyệt 100% các trường hợp giải phóng mặt bằng. Riêng khu đô thị Phúc Khánh 2 vẫn còn 12 trường hợp chưa bồi thường.
Mặc dù Tập đoàn Phúc Sơn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án nói trên nhưng đến hiện tại vẫn chưa được giao đất, cho thuê đất. Việc dự án chậm triển khai khiến người dân trong khu vực bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 2019 đến nay, việc triển khai các thủ tục pháp lý, đền bù, giải tỏa cũng tạm ngừng vì thời gian đầu tư đã hết. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa vẫn đang rà soát để có phương án xử lý đối với 2 dự án nói trên.
Tại Quảng Ngãi, Tập đoàn Phúc Sơn cũng như các công ty thành viên trực thuộc đã trúng thầu hàng loạt dự án nghìn tỷ.
Năm 2012, Tập đoàn Phúc Sơn trúng gói thầu thi công xây lắp dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc với vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 8,7km, nền đường rộng 36m, mặt đường rộng 22m được bê tông nhựa. Đây là dự án giao thông đầu tư mới hoàn toàn.
Cuối năm 2015, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt (công ty thành viên của Tập đoàn Phúc Sơn) được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy nước.
Dự án có diện tích gần 14ha tại xã Nghĩa Kỳ và Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 540 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Mục tiêu của dự án là đảm bảo cung cấp nước cho người dân TP Quảng Ngãi và các xã của huyện Tư Nghĩa.
Theo kế hoạch, cuối năm 2019, dự án hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào vận hành. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn ngổn ngang.
Tiếp đến, năm 2016, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án khu đô thị công nghiệp Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất, thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn.
Dự án này được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm giai đoạn 1A có diện tích hơn 151ha và giai đoạn 1B có diện tích hơn 167ha, tổng mức đầu tư 2.025 tỷ đồng. Giai đoạn 2 có diện tích gần 177ha.
Dự án từng được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho đô thị, công nghiệp ở phía bắc Khu kinh tế Dung Quất. Tuy nhiên, sau gần 8 năm, dự án vẫn là bãi đất trống hoang vu, dù Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đã liên tục đốc thúc Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý, thi công và đưa khu đô thị công nghiệp Dung Quất vào hoạt động.
Tại Vĩnh Phúc, Tập đoàn Phúc Sơn cũng là chủ đầu tư của hàng loạt dự án lớn như khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn, chợ đầu mối Vĩnh Tường...
Với tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 1.668 tỷ đồng, khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (giai đoạn 2) nằm trong danh sách các dự án chậm tiến độ được tỉnh Vĩnh Phúc công khai. Theo giấy phép chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2021.
Dự án này của Tập đoàn Phúc Sơn có tổng quy mô hơn 127ha, trong đó giai đoạn 1 có diện tích khoảng 15,5ha, giai đoạn 2 có diện tích khoảng 111,8ha. Quy mô dân số dự kiến cả hai giai đoạn là 15.788 người.
Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường ban đầu do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Đến năm 2019, dự án đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Phúc Sơn.
Hiện nay, dự án đã trải qua tổng cộng 4 lần điều chỉnh quy hoạch tuy nhiên ở thời điểm hiện tại vẫn trong cảnh hoang vắng.
Tổng diện tích của dự án này trên 186ha, thuộc địa phận 3 xã Lũng Hòa, Tân Tiến và Yên Lập thuộc phía Tây huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, phần đô thị có diện tích gần 93ha; phần chợ, kho vận chuyển có diện tích hơn 61ha... Dự án nằm xuyên qua khu đất có tuyến đường quốc lộ 2 chạy qua, là một phần của dự án mở rộng đường Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì đang triển khai.
Khu đô thị mới Tứ Trưng - Vĩnh Tường là một trong số các dự án "khủng" của Tập đoàn Phúc Sơn ở Vĩnh Phúc. Dự án có quy mô 30,2ha, trong đó đất ở là 12,6ha, đất công trình dịch vụ thương mại là 1.384m2. Dự án có tổng số 400 căn liền kề, biệt thự, shophouse, căn hộ.
Vào tháng 6/2021, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã cấp giấy phép xây dựng cho Tập đoàn Phúc Sơn, doanh nghiệp này được tỉnh giao đất đợt 1 để thực hiện dự án.
Năm 2022, dự án này bị Sở Xây dựng Vĩnh Phúc “điểm tên” trong danh sách 28 dự án bất động sản chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng.
Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt từ năm 2010, với thời gian thực hiện trong 5 năm (2010-2015).
Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp đê tả Sông Hồng kết hợp đường giao thông kéo dài khoảng 28km, gồm 17km qua Vĩnh Tường và 11km qua huyện Yên Lạc.
Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh. Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Vĩnh Tường, đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty Cổ phần tư vấn Kiến trúc ICA Việt Nam.
Trong dự án này, Tập đoàn Phúc Sơn nhận 2 gói thầu số 1 và số 3 với tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 940 tỷ đồng. Hai gói thầu này nhiều lần bị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Tường thúc giục vì chậm tiến độ đề ra, ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương.
Năm 2015, Công ty Phúc Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang Thiên An Viên.
Thiên An Viên được xây dựng trên diện tích hơn 118ha, chủ yếu là diện tích đất đồi núi bạc màu tại phường Khai Quang, xã Định Trung (TP Vĩnh Yên) và một phần đất xã Kim Long (huyện Tam Dương). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.492 tỷ đồng.
Thiên An Viên được quảng bá là dự án công viên nghĩa trang có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên dự án này qua gần 10 năm hiện trạng vẫn là khu đất hoang.
Dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng từ năm 2006 với số tiền gần 100 tỷ đồng nhưng đến nay dự án vẫn không thể hoàn thành.
Thời điểm được phê duyệt, các nhà quy hoạch của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã bỏ qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vĩnh Yên năm 2004. Cụ thể ở đây là tuyến đường bộ song song với đường sắt Hà Nội - Lào Cai đoạn giao với đường vành đai thành phố Vĩnh Yên.
Đến năm 2012, sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hướng tuyến và phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ này thì việc chồng lấn quy hoạch không thể sửa chữa.
Kết quả là cho đến thời điểm hiện tại, không những trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh không đạt được mục đích nâng cấp lên cao đẳng mà còn bị sáp nhập về trường cao đẳng Vĩnh Phúc, còn dự án đầu tư xây dựng trụ sở của trường thì vẫn dở dang.
Đáng chú ý, tại khu đất trụ sở cũ của ngôi trường này bỗng mọc lên một dãy liền kề sầm uất, đó là dự án nhà ở xã hội phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên.
Ngày 20/5/2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở cao tầng tại trụ sở cũ Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên.
Tháng 6/2012, UBND tỉnh công nhận Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư dự án. Từ chỗ quy hoạch là khu nhà ở thương mại cao tầng, đến tháng 7/2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc bỗng điều chỉnh lại quy hoạch, theo đó chuyển sang khu nhà ở xã hội cao tầng, kèm với đó là các quyết định về việc thu hồi đất để giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư.
Dù nhiều sai phạm nhưng mới đây nhất, năm 2022, Tập đoàn Phúc Sơn được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị Bàu Giang.
Dự án được thực hiện trong vòng 6 năm kể từ ngày lựa chọn được nhà đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Đây là dự án khu đô thị lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, được đầu tư với mục tiêu xây dựng một khu đô thị mới văn minh, hiện đại, đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, cũng như gắn kết chặt chẽ với cảnh quan xung quanh, phù hợp với định hướng quy hoạch của TP Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa.
Quy mô diện tích của dự án là 495.932 m2, bao gồm 294 căn nhà ở thương mại nằm trên trục đường chính với diện tích 46.089 m2, 274 căn nhà ở xã hội với diện tích 19.292 m2, 795 lô đất nền. Tổng số vốn đầu tư dự án lên đến 3.318 tỷ đồng.
Dù chỉ mới được cấp phép nhưng Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn - đã chuẩn bị cho dự án trên từ rất lâu. Năm 2018, đại gia 8X này đã thành lập Công ty TNHH MTV Khu đô thị Bàu Giang tại Quảng Ngãi. Vốn điều lệ ban đầu của công ty chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng.
Đến năm 2019, Nguyễn Văn Hậu trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của công ty, đồng thời tăng vốn chủ sở hữu lên 250 tỷ đồng. Cả hai năm 2019 và 2020, Công ty Bàu Giang không thu được đồng nào, báo lỗ lần lượt là 494 triệu đồng và 1 tỷ đồng.
Ngày 26/2/2024, Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo) cùng ba cán bộ ở Tập đoàn Phúc Sơn là Nguyễn Thị Hằng (Phó Tổng Giám đốc), Đỗ Thị Mai (kế toán trưởng), Hoàng Thị Tuyết Hạnh (kế toán viên) và Trần Hữu Định (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group), Nguyễn Hồng Sơn (lao động tự do) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Mở rộng điều tra, đến thời điểm hiện nay, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam tổng số 17 bị can, trong đó có 1 Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; 2 Chủ tịch UBND tỉnh; 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; cùng một loạt lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn và các đối tượng liên quan...
Mới đây nhất, ngày 27/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi và ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cùng về tội "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố Nguyễn Văn Hậu và hàng loạt quan chức, cựu quan chức các địa phương để xảy ra sai phạm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu gói thầu “Thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi”.
Trong khi đó, bị can Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Cơ quan chức năng cho biết, đây là kết quả điều tra vụ án lớn liên quan việc Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư 21 dự án. Hiện cơ quan Công an đang tập trung điều tra hành vi sai phạm của các bị can tại tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi, đồng thời điều tra các sai phạm khác có liên quan.
Nguyễn Văn Hậu được cho là đã có những hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực, ép một số bị can nguyên là Uỷ viên ban thường vụ, thậm chí là Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để trục lợi.
Để làm được việc này, họ đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn. Bộ Công an coi hành vi này là rất nguy hiểm, là một dạng tội phạm mới, không chỉ gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước và của nhân dân, mà còn có ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, làm xấu hình ảnh của Đảng, của chính quyền Nhân dân.