Ở trọ một mình: Đừng để sự riêng tư trở thành mối nguy hiểm
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 21:00, 21/02/2024
Xu hướng ở một mình của người trẻ
Sống một mình trong căn phòng trọ ở đường số 22, phường; Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM suốt 3 năm nay, Nguyễn Hoàng Như Yến (22 tuổi) chia sẻ: “Mình ở trọ một mình để vì thích cuộc sống tự do và độc lập, không phải chịu sự ràng buộc hay can thiệp của người khác. Mình có thể lướt điện thoại, gọi bạn bè đến chơi, nghỉ ngơi, ăn uống theo ý thích mà không phải lo lắng về sắc mặt của người khác”.
Không chỉ vậy, ở trọ một mình cũng giúp Như Yến rèn luyện kỹ năng sống, tự chăm sóc bản thân, quản lý tài chính, và tự giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống.
Nói về lí do ở trọ một mình, Lê Nguyễn Hương Giang (26 tuổi), hiện đang ở căn phòng trọ nhỏ tại huyện Nhà Bè, Quận 7, TP.HCM cho biết, cô bạn muốn đảm đảm bảo không gian riêng tư và sự thoải mái cho bản thân.
“Công việc bận rộn và áp lực nên mình luôn cần có không gian riêng tư. Bên cạnh việc đảm bảo không gian làm việc yên tĩnh và thời gian linh hoạt thì mình cũng cần có khoảng thời gian riêng tư để nghỉ ngơi, thư giãn, suy ngẫm và tự tìm hiểu bản thân. Ở trọ một mình đáp ứng được cho mình tất cả những điều trên, một không gian yên tĩnh, thoải mái, nơi mình có thể tự do thể hiện bản thân, phát huy sự sáng tạo, và giải tỏa áp lực”, Hương Giang cho biết.
Nguy cơ tiềm ẩn khi ở một mình
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích như có không gian riêng tư, yên tĩnh, thoải mái giờ giấc sinh hoạt,... tuy nhiên, có không ít người trẻ ở trọ một mình luôn ngổn ngang những nỗi lo khi chẳng may gặp vấn đề về sức khỏe lúc nửa đêm; bất an, lo sợ trộm cắp tấn công hay những bữa ăn chỉ thui thủi một mình…
“Ở trọ một mình tuy có không gian thoải mái, riêng tư nhưng làm gì cũng chỉ thui thủi một mình”, Nguyễn Đỗ Thanh Ngân (22 tuổi), hiện đang trọ tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM nói.
Một thân một mình nên mỗi khi về đến nhà, có chuyện gì cô bạn cũng chẳng biết tâm sự cùng ai. “Sợ nhất là không may ốm đau lúc nửa đêm chẳng biết nhờ vả ai. Mấy khi ốm đau, dù nặng dù nhẹ vẫn phải gắng gượng đi mua thuốc, đi chợ rồi tự nấu ăn. Có đôi lúc mình nhớ bữa cơm rôm rả ở nhà. Chưa kể, những hôm đi làm về trễ hay gặp chuyện buồn, dù mệt mỏi nhưng về phòng cũng chẳng có ai để tâm sự, buồn lắm”, Thanh Ngân nói.
Cũng chịu chung cảnh sống một mình một trọ tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM, Trần Lê Bình An (21 tuổi) chia sẻ: “Dù mình chuyển ra sống một mình cũng được gần một năm rồi nhưng đêm nào mình cũng trong tâm thế bất an, đề phòng. Vì lo có trộm lẻn vào nhà nên tối nào mình cũng thấp thỏm, lo sợ. Chưa kể có những hôm hàng xóm cãi nhau, đập đồ làm mình sợ lắm. Mình là con gái nên cũng lo lắng biến thái đột nhập nữa”, Bình An tâm sự.
Không chỉ vậy, mạng xã hội vẫn thường xuyên chia sẻ những video, hình ảnh về những trường hợp, tình huống éo le, nguy hiểm khi ở trọ một mình từ việc bị nhìn trộm, bị gõ cửa, làm phiền lúc nửa đêm hay bị trộm đột nhập vào phòng,...
Gần đây nhất, vụ việc cô gái trẻ trú tại phường Tăng Nhơn Phú B bị gã hàng xóm ra tay sát hại rồi phi tang vào ngày 29 Tết gây xôn xao dư luận, khiến nhiều người thương xót. Được biết, cô gái này cũng ở trọ một mình.
Vụ việc này cũng có thể được xem là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người đang ở trọ một mình, cần nâng cao cảnh giác đề đảm bảo an toàn cho bản thân.
Tăng “sức đề kháng” khi sống một mình
Với kinh nghiệm 8 năm ở trọ một mình, Nguyễn Thị Hoài An (29 tuổi), hiện đang ở trọ tại phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM cho rằng, để đảm bảo an toàn cho bản thân khi ở trọ, các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ thông tin của nhà trọ trước khi thuê.
“Trước khi chọn nơi ở, hãy tìm hiểu kỹ về chất lượng của căn phòng, an ninh khu vực, và tiện ích xung quanh. Lựa chọn những căn hộ chung chủ hoặc nhà nguyên căn có an ninh tốt. Bởi vì chỉ sống một mình nên phải luôn quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Chuẩn bị sẵn một hộp thuốc cơ bản trong phòng để đối phó với những tình huống khẩn cấp. Nếu bị ốm hoặc cần sự chăm sóc thì phải gọi bạn bè hoặc người thân sang giúp đỡ”, Hoài An chia sẻ.
Bên cạnh đó, An cũng cho rằng nên tạo mối quan hệ xã giao với hàng xóm xung quanh để khi có việc khẩn cấp có thể nhờ đến sự giúp đỡ từ mọi người. “Mình vẫn thường đọc được nhiều bài báo về các vụ việc thương tâm xảy ra mà nạn nhân là người sống ở trọ một mình, do vậy mà mình nghĩ bất kỳ ai ở trọ một mình cũng cần tạo mối quan hệ tốt với những người xung quanh.
Đồng thời, cũng nên chia sẻ địa chỉ nhà cho người thân, bạn bè thân thiết để mọi người có thể đến hỗ trợ lúc mình gặp nguy cấp, khó khăn” chị An nói lên suy nghĩ của bản thân.
Chia sẻ về những bí quyết để đảm bảo an toàn khi ở trọ một mình, Nguyễn Hoàng Như Yến (22 tuổi) nói: “Mình nghĩ, nỗi lo lớn nhất của người ở trọ một mình là sự cố đau ốm bất chợt, đặc biệt là vào thời điểm đêm khuya. Do đó, mình luôn lưu số điện thoại của những người thân thiết ở đầu danh bạ, khi cần giúp đỡ là có thể nhanh chóng liên lạc được.
Ở trọ một mình cũng phải tuyệt đối cẩn thận, đề cao cảnh giác với những người lạ và chú ý trong việc bảo vệ tài sản cá nhân, dù ra ngoài hay có mặt trong phòng thì mình cũng luôn đóng cửa, đặc biệt là vào ban đêm. Cất hết các vật dụng có thể gây hại như dao, kéo, diêm, bật lửa, bếp ga, ổ điện”.
Ngoài ra, Như Yến cũng khuyên người ở trọ một mình cần lưu tâm đến hệ thống đường dây điện, đề phòng tuyệt đối đến việc bị rò rỉ điện, bị điện giật. “Phải luôn để tâm đến các thiết bị điện trong nhà, trước khi ra ngoài phải kiểm tra thật kỹ xem đã tắt hết điện hay chưa, chuẩn bị thêm mặt nạ phòng độc không hề dư thừa”, Yến nói.
Ở một mình mang lại nhiều lợi ích về không gian sống, thời gian sinh hoạt và khả năng tự rèn luyện bản thân. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần nâng cao cảnh giác khi ở trọ một mình, đặc biệt là những bạn nữ. Đừng để sự riêng tư trở thành mối nguy hiểm, đe dọa cuộc sống của bản thân.