Điểm tin kinh doanh 10/1: Vàng miếng SJC bật tăng nửa triệu đồng sau chuỗi 5 ngày suy yếu

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 10/01/2024

6 cổ phiếu đáng đầu tư trong tháng 1/2024; Nhà đầu tư đua chốt lời cổ phiếu ngân hàng
gia-vang-25082022.jpg

- Vàng miếng SJC bật tăng nửa triệu đồng sau chuỗi 5 ngày suy yếu

Giá vàng miếng SJC đã ghi nhận mức tăng 500.000 đồng/lượng trong phiên giao dịch hôm 9/1 sau chuỗi 5 ngày đi ngang và giảm mạnh.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng giá vàng miếng SJC thêm 500.000 đồng ở cả hai chiều, hiện giao dịch quanh vùng 81,5 - 74,5 triệu đồng/lượng. Đà tăng tương tự cũng được ghi nhận tại các doanh nghiệp vàng khác là Tập đoàn DOJI, Tập đoàn Phú Quý và Bảo Tín Minh Châu.

Hiện vàng miếng SJC được DOJI giao dịch tại mức 71,5 - 74,5 triệu đồng/lượng; Phú Quý giao dịch tại 71,6 - 74,4 triệu đồng/lượng và Bảo Tín Minh Châu giao dịch tại 71,65 - 74,4 triệu đồng/lượng.

Riêng Mi Hồng điều chỉnh tăng mặt hàng vàng miếng SJC tới 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 500.000 đồng ở chiều bán ra, hiện giao dịch quanh mức 72,5 - 73,8 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhận (PNJ) lại giữ xu hướng đi ngang cho mặt hàng này, hiện giao dịch tại mức 71,5 - 74,2 triệu đồng/lượng.

Với mặt hàng vàng nhẫn và vàng trang sức tại các doanh nghiệp này lại ghi nhận xu hướng biến động không mạnh, chủ yếu đi ngang hoặc tăng giảm khoảng 50.000 đồng.

SJC giao dịch vàng nhẫn 9999 loại 1-5 chỉ ở mức 61,9 - 62,95 triệu/lượng; vàng nhẫn 24K do PNJ chế tác hiện giao dịch ở 61,9 - 62,9 triệu/lượng; vàng nhẫn 9999 Hưng Thịnh Vượng DOJI giao dịch ở 62,2 - 63,2 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu giao dịch nhẫn tròn trơn ở 62,63 - 63,73 triệu/lượng và nhẫn tròn trơn 99,9% của Phú Quý hiện được giao dịch ở 62,35 - 63,55 triệu/lượng.

Những diễn biến này đi ngược hoàn toàn với thị trường thế giới. Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua (8/1), giá vàng thế giới đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong 3 tuần ở 2.027 USD/ounce do ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao trong khi triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất có phần mờ nhạt.

Tới phiên giao dịch sáng 9/1, giá vàng thế giới phục hồi nhẹ nhưng sau đó cũng đi ngang quanh mốc 2.030 USD/ounce cho tới hiện tại.

Như vậy, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt (chưa bao gồm thuế, phí) hiện vào khoảng 60,05 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, giá vàng thế giới vẫn thấp hơn giá vàng miếng SJC trong nước khoảng 14,5 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.

- Cổ phiếu của Nvidia tăng lên mức cao kỷ lục

Cổ phiếu của Nvidia đã tăng lên mức cao kỷ lục vào ngày 8/1 sau khi nhà sản xuất chip giá trị nhất thế giới này trình làng bộ xử lý đồ họa máy tính để bàn thế hệ mới tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Cổ phiếu của Nvidia đã tăng 6,4% và kết thúc ở mức 522,53 USD/cổ phiếu, mức đóng cửa cao nhất từ trước đến nay sau khi công ty công bố bộ xử lý đồ họa GeForce RTX 40 SUPER Series, chủ yếu dành cho những người đam mê trò chơi điện tử.

Trước Triển lãm Điện tử Tiêu dùng ở Las Vegas (Mỹ), Nvidia cũng đã công bố các thành phần và phần mềm khác liên quan đến AI. Được xem là nhà cung cấp bộ xử lý hàng đầu được sử dụng trong điện toán AI, cổ phiếu của Nvidia đã tăng hơn gấp ba lần trong năm 2023.

Theo dữ liệu của LSEG, các nhà đầu tư đã giao dịch số cổ phiếu của Nvidia trị giá hơn 32 tỷ USD trong phiên ngày thứ Hai (8/1), khiến công ty này trở thành doanh nghiệp có cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất ở Phố Wall. Giá trị thị trường chứng khoán của Nvidia hiện ở mức gần 1.300 tỷ USD.

Đợt phục hồi mới nhất của cổ phiếu Nvidia đã đẩy chỉ số bán dẫn PHLX tăng 3,3%.

- 6 cổ phiếu đáng đầu tư trong tháng 1/2024

CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI) vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường tháng 1/2024, trong đó khuyến nghị 6 mã cổ phiếu đáng để đầu tư.

6 mã cổ phiếu mà SSI khuyến nghị bao gồm: PVT, HAH, CII, HPG, FPT và NLG.

Theo SSI, đây là nhóm cổ phiếu có thể sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch hành động của Chính phủ trong năm 2024, đáng chú ý là kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và các biện pháp hỗ trợ tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sự kiện căng thẳng địa chính trị tại kênh đào Suez có thể đẩy giá cước tàu biển tăng mạnh. Đây là rủi ro mang tính dài hạn và trong ngắn hạn nhóm ngành liên quan đến vận tải biển, logistics sẽ được hưởng lợi.

SSI dự báo, trong tháng giao dịch đầu tiên của năm 2024, biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phụ thuộc lớn vào xu hướng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân.

Theo đó, sự chú ý sẽ tập trung vào chi tiết kế hoạch hành động của Chính phủ cho năm 2024, cũng như phiên họp bất thường của Quốc hội vào giữa tháng 1 về việc xem xét thông qua Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Đất đai.

"Việc Chính phủ nhấn mạnh kế hoạch hành động sẽ tập trung vào tăng trưởng trong bối cảnh các cân đối vĩ mô được đảm bảo sẽ là yếu tố tích cực xuyên suốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới", SSI nhận định.

Trong năm 2024, SSI dự báo tăng trưởng GDP sẽ khởi sắc hơn với sự phục hồi của thương mại, tiêu dùng và đầu tư công.

- Nhà đầu tư đua chốt lời cổ phiếu ngân hàng

Mạch tăng điểm của VN Index chính thức bị chặn lại sau phiên hôm 9/1, trước sức ép chốt lời từ nhóm ngân hàng.

Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời mạnh khiến cho VN Index mất đi “điểm tựa” quan trọng và rơi vào trạng thái mất điểm. Tuy nhiên, không như kỳ vọng của nhà đầu tư, dòng tiền rút ra khỏi nhà băng đã không luân chuyển mạnh nhóm ngành còn lại.

Động thái trên vô tình tạo nên tâm lý tiêu cực với các nhóm ngành như bất động sản, thép, bán lẻ, hóa chất, dầu khí, viễn thông… Đây cũng chính là nguyên nhân khiến VN Index điều chỉnh giảm sau chuỗi 7 phiên tăng.

Cụ thể, VN Index đóng cửa giảm 1,6 điểm (0,14%) xuống 1.158,59 điểm. Mặc dù chỉ số chỉ giảm nhẹ nhưng sắc đỏ lại chiếm vị thế áp đảo trên bảng điện với 340 mã giảm so với 157 mã tăng.

Đáng chú ý nhóm cổ phiếu giúp chỉ số không giảm sâu lại đến từ 3 mã ngân hàng là VCB, CTG và TCB. Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nhà băng khiến cho số điều chỉnh gồm: BID, ACB, VPB, TPB, EIB, OCB, LPB.

Thanh khoản phiên hôm nay duy trì trên ở mức trung bình với 868 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 18.444 tỷ đồng. Tuy nhiên, Top 3 mã hút tiền mạnh nhất sàn HoSE bất ngờ không có mã ngân hàng nào, thay vào đó là 3 mã thép, bất động sản và chứng khoán là HPG, DIG, SSI.

Khối ngoại tiếp tục trạng thái giao dịch tiêu cực với phiên bán ròng thứ 6 trên sàn HoSE. Thống kê, phiên hôm nay khối ngoại bán ròng 118 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.370 tỷ đồng sàn HoSE.

- Doanh nghiệp Việt tăng bán hàng B2B trả chậm

Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia dẫn đầu bán hàng B2B trả chậm, đạt 67%, vượt qua mức trung bình 51% của châu Á, theo Báo cáo Xu hướng Thực tiễn Thanh toán cho Việt Nam mới nhất từ Atradius - tập đoàn chuyên cung cấp bảo hiểm tín dụng thương mại, bảo lãnh, cam kết thanh toán, thu hồi nợ và dịch vụ thông tin hàng đầu trên toàn thế giới.

Các phát hiện chính từ khảo sát Xu hướng Thực tiễn Thanh toán của Atradius cho thấy doanh số bán hàng tín dụng B2B của các công ty Việt Nam tăng đáng kể trong 12 tháng qua, đạt mức trung bình 67% tổng doanh số bán hàng B2B, tăng 21% so với năm trước. Thời hạn thanh toán được nới lỏng một chút, trung bình 34 ngày từ khi lập hóa đơn, chủ yếu do các công ty hóa chất lớn muốn giữ lợi thế cạnh tranh. Doanh số tín dụng tăng vọt đi kèm với nguy cơ thực hiện thanh toán kém hơn, với 89% doanh nghiệp tham gia khảo sát chia sẻ lý do chính dẫn đến việc chậm thanh toán là tình trạng thiếu thanh khoản của khách hàng B2B.

Bất chấp những rủi ro liên quan đến việc gia tăng giao dịch bằng tín dụng, những chiến lược này rõ ràng đã mang lại thành công cho các công ty được khảo sát khi họ nhận thấy xu hướng giảm về số lượng hóa đơn quá hạn, hiện chỉ ảnh hưởng đến 32% tổng doanh số B2B, so với 48% vào năm 2022. Ngoài ra, nợ khó đòi giảm xuống đáng kể, chỉ ảnh hưởng 1% trên tổng doanh số B2B, giảm so với mức 6% của năm ngoái. Một con số tích cực khác là 60% doanh nghiệp ghi nhận Thời hạn Thu hồi Tiền hàng tồn đọng (DSO) có cải thiện, trung bình mất 57 ngày kể từ khi lập hóa đơn.

Việt Báo (Tổng hợp)