Điểm tin kinh doanh 21/12: Giá vàng xô đổ mọi kỷ lục, lên gần 76 triệu đồng/lượng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 21/12/2023

Giá xăng có thể tăng trở lại vào ngày hôm nay; Cảnh báo xuất hiện hình thức rửa tiền mới
vang-nhan-hoang-ha-1-1378-1194-996-1147-1090.jpg

- Giá vàng xô đổ mọi kỷ lục, lên gần 76 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng hôm 20/12 tăng xô đổ mọi kỷ lục, lên đỉnh cao gần 76 triệu đồng/lượng.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/12, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 74,7 - 75,7 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1,3 triệu đồng/lượng so với sáng 19/12 và tăng 800.000 đồng/lượng so với sáng 20/12. Nhẫn tròn thương hiệu này cũng tăng lên mức 61,45 - 62,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào ở mức 74,6 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 75,5 triệu đồng/lượng, đắt hơn 600.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều 19/12.

Tập đoàn Doji đã điều chỉnh giá vàng SJC tăng 500.000 đồng/lượng, tương đương 0,7% so với cuối ngày hôm qua, lên 74,40 triệu đồng/lượng - 75,40 triệu đồng/lượng. Như vậy, một đỉnh cao của mọi thời đại vừa được lập một lần nữa. Đây cũng là mức giá được áp dụng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn.

Công ty Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC tăng 530.000 đồng/lượng lên 74,45 triệu đồng/lượng - 75,38 triệu đồng/lượng. Giá bán ra tại Bảo Tín Minh Châu đang thấp nhất thị trường, còn giá mua vào lại cao nhất.

Như vậy, từ đầu tuần tới nay, mỗi lượng vàng miếng đã tăng cả triệu đồng. Còn so với đầu năm, vàng miếng SJC tăng gần 8,5 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 12,5%. Đây là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử.

Giới chuyên gia nhận định giá vàng Việt Nam tăng mạnh theo đà tăng của giá vàng thế giới. Việc dự báo lãi suất giảm sẽ khiến giá vàng là nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư. Sở dĩ, giá vàng SJC tăng mạnh như hiện nay là vì thời điểm cuối năm, nhu cầu mua tích trữ vàng lớn. Đồng thời, hiện nay lãi suất tiết kiệm chạm đáy, người dân không mặn mà gửi ngân hàng nên tìm kênh đầu tư khác như vàng. Vì vậy, dự báo giá vàng trong nước có thể chạm tới mốc 76 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trên thị trường thế giới đang ở mức cao và có xu hướng tăng dần lên. Trong khi đó, giá vàng trong nước đang ở đỉnh lịch sử và có thể sớm lập kỷ lục cao mới theo diễn biến giá thế giới.

Giá vàng thế giới tăng chủ yếu do đồng USD giảm. Giá vàng thế giới giao ngay tăng thêm hơn 12 USD/ounce so với hôm qua, dao động quanh mốc 2.040 USD/ounce và là phiên điều chỉnh tăng thứ hai liên tiếp nhờ giá đồng USD đi xuống. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá kim loại quý tương đương 60,2 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tăng trở lại, với giá bán ra tại Vietcombank lên mức 24.515 đồng/USD, qua đó đẩy giá vàng SJC trong nước tăng nhanh lên mức kỷ lục cao.

- Cảnh báo xuất hiện hình thức rửa tiền mới

Hoạt động rửa tiền tại Việt Nam hiện nay phức tạp gia tăng theo thời gian cả về quy mô, số lượng, đặc biệt hình thức rửa tiền mới đã xuất hiện như: Tài sản ảo, tiền ảo, sàn giao dịch ảo…

Ngày 20/12, tại Hội thảo khoa học quốc gia "Rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện - Thách thức và giải pháp quản lý", các chuyên gia nhận định ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhờ các tính năng quan trọng như tính bảo mật và quyền riêng tư.

Trên thực tế, công nghệ blockchain đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác.

Theo Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, từ ngày 1/12/2023, các ngân hàng, dịch vụ trung gian thanh toán (như ví điện tử), công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ… có giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Báo cáo của Grand View Research cho biết, dù rất non trẻ nhưng thị trường công nghệ chuỗi khối toàn cầu sẽ đạt giá trị hơn 1.400 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là gần 86%/năm trong giai đoạn 2022 - 2030.

Các chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.

Rửa tiền là hành vi tội phạm được định nghĩa là việc hợp pháp hóa các tài sản do phạm tội mà có. Theo Văn phòng Ma túy và Tội phạm trực thuộc Liên Hợp quốc, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP toàn thế giới, tương đương 800 - 2.000 tỷ USD và đây là một ước tính được đánh giá còn khá khiêm tốn.

Việt Nam phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá) - do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

- Giá xăng có thể tăng trở lại vào ngày hôm nay

Đại diện 1 số các doanh nghiệp xăng dầu dự báo, giá xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 trong kỳ điều chỉnh ngày 21/12 có thể tăng từ 530-550 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không trích lập quỹ bình ổn.

Giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore thời gian qua có xu hướng tăng so với kỳ trước, điều này có thể gây tác động lên giá xăng dầu tại thị trường Việt Nam trong kỳ điều chỉnh ngày 21/12.

Cụ thể, trong 3 phiên giao dịch của tuần này, giá dầu thế giới đã tăng liên tục. Hiện giá dầu Brent đã tiến gần đến mốc 80 USD/thùng. Còn tại thị trường Singapore, kỳ điều chỉnh vừa qua giá xăng thành phẩm bình quân cũng có mức điều chỉnh tương đối lớn.

Dựa vào những diễn biến nói trên, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước dự báo xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 530 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 550 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel được dự báo tăng 290 đồng/lít, dầu hỏa tăng 280 đồng/lít, dầu mazut tăng 220 đồng/kg vào kỳ điều chỉnh ngày mai.

Trường hợp dự báo trên là chính xác, mặt hàng xăng RON 95 sẽ tăng trở lại sau 5 phiên giảm liên tiếp, riêng xăng E5 RON 92 về gần đến 20.000 đồng/lít. Nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng ít hơn.

Ở kỳ điều hành ngày 14/12, giá xăng xăng E5 RON 92 được điều chỉnh giảm 780 đồng/lít, xuống mức 20.510 đồng/lít; xăng RON 95 giảm giảm 920 đồng/lít, xuống 21.400 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 710 đồng/lít, xuống 19.010 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu hỏa giảm 960 đồng/lít, xuống 19.960 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 550 đồng/kg, xuống 14.980 đồng/kg.

- Xuất khẩu nửa đầu tháng 12: Nông, thủy sản đồng loạt tăng trưởng dương

Nửa đầu tháng 12/2023 (1/12-15/12), xuất khẩu các mặt hàng trong nhóm nông, thủy sản như gạo, thủy sản… đồng loạt ghi nhận trị giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố ngày 20/12, tổng giá trị thương mại nửa đầu tháng 12/2023 của Việt Nam (1/12 – 15/12) đạt 30,4 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 15 tỷ USD, tăng 9,7%; nhập khẩu đạt 15,4 tỷ USD, tăng 9,2%. Kỳ 1 tháng 12/2023, Việt Nam nhập siêu 0,44 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm 2023 tới ngày 15/12, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đạt 337,6 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa nhập khẩu đạt 312,3 tỷ USD, giảm 9,8%. Việt Nam xuất siêu 25,3 tỷ USD hàng hóa.

Bức tranh xuất khẩu nửa đầu tháng 12/2023 nổi bật với sự tăng trưởng của quặng và khoáng sản khi cao gấp 10,9 lần so với cùng kỳ năm trước về kim ngạch, đạt 15,3 triệu USD.

Mặt hàng than cũng tăng trưởng tới ba con số với +275% so với cùng kỳ, từ 7,3 triệu USD lên 27,4 triệu USD.

Các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản trong kỳ 1 tháng 12 đồng loạt ghi nhận tăng trưởng dương về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sau đà giảm của kỳ 2 tháng 11/2023, gạo tiếp tục tăng trưởng tốt với +91%, đạt 200 triệu USD; tương tự rau quả cũng tăng 42%, đạt 189 triệu USD; sắn và sản phẩm sắn tăng nhẹ 1,1%, lên mức 63 triệu USD.

Trong nhóm hàng tỷ USD, máy vi tính, điện tử và linh kiện cũng tăng 13%, lên mức 2,51 tỷ USD; điện thoại tăng 1,7%, đạt 1,79 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 12,4%, đạt 1,86 tỷ USD. Hàng dệt may lại giảm 2,3%, còn 1,34 tỷ USD.

Trong 45 mặt hàng xuất khẩu chính, có tới 34 mặt hàng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu tháng 12. Ngược lại, có 11 mặt hàng lại có giá trị đi lùi so với cùng kỳ.

- Năm 2024, ngành Hàng không dự kiến vận chuyển trên 80 triệu khách

Cục Hàng không Việt Nam dự kiến, năm 2024, sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 80,3 triệu khách, tăng 7,1% so với năm 2023.

Trong số này, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách (giảm 10,5% so với năm 2023), hành khách quốc tế là 41,8 triệu khách (tăng 30,6% so với năm 2023).

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2023, tổng thị trường vận chuyển hành khách ước đạt xấp xỉ 74 triệu, tăng 34,5% so với năm 2022, giảm 7,4% so với năm 2019. Trong đó, vận chuyển quốc tế đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022 và bằng 77% so với năm 2019; vận chuyển nội địa đạt 42 triệu khách, giảm 3% so với năm 2022 và tăng 12% so với năm 2019.

Tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không năm 2023 ước đạt 113,9 triệu khách, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 32,7 triệu khách, tăng 170,6% so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa đạt 81,2 triệu khách, giảm 6,1% so với năm 2022.

Việt Báo (Tổng hợp)