Quốc hội sẽ chốt những thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước

Nhịp sống - Ngày đăng : 06:41, 27/11/2023

Theo dự thảo Luật Căn cước trình Quốc hội thông qua, có 5 trường thông tin "cứng" được tích hợp vào thẻ căn cước, trong đó có thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe, giấy khai sinh...

Sáng 27/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Căn cước với nhiều thay đổi quan trọng về tên gọi và nội dung thể hiện trên thẻ.

Những nội dung thể hiện trên thẻ căn cước

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước (Điều 18), có ý kiến đề nghị bổ sung thông tin "dân tộc"; số, ngày, tháng cấp chứng minh nhân dân đã cấp trước đó, tránh tình trạng người dân phải mang kèm thêm một giấy xác nhận của cơ quan công an để thực hiện giao dịch đã dùng chứng minh nhân dân trước đó.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, thông tin "dân tộc" trong một số trường hợp sẽ có tính nhạy cảm, tuy tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các quyền và lợi ích liên quan có ưu tiên đối với đồng bào dân tộc, nhưng có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử.

Quốc hội sẽ chốt những thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước - 1

5 thông tin "cứng" sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Bên cạnh đó, thông tin "dân tộc", thông tin về chứng minh nhân dân của công dân đã ghi nhận trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước. Trong trường hợp cần khai thác thông tin về dân tộc hoặc chứng minh nhân dân của cá nhân, đều có thể tiếp cận một cách thuận tiện hoặc có thể khai thác thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đặc biệt, hiện nay Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả, không còn tình trạng yêu cầu người dân phải mang kèm giấy xác nhận thông tin chứng minh nhân dân đã cấp trước đây khi thực hiện các giao dịch.

Điều 18 trong dự thảo Luật quy định thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm: Hình Quốc huy; Dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; Dòng chữ "CĂN CƯỚC"; Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng; Nơi cấp: Bộ Công an.

Liên quan đến nội dung này, có ý kiến đề nghị bỏ trường thông tin "Nơi đăng ký khai sinh" vì thông tin này có thể thay đổi, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định nơi đăng ký khai sinh được in trên thẻ căn cước sẽ tạo thuận lợi cho công dân trong các thủ tục hành chính hoặc giao dịch cần chứng minh nơi đăng ký khai sinh.

Thông tin này cũng ổn định và hầu như không thay đổi trong suốt cuộc đời của công dân, trừ trường hợp công dân đăng ký khai sinh lại tại địa phương khác, khi đó công dân có thể thực hiện cấp đổi thẻ căn cước để cập nhật lại thông tin này.

Tích hợp giấy phép lái xe, đăng ký kết hôn vào thẻ căn cước

Điều 22 của dự thảo Luật quy định thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Có ý kiến cho rằng quy định tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, căn cước điện tử và công dân được sử dụng song song thẻ căn cước và giấy tờ cá nhân, có thể dẫn đến tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng tình trạng pháp lý của các giấy tờ gốc.

Quốc hội sẽ chốt những thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước - 2

Khi Luật Căn cước có hiệu lực, nhiều thông tin sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước (Ảnh minh họa: Nguyễn Dương).

Vì vậy, những ý kiến này đề nghị có giải pháp để tích hợp, kết nối đầy đủ và khẳng định tính pháp lý của các thông tin tích hợp vào thẻ căn cước và căn cước điện tử.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ "Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước...".

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 22 đã quy định rõ việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước được thực hiện khi người dân có nhu cầu hoặc khi cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sử dụng mã QR và chip điện tử trên thẻ căn cước vì liên quan đến tính bảo mật của thông tin; tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp thông tin.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.

Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.

Hoài Thu