Xếp hạng học sinh trong lớp, nên hay không?

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 20:17, 12/11/2023

Tôi nhớ hồi học cấp 2 ở Việt Nam, cứ mỗi lần đến ngày họp phụ huynh là cả đám chúng tôi đều căng thẳng, "nín thở" chờ đợi kết quả.

Suốt thời gian học phổ thông, tôi không nhớ nổi ai cuối năm được học sinh giỏi, khá hay trung bình mà cảm thấy sốc cả, vì làm xong bài thi cuối kỳ, thực ra đứa nào cũng biết năm nay mình sẽ được danh hiệu học sinh gì. Sau cả năm học, tất cả đều đánh giá được tương đối chính xác về học lực của mình. Nhưng kết quả xếp hạng thì khác. Đôi khi chỉ 0,1 điểm trung bình là đã tạo ra sự khác biệt đáng kể rồi.

Thế nên điều chúng tôi chờ đợi là kết quả xếp hạng học sinh trong lớp. Ai có điểm phẩy cao nhất lớp, ai đứng "bét" lớp, ai ở trong tốp 10, ai "thăng hạng" nhiều nhất, v.v. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi cho rằng việc xếp hạng học sinh không những không tốt cho sức khỏe tâm lý của các em chút nào, mà còn không phù hợp với mục tiêu của giáo dục.

Theo quan sát của tôi, đa phần những người ủng hộ xếp hạng học sinh cho rằng nó có tác dụng thôi thúc các em nỗ lực phấn đấu cải thiện tình hình học tập. Điều đó có thể đúng, nhưng nó là một vấn đề cần nghiên cứu, không phải là một sự thật hiển nhiên. Tuy nhiên, không ít công trình khoa học đã chỉ ra tác hại rõ ràng của việc so sánh bản thân với những người xung quanh.

Xếp hạng học sinh trong lớp, nên hay không? - 1

Học sinh Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày khai giảng, 5/9/2023 (Ảnh minh họa: Hoàng Hồng).

Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí The Economic Journal năm 2022,  bảng xếp hạng không những phản ánh kém chính xác tiềm năng và năng lực học tập của học sinh mà còn có thể tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tinh thần của các em. Cụ thể, họ chỉ ra rằng những học sinh bị xếp hạng thấp hơn kỳ vọng có thể bị sốc về năng lực của bản thân, từ đó dẫn đến chán nản, thậm chí trầm cảm.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác hại của mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần của người trẻ, đặc biệt trong việc khiến các thanh thiếu niên tự ti hơn về ngoại hình của mình. Điểm chung của mạng xã hội và các bảng xếp hạng ở trường là chúng đều khuyến khích sự so sánh và thường chúng ta có khuynh hướng so sánh với những người học giỏi, giàu có, đẹp trai/xinh gái hơn mình.

Chúng ta không bao giờ so mình với Bill Gates hay Elon Musk, những đỉnh cao không thể vươn tới, nhưng chúng ta sẽ so sánh mình hoặc bị so sánh với các "con nhà người ta" trong mạng lưới của gia đình hoặc với những đồng nghiệp thành đạt hơn. Nhưng dù là so sánh thế nào, với ai đi nữa thì kết quả đều không thay đổi gì: Nó khiến ta cảm thấy bản thân mình kém cỏi, ít giá trị hơn so với những người khác.

Có thể điều này sẽ tạo động lực để một số người phấn đấu nhưng họ vẫn sẽ phấn đấu trong mặc cảm, tự ti. Tôi cho rằng lâu dài cái mất vẫn lớn cái được rất nhiều nếu ta thật sự quan tâm tới chất lượng cuộc sống của những người đó.

Tôi biết đây là vấn đề gây tranh luận và chúng ta đã có "quán tính" thực hiện trong nhiều năm nên không dễ gì thay đổi. Từ năm 2019, báo Dân trí đăng bài viết nêu ý kiến của ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) khẳng định, ngành Giáo dục không có quy định về việc xếp hạng học sinh trong lớp. Nhưng thực tế, vẫn còn nhiều trường thực hiện việc này và thông báo cho phụ huynh.

Việc xếp hạng bị nhầm tưởng rằng sẽ tạo động lực học tập cho học sinh, nhưng ông Tân cho rằng đây là việc làm không đúng cách và không đúng cả đối tượng. "Chúng ta đã sai khi xếp hạng học sinh, có khi đã làm tổn thương học trò, nhất là học sinh yếu", ông Tân nói.

Tuy nhiên, mới đây báo chí phản ánh một vị hiệu trưởng trường tư ở Hà Nội cho rằng "đi làm luôn có deadline, xếp hạng, khen thưởng" nên xếp hạng là cần thiết để chuẩn bị cho các em đối mặt với thực tế cuộc sống.

Vậy ngành Giáo dục quy định như thế nào về việc đánh giá học sinh? Thông tư số 27 ban hành năm 2020 về đánh giá học sinh tiểu học, nêu "không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh". Tương tự, Thông tư 22 ban hành năm 2021 quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông, cũng nêu "không so sánh học sinh với nhau".

Trở lại với ý kiến cho rằng xếp hạng là cần thiết để chuẩn bị cho các em đối mặt với thực tế cuộc sống, tôi không thấy quan điểm này thuyết phục.

Nếu giúp các em sẵn sàng đối mặt với thực tế cuộc sống là mục tiêu cao nhất của nhà trường thì tại sao chúng ta bắt các em phải học nhiều kiến thức hàn lâm đến thế? Tại sao chúng ta không dạy các em viết email, kỹ năng thương thảo, hay tư duy phản biện, mà dạy tích phân, đạo hàm, rồi phân tích nguyên nhân Chiến tranh thế giới thứ hai? Thành thật mà nói, tôi nghĩ "chuẩn bị cho các em đối mặt với thực tế cuộc sống" chưa bao giờ thực sự là mục tiêu cao nhất.

Tuy nhiên, mọi nền giáo dục đều nên và đều có thể thực hiện được một mục tiêu, đấy là giúp tất cả các em học sinh trở thành phiên bản hoàn thiện nhất của chính mình. Tất cả chúng ta đều có sở trường, sở đoản, ước mơ, cũng như gia cảnh khác nhau. Không có lý do gì để gò tất cả học sinh vào cùng một khuôn mẫu và cho rằng em này "giỏi hơn" em kia.

Tôi tin sẽ không ai so sánh Messi và Federer, bởi một người là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, một người là vận động viên quần vợt hàng đầu. Tương tự, không có lý do gì chúng ta đánh giá một thầy thuốc tương lai là giỏi hay kém hơn một nhà văn tiềm năng. Phép so sánh hợp lý duy nhất là mình của ngày hôm nay với mình của ngày hôm qua. Điểm số đã phần nào phản ánh được sự tiến bộ hay thụt lùi của mỗi học sinh, chúng ta không cần tới bảng xếp hạng.

Tôi tin rằng mỗi người chúng ta sinh ra đều có một món quà được tạo hóa ban tặng, món quà đó có thể lớn, có thể nhỏ, có thể là tài năng thể thao, âm nhạc, hội họa, hay ẩm thực, nhưng nó là một món quà có giá trị. Một nền giáo dục có thể giúp tất cả mọi người nhận ra được tiềm năng của mình và biến nó thành kết quả là một nền giáo dục thành công. Để làm được điều đó, chúng ta không cần bảng xếp hạng.

Tác giả: Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Brandeis, Mỹ. Anh là một trong năm ứng viên xuất sắc được Đại học Brandeis cấp học bổng tiến sĩ toàn phần ở tuổi 21. Các vấn đề nghiên cứu lớn của anh bao gồm: xung đột vũ trang, chính sách ngoại giao nước lớn và ứng dụng của AI trong hoạch định chính sách an ninh quốc gia.