Điểm tin công nghệ 30/10: iPhone 15 Pro là mẫu smartphone cao cấp bị đánh giá tệ nhất từ trước đến nay của Apple
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 30/10/2023
- iPhone 15 Pro là mẫu smartphone cao cấp bị đánh giá tệ nhất từ trước đến nay của Apple
iPhone 15 đã có mặt trên thị trường được một tháng và một nghiên cứu mới của PerfectRec cho thấy mẫu Pro là điện thoại cao cấp bị đánh giá tệ nhất từ trước đến nay của Apple.
Một phân tích tổng hợp hơn 690.000 bài đánh giá do người dùng tạo ra cho thấy những đánh giá ban đầu của người tiêu dùng về iPhone 15 Pro kém hơn so với dòng iPhone 14 năm ngoái.
Nghiên cứu cho thấy, trong khi iPhone 15 Pro được bổ sung khung titan, chip A17 Pro, cổng USB-C và một số cải tiến về camera, thì vấn đề quá nhiệt có thể là nguyên nhân khiến người dùng đánh giá thấp mẫu điện thoại này.
Mặt khác, các mẫu iPhone 15 và iPhone 15 Plus cơ bản lại được người dùng đánh giá cao hơn so với dòng iPhone 14. iPhone 15 có tới 76% người dùng đánh 5 sao, trong khi đó iPhone 15 Plus được 78% người dùng đánh giá 5 sao. Nguyên nhân có thể là do iPhone 15 có những nâng cấp rõ ràng hơn như thiết kế mới, camera tốt hơn, cổng USB-C và chip A16 Bionic.
Trong khi tiến hành phân tích tổng hợp, PerfectRec quyết định xem xét lại kết quả của các cuộc khảo sát về mức độ hài lòng với iPhone 14 trước đó. Theo khảo sát mới, tỷ lệ khách hàng cho iPhone 14 Pro Max 5 sao không thay đổi so với nghiên cứu trước đó là 80%. Mặt khác, các đánh giá dành cho mẫu iPhone 14 cơ bản đã được cải thiện kể từ lần phân tích trước đó. 76% người dùng hiện nay cho iPhone 14 năm sao, tăng so với 72% của năm tháng trước.
- Cảnh báo mã QR trở thành vũ khí lừa đảo mới
Mã QR đang trở thành vũ khí yêu thích của tội phạm mạng khi nó trở nên thông dụng, phổ biến trong đời sống hiện nay.Theo dõi TGVN trên
Những công ty an ninh mạng uy tín như Darktrace, HP, Malwarebytes và AusCERT cho biết tin tặc gần đây đang tăng cường sử dụng mã QR để thực hiện những cuộc tấn công lừa đảo. Phương pháp này được gọi là “quishing” (từ “quishing” trong tiếng Anh là sự kết hợp của các từ “mã QR” và “lừa đảo”).
Một cuộc tấn công quishing thường được bắt đầu bằng việc gửi email có mã QR, sau khi quét, hệ thống sẽ chuyển hướng người dùng đến website lừa đảo. Ví dụ: nạn nhân có thể nhận được một thông báo sau khi thanh toán mua hàng trực tuyến. Tin tặc thuyết phục nạn nhân rằng giao dịch không thành công cũng như cần nhập lại thông tin thẻ ngân hàng. Khách hàng không nghi ngờ sẽ điền vào biểu mẫu và cung cấp các thông tin bí mật cho tin tặc.
Những chuyên gia từ Darktrace giải thích các dấu hiệu cho thấy email có thể là giả mạo: Người gửi đang hối thúc, cho rằng tình huống là rất khẩn cấp và mã QR cần phải quét ngay lập tức; Nạn nhân được đề nghị thiết lập xác thực hai yếu tố hay kích hoạt bất kỳ chức năng nào khác của máy tính/trình duyệt.
Đôi khi email cũng có thể đến từ những tài khoản hợp pháp bị hack. Những email này hầu như không chứa văn bản, điều này khiến những bộ lọc nội bộ trong dịch vụ email rất khó nhận ra chúng là thư rác. Hơn nữa, mã QR độc hại vẫn có thể phát tán không chỉ qua email mà còn qua SMS, cũng như trên mạng xã hội.
Quishing là một cách thức lừa đảo phức tạp, nên những mẹo tiêu chuẩn để phát hiện lừa đảo vẫn được áp dụng. Vì nên, để tự bảo vệ mình, người dùng có thể xem trước URL đằng sau của mã QR và sử dụng các máy quét có tính năng bảo mật tích hợp để kiểm tra trước khi chấp nhận thực hiện theo các yêu cầu.
- Thêm một tập đoàn Ấn Độ nhảy vào sản xuất iPhone
Tập đoàn Ấn Độ Tata Group sẽ bắt đầu sản xuất iPhone của Apple trong nước sau khi mua lại một nhà máy của nhà thầu Wistron (Đài Loan, Trung Quốc).
Ngày 27/10, Wistron tiết lộ kế hoạch bán công ty con Ấn Độ của mình cho Tata Electronics với giá ước tính 125 triệu USD. Tata sẽ tiếp quản nhà máy của Wistron tại thành phố Bengaluru ở miền nam Ấn Độ, theo truyền thông địa phương. iPhone “Made in India” phù hợp với nỗ lực mở rộng lĩnh vực sản xuất của chính phủ.
Chính sách "Make in India" của Thủ tướng Narendra Modi đang tìm kiếm đầu tư nước ngoài vào thời điểm các công ty đa quốc gia xem xét các trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày một leo thang.
Trên mạng xã hội X (Twitter), Rajeev Chandrasekhar, Thứ trưởng Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ, viết: “Một công ty của Tata sẽ bắt đầu sản xuất iPhone ở Ấn Độ cho thị trường trong nước và toàn cầu".
- Apple sắp bổ sung tính năng đáng giá này cho AirPods giá rẻ
Một phiên bản AirPods giá rẻ sẽ được tung ra vào năm sau với các tính năng đáng giá.
Theo GadgetMatch, người dùng Apple ngày nay có nhiều sự lựa chọn cho các phụ kiện âm thanh. Tùy theo hình thức và tính năng, người dùng sẽ có thể chọn một trong những dòng sản phẩm gồm AirPods, AirPods Pro và AirPods Max. Tuy nhiên, dựa trên một báo cáo mới, Apple đang có kế hoạch điều chỉnh lại các sản phẩm này.
Được báo cáo đầu tiên bởi Bloomberg, Apple được cho là sẽ làm mới gần như tất cả các loại tai nghe của họ vào năm tới. Đầu tiên là hai mẫu AirPods thông thường. Hiện tại, dòng sản phẩm này có hai mẫu, phiên bản đầu tiên được giới thiệu vào năm 2019 và phiên bản tiếp theo được ra mắt vào năm 2021, mang đến âm thanh và thời lượng pin được cải thiện, nhưng mức giá cũng cao hơn.
Trong năm tới, Bloomberg cho biết rằng cả hai mẫu tai nghe này sẽ có thiết kế mới giống với AirPods Pro nhưng có thân ngắn hơn và không có phần đệm cao su có thể thay thế. Ngoài ra, mẫu đắt tiền hơn trong bộ đôi tai nghe sẽ có tính năng khử tiếng ồn chủ động (ANC), giúp nó tiến gần hơn với mẫu Pro. Thậm chí, tai nghe này có thể sử dụng hộp sạc USB-C.
- Tiềm ẩn lừa đảo từ trào lưu tạo ảnh AI
Công an TP HCM mới phát đi cảnh báo về tội phạm lừa đảo qua mạng thông qua các ứng dụng tạo ảnh đang được nhiều người dùng sử dụng trên mạng xã hội. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tay cho tội phạm lừa đảo.
Việc dùng các ứng dụng tạo ảnh hoạt hình sẽ dễ dẫn đến bị lộ thông tin cá nhân kèm theo hình ảnh (thiết bị, thời gian, vị trí chụp ảnh). Khi người dùng tải các ứng dụng và cấp quyền truy cập thiết bị qua ứng dụng, nguy cơ thông tin cá nhân sẽ bị những người có mục đích xấu thu thập.
Mới đây, Công an TP HCM phát đi khuyến cáo, trước khi cài đặt bất cứ ứng dụng nào trên thiết bị điện tử, người dùng cần xem xét những quyền mà ứng dụng yêu cầu được truy cập. Đồng thời, hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội và tuyệt đối không cung cấp những ảnh nhạy cảm, riêng tư cho ứng dụng đang lan truyền trên Facebook và các nền tảng khác.