NATO tăng tốc bảo vệ môi trường đối phó với biến đổi khí hậu

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 16:29, 27/09/2023

Tốc độ biến đổi khí hậu và tần suất ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đã buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng tốc nỗ lực bảo vệ môi trường.

Mối đe dọa an ninh từ biến đổi khí hậu

Sự gia tăng đáng báo động của tình trạng nóng lên toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và các vấn đề môi trường ngày càng tồi tệ trên thế giới khiến biến đổi khí hậu trở thành một thách thức lớn của con người.

Biến đổi khí hậu làm phức tạp thêm việc quản lý tài nguyên nước ngọt và gây ra tình trạng khan hiếm nước nói chung nhưng cũng gây ra các vấn đề về sức khỏe, suy giảm đa dạng sinh học và các thách thức về nhân khẩu học. Nó còn gây ra những hậu quả khác như: Nạn đói, hạn hán và suy thoái môi trường biển, gây mất đất canh tác và giảm sinh kế của những người dân bị ảnh hưởng, đồng thời ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ và trẻ em gái cũng như những người nghèo và dễ bị tổn thương.

Các nhà lãnh đạo NATO theo dõi video về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels tháng 6-2021. Ảnh: Reuters

Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng mối đe dọa ảnh hưởng đến an ninh, hoạt động và nhiệm vụ của NATO. Một mặt, biến đổi khí hậu gây khó khăn hơn cho các lực lượng vũ trang trong việc thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, nó làm thay đổi môi trường địa chính trị bằng cách gia tăng sự bất ổn, thúc đẩy cạnh tranh địa chiến lược. Sự gia tăng nhiệt độ mặt đất, sa mạc hóa, sự tan chảy của băng biển và sông băng, cũng như việc mở các tuyến đường hàng hải có thể gây bấp bênh cho sự cân bằng về mặt an ninh.

Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, những thay đổi đáng kể về lượng mưa và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang thử thách khả năng phục hồi của quân đội và cơ sở hạ tầng. Ví dụ, nhiệt độ tăng cao kết hợp với những thay đổi về áp suất khí quyển (độ cao áp suất), có thể ảnh hưởng xấu đến tính năng của máy bay cánh cố định hoặc cánh quay và khả năng vận chuyển hàng không. Tương tự, để ngăn ngừa nguy cơ máy bay quân sự quá nóng, đặc biệt là các thiết bị điện tử tinh vi và thiết bị của căn cứ không quân, cần phải tăng cường nỗ lực hậu cần và tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, nhiều tuyến đường vận tải sử dụng đường ven biển rất dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp

Trong nhiều năm qua, NATO đã nỗ lực giải quyết các thách thức an ninh môi trường, bao gồm điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mực nước biển dâng cao, nguy cơ lũ lụt, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, suy thoái đất, rủi ro địa chất và ô nhiễm, tất cả các hiện tượng có thể dẫn đến thảm họa nhân đạo, căng thẳng khu vực hoặc hành vi bạo lực.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu luôn đi kèm với những khó khăn về kỹ thuật và vận hành các loại trang thiết bị vũ khí. Ảnh: Không quân Mỹ

NATO tập trung vào các rủi ro môi trường đối với các hoạt động quân sự và an ninh nói chung. Ví dụ, các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp năng lượng cho dân cư cũng như các hoạt động quân sự, khiến an ninh năng lượng trở thành mối lo ngại lớn. Ngoài ra, NATO còn giúp các nước đối tác loại bỏ kho dự trữ vũ khí, đạn dược chưa nổ sau chiến tranh vốn gây nguy hiểm cho con người và môi trường.

NATO thực hiện công việc trên thông qua chương trình Khoa học vì hòa bình và an ninh (SPS), với sự hỗ trợ từ Trung tâm Điều phối ứng phó thảm họa châu Âu-Đại Tây Dương (EADRCC). EADRCC được thành lập để ứng phó với các trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp vào cuối những năm 1990. Trước khi thành lập EADRCC, NATO đã sử dụng cơ chế viện trợ khẩn cấp cho các quốc gia thành viên, được thành lập vào năm 1953 sau trận lũ lụt chết người tàn phá Bắc Âu và đặc biệt là Hà Lan.

Để phối hợp hành động tốt hơn với các chủ thể khác, NATO đã hợp tác với các tổ chức quốc tế chống lại các mối đe dọa môi trường đối với an ninh ở 4 khu vực dễ bị tổn thương, gồm: Đông Nam Âu, Đông Âu, Nam Kavkaz và Trung Á. Các tổ chức này hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh và Môi trường (ENVSEC). Ban đầu, Sáng kiến góp phần tổ chức các cuộc họp ở cấp khu vực, trong đó các bên quan tâm (chuyên gia, người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ, cơ quan công quyền và các nhà tài trợ quốc tế) đã vẽ ra các bản đồ khu vực nêu bật các vấn đề có tính chất ưu tiên về an ninh. Thời gian sau, Sáng kiến tập trung gây quỹ để khắc phục các vấn đề đã được xác định trong các cuộc họp trước đó.

Để bảo đảm việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của NATO, các quân nhân phải được đào tạo đầy đủ. Mặc dù trách nhiệm chủ yếu của các quốc gia là cung cấp chương trình đào tạo nhưng NATO cam kết bảo đảm rằng các lực lượng đồng minh được đào tạo chung về bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả. Mục tiêu là bảo vệ môi trường phải trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của binh lính. Để đạt được mục tiêu này, NATO đã chỉ định các sĩ quan tham mưu chịu trách nhiệm biến việc bảo vệ môi trường thành nhiệm vụ ở cấp chiến lược, hoạt động và chiến thuật.

NATO cũng tiến hành nhiều cuộc diễn tập để chứng minh khả năng tồn tại của các thiết bị quân sự tiết kiệm năng lượng. Một số cuộc diễn tập hậu cần cho thấy việc sử dụng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) kết hợp với các giải pháp lưu trữ năng lượng đã giúp giảm mức tiêu thụ dầu diesel trong các doanh trại quân đội.

Để có thể tiếp thu, áp dụng và triển khai các công nghệ tiết kiệm năng lượng trên quy mô lớn, NATO sẵn sàng đón nhận sự đổi mới. Ảnh: NATO

Bên cạnh đó, NATO tích cực tìm kiếm các giải pháp “xanh hơn”. Trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm hàng hải (CMRE) của Tổ chức Khoa học và Công nghệ NATO (STO) đặt tại La Spezia (Italy) đã tìm cách đo lường tác động của môi trường đối với hoạt động an ninh và ngược lại. Đặc biệt, CMRE đã tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu về cách sóng siêu âm ảnh hưởng đến động vật có vú ở biển. Sau đó NATO đã thiết lập Quy tắc ứng xử về việc sử dụng sóng siêu âm, chủ động bảo vệ động vật có vú ở biển trong các hoạt động hàng hải của NATO. Một dự án khác tập trung vào việc quan sát khí hậu ở vùng Viễn Bắc, và đặc biệt hơn là về tác động của biến đổi khí hậu ở Bắc Băng Dương.

Mỗi năm, NATO thực hiện một nghiên cứu về tác động an ninh của biến đổi khí hậu. Đây là bản phân tích về tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường chiến lược của NATO cũng như các nguồn lực, cơ sở, sứ mệnh và hoạt động của tổ chức quân sự này. NATO cũng tính đến biến đổi khí hậu trong các đánh giá rủi ro an ninh và khả năng phục hồi. Ngoài ra, nghiên cứu cũng thúc đẩy các chương trình khoa học-công nghệ và các cộng đồng liên quan để hỗ trợ nghiên cứu về tác động an ninh của biến đổi khí hậu, tích hợp khía cạnh giới tính, phù hợp với Chính sách của NATO về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius (Lithuania) hồi tháng 7 vừa qua, các nước thành viên NATO hoan nghênh việc thành lập một trung tâm về biến đổi khí hậu và an ninh ở Montreal (Canada). Bên lề hội nghị thượng đỉnh, NATO còn công bố 3 báo cáo quan trọng giúp các nước đồng minh hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường chiến lược, sứ mệnh và hoạt động của NATO, đồng thời điều chỉnh lực lượng vũ trang của họ để duy trì hiệu quả hoạt động.

Những nỗ lực trên nhằm đưa NATO trở thành tổ chức quốc tế hàng đầu về hiểu biết và thích ứng với những tác động an ninh của biến đổi khí hậu như đã được các nhà lãnh đạo NATO xác định trước đó tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels (Bỉ) hồi tháng 6-2021.

PHƯƠNG LINH (theo nato.int)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.