Hội cổ động viên Nam Định giải thể: Khi người hâm mộ quay lưng!
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 19:45, 13/08/2023
Trong thể thao chuyên nghiệp nói chung, khán giả vừa là những người thưởng thức "món ăn tinh thần", đồng thời cũng chính là "khách hàng". Riêng trong bóng đá, người ta còn xem mối quan hệ bóng đá - khán giả như một thứ tình yêu, mà đã là tình yêu thì cần sự chung thủy từ cả 2 phía. Câu chuyện Hội Cổ động viên bóng đá Nam Định tuyên bố giải thể mới đây là một minh chứng…
Từ chuyện "tình yêu" trong "túc cầu giáo"
Nhiều tài liệu cho rằng bóng đá hiện đại được chính thức hình thành vào khoảng giữa thế kỷ 19 tại Anh quốc với hệ thống luật lệ cơ bản gần giống như hiện nay. Và cũng ngay từ những ngày đầu tiên ấy, các cuộc đấu bóng đá đã gắn với sự hiện diện của đông đảo khán giả.
Chỉ trong một thời gian ngắn, việc xem bóng đá trở thành một thú giải trí phổ thông, cao hơn là một nhu cầu trong đời sống xã hội tại các quốc gia phát triển. Và để các CLB bóng đá tồn tại, phát triển, nhất định phải có điểm tựa cổ động viên, nhất là lực lượng cổ động viên trung thành.
Cũng theo thống kê, hầu hết các CLB bóng đá hàng đầu tại nước Anh - quê hương của bóng đá hiện đại - có tuổi đời hơn 100 năm, thậm chí hơn 150 năm. "Già" nhất là Crystal Palace, ra đời năm 1861, tức đã 162 tuổi. Một số tên tuổi lớn nhất hiện tại như Manchester United (1878, tức 145 tuổi), Tottenham Hospur (1882), Arsenal (1886), Liverpool (1892), Chelsea (1905)… Bí quyết nào để các CLB ấy "trường thọ" như thế? Xin thưa, nguyên nhân đầu tiên chính là sự sát cánh của lực lượng cổ động viên qua các thời kỳ, các thế hệ…
Sự ví von bóng đá như một thứ tôn giáo (túc cầu giáo) có thể hơi quá lời bởi thật khó để bắt những cổ động viên thành những "con chiên" hay những "giáo dân" trung thành như ở các tôn giáo. Nhưng quả là ở các nền bóng đá phát triển, bóng đá luôn có chỗ đứng vô cùng vững chắc bởi sự ủng hộ của những cổ động viên hết sức trung thành.
Người viết bài này từng có dịp sang Anh tìm hiểu về nền bóng đá chuyên nghiệp của họ, và tôi ngỡ ngàng khi biết có những gia đình đã là cổ động viên trung thành của một câu lạc bộ duy nhất qua 4 đời liên tiếp, nối tiếp nhau suốt gần một thế kỷ. Ngay cả khi CLB của họ rơi từ hạng cao nhất xuống hạng 3, thậm chí hạng 4 thì họ vẫn yêu, vẫn cổ vũ nhiệt tình!
Ở bóng đá Việt Nam có thứ tình yêu ấy không? Xin thưa là không. Trước tiên, chúng ta chưa có được một nền bóng đá đậm bản sắc văn hóa và giàu truyền thống như họ. Tính "màu cờ sắc áo" trong bóng đá từng được hình thành trong quá khứ, với một số đội bóng cấp tỉnh hay ngành (như Thể Công, Công an Hà Nội, Công an TPHCM, Công an Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, Đồng Tháp, Quảng Nam Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Nam Định…) có lực lượng cổ động viên tương đối trung thành.
Nhưng, kể từ khi hệ thống bóng đá đỉnh cao tiến hành chuyên nghiệp hóa (đầu những năm 2000) thì nhiều CLB đã biến mất. Khi một số CLB do doanh nghiệp đầu tư xuất hiện cũng hình thành lượng cổ động viên mới. Thậm chí, không ít cổ động viên của Thể Công trở thành fan của CLB T&T Hà Nội (nay là Hà Nội FC). Rồi có những CLB chỉ tồn tại được vài mùa như Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn hay mới đây là sự tan rã của Sài Gòn FC, đều do sự bấp bênh khi quá lệ thuộc vào các "ông/bà chủ".
Những CLB bóng đá kiểu "thời vụ" như thế có thể bằng cách này hay cách khác, thu hút (thậm chí là mua chuộc) được sự cổ vũ của một bộ phận CĐV, nhưng chắc chắn không tạo nên thứ "tình yêu" thủy chung và bền vững.
Sông Lam Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa hay Hải Phòng là những CLB hiếm hoi còn phần nào tiếp nối truyền thống trước đây, nhưng "bản sắc" thì đều đã mai một không ít. Tình yêu trong bóng đá Việt Nam lại là một "chuyện dài nhiều tập"…
Tới mối quan hệ 2 chiều giữa CLB và cổ động viên trong bóng đá Việt Nam
Mới năm ngoái thôi, Sông Lam Nghệ An - đội bóng giàu truyền thống nhất tại V.League hiện nay - bị chính Hội cổ động viên của họ tẩy chay sau chuỗi 5 trận đấu bị cho là "có mùi" ở giai đoạn 2 của giải. Ở giai đoạn một, "đội quân xứ Nghệ" còn được xếp vào diện có thể cạnh tranh ngôi vô địch, thế mà họ bỗng dưng tuột dốc ngay sau khi đảm bảo suất trụ hạng, chơi dưới sức mình, phạm nhiều sai lầm khó hiểu trong các trận thua ấy.
Tới đây xin ôn lại một chút quá khứ của SLNA, chính cổ động viên của họ từng lan truyền câu vè: "Hoan hô đội bóng tỉnh ta; Đi làm kinh tế ở xa mới về"! Cổ động viên SLNA giận đến nỗi vừa công khai quay sang cổ vũ cho đội hàng xóm Hà Tĩnh, vừa làm hẳn biểu ngữ đề nghị Liên đoàn Bóng đá VN vào cuộc điều tra, làm rõ những bất thường của đội. Bất đắc dĩ, lãnh đạo CLB phải cách chức Huấn luyện viên trưởng, thực hiện một loạt các biện pháp chấn chỉnh nội bộ…
"Giận thì giận, mà thương thì thương", người xứ Nghệ rồi lại rộng lượng bỏ qua, SLNA mùa này tiếp tục được sự cổ vũ của lực lượng cổ động viên trung thành khắp cả nước (nhưng cuối giải lại xuất hiện 1, 2 trận đá không đúng sức?)…
Trở lại với câu chuyện của Hội cổ động viên bóng đá Nam Định - những người từng biến sân vận động Thiên Trường thành một "thánh địa bóng đá" cực kỳ sôi động kể từ đầu mùa, và luôn là một trong những sân đông khán giả nhất cả nước nhiều mùa qua.
Trong lịch sử, người hâm mộ thành Nam mới chỉ một lần được hưởng niềm vui vô địch vào năm 1985, khi đội bóng mang tên Công nghiệp Hà Nam Ninh. Sau này, đội Nam Định có thêm 2 mùa giành chức Á quân. Rồi gần đây là những tháng năm lận đận, trụ hạng cũng là thành công của CLB.
Nhưng dù thế nào, cổ động viên vẫn luôn ủng hộ. Tới mùa giải năm nay, khi tên gọi đổi thành Thép Xanh Nam Định, gắn với thương hiệu nhà tài trợ, đội bóng có thêm kinh phí để đón về nhiều cầu thủ chất lượng và từng có thời điểm CLB cạnh tranh quyết liệt vào tốp 3. Bầu không khí các trận đấu ở sân Thiên Trường phải nói là cực kỳ ấn tượng, hiếm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Ngờ đâu…
Trận thua Công an Hà Nội (đội bóng tân binh nhưng rất giàu "tài lực" và đang chạy đua vô địch) đã tạo nên nỗi thất vọng cực kỳ lớn lao. Nhiều cổ động viên cảm thấy bị phản bội khi những gì họ chứng kiến hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng. Nó từa tựa như cảnh bắt quả tang "người yêu" đi với "người thứ 3" vậy!
Tất nhiên, từ HLV tới cầu thủ thành Nam chỉ lấy việc đã hoàn tất mục tiêu trụ hạng, cộng thêm việc không còn khả năng chạy đua vào tốp 3 làm lý do, bao biện cho sự mất động lực thi đấu. Nhưng họ có nghĩ tới những cổ động viên đã và đang sát cánh hay không?
Chuyện của SLNA mùa trước, Nam Định mùa này (và có thể còn không ít câu chuyện tương tự) đều là những điển hình cho tư duy bóng đá thiếu chuyên nghiệp của những người đang mang trên mình "chiếc áo chuyên nghiệp rộng thùng thình"!
Tác giả: Nhà báo Doãn Hữu Bình hiện là Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao); Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam, Ủy viên BCH Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam; thành viên Ban truyền thông của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Ông Bình nguyên là Trưởng Ban phóng viên Báo Thể thao TPHCM, đồng tác giả sách Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam.