Điểm tin kinh doanh 12/8: Thị trường trầm lắng, giá vàng đứng yên

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 12/08/2023

'Báo động đỏ' kinh tế Trung Quốc; Giá gạo tăng cao nhất trong 12 năm qua
gia-vang-1-1726-1-.jpg

- Thị trường trầm lắng, giá vàng đứng yên

Giá vàng hôm 11/8 đã hãm được đà giảm sau báo cáo về tình hình lạm phát trong tháng 7 của Mỹ vừa được công bố tối 10/8. Giá vàng thế giới hiện đang giao dịch ở mức 1.913,4 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC đi ngang, giao dịch quanh mức 67,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước ngày 11/8 đứng yên, giao dịch trong xu hướng đi ngang quanh mức 67,3 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tính đến 9 giờ 30 phút sáng, giá vàng DOJI tại Hà Nội niêm yết ở mức 66,65 triệu đồng/lượng mua vào và 67,35 triệu đồng/lượng bán ra, đứng yên so kết thúc phiên giao dịch hôm trước.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng thương hiệu này, mua vào ở mức tương tự, song bán ra thấp hơn 100.000 đồng so khu vực Hà Nội.

Trong khi đó, giá vàng SJC sáng 11/8 niêm yết mua vào-bán ra ở mức 66,7-67,32 triệu đồng/lượng.

Vàng PNJ đang mua vào ở mức 56 triệu đồng/lượng và bán ra mức 57 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay thế giới sáng 11/8 giao dịch ở mức 1.913,4 USD/ounce, đứng yên so kết phiên hôm qua. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.947,1 USD/ounce giảm 1,8 USD so phiên giao dịch trước đó.

Giá vàng sáng 11/8 hãm được đà giảm liên tiếp từ đầu tuần sau khi các báo cáo mới công bố cho thấy, lạm phát của Mỹ tiếp tục “hạ nhiệt” và thị trường việc làm cũng đang có dấu hiệu suy yếu.

Cụ thể, trong tháng 7, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ đã tăng 0,2% so với tháng trước, khớp với dự báo của các chuyên gia. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 3,2%, thấp hơn một chút so dự báo 3,3% từ các chuyên gia, nhưng lại cao hơn mức 3% của tháng 6.

Chỉ số CPI lõi, loại trừ thực phẩm và năng lượng, cũng tăng 0,2% so tháng trước và tăng 4,7% so cùng kỳ. Con số này thấp hơn so với dự báo tăng 4,8% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Trong khi đó, báo cáo về số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần của Mỹ cao hơn một chút so kỳ vọng. Mặc dù cả hai báo cáo đều nghiêng về những người ủng hộ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng dường như chưa đủ để vàng có thể tăng giá trong bối cảnh đồng USD tiếp tục tăng cao và lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn còn dai dẳng và chưa gần mức mục tiêu 2% của FED.

Sáng 11/8, chỉ số USD-Index tăng 0,13% lên 102,63 điểm đã tiếp tục lấy đi sức hấp dẫn của vàng với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác; chứng khoán Mỹ tăng nhẹ và vẫn trong quá trình điều chỉnh; giá dầu ổn định, giao dịch quanh mức 82 USD/thùng.

- 'Báo động đỏ' kinh tế Trung Quốc

Theo nhiều chuyên gia, dù kinh tế đang trên đà giảm phát, nhưng Trung Quốc không còn nhiều dư địa chính sách để vực dậy nền kinh tế.

Nhiều tuần qua, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách của Trung Quốc liên tục hứa hẹn sẽ thực hiện thêm biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển chậm chạp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điều này khó có thể xảy ra vì Trung Quốc còn quá nhiều thách thức để thúc đẩy nền kinh tế như cách đây 15 năm.

Ông Craig Singleton, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dường như không ban hành bất kỳ biện pháp kích thích tài chính hoặc tiền tệ lớn nào, bởi họ lo ngại làm như vậy có thể làm trầm trọng thêm rủi ro nợ của Trung Quốc”.

Kể từ tháng 4/2023, hàng loạt dữ liệu kinh tế và thống kê dân số đã làm dấy lên lo ngại. Sau khi chấm dứt các hạn chế phòng dịch, nền kinh tế Trung Quốc có khởi đầu mạnh mẽ, nhưng dần “mất đà” trong cuộc phục hồi hậu COVID. GDP quý II của nước này gần như không tăng trưởng so với quý trước. Các dấu hiệu giảm phát đang trở nên phổ biến hơn, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ trì trệ kéo dài.

“Kinh nghiệm của Nhật Bản trong những năm 1990 cho thấy Trung Quốc đang có nguy cơ rơi vào “bẫy thanh khoản”, một kịch bản trong đó chính sách tiền tệ phần lớn trở nên vô hiệu và người tiêu dùng giữ tiền mặt của họ thay vì chi tiêu”, bà Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis cho biết.

Nói cách khác, các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc bị thúc đẩy bởi tâm lý rất tiêu cực về triển vọng kinh tế, thích thoái vốn và giảm đòn bẩy tài chính trong bối cảnh doanh thu giảm.

- Chủ tịch Bamboo Airways Lê Thái Sâm từ nhiệm thành viên HĐQT FLC

Ông Lê Thái Sâm hiện sở hữu số cổ phần tương đương trên 50% vốn điều lệ của Bamboo Airways và đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của hãng bay này.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa cho biết ông Lê Thái Sâm đã nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của doanh nghiệp này. Trong ngày 11/8, HĐQT FLC đã họp và thống nhất trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Sâm tại cuộc họp gần nhất.

Hồi đầu tháng 7, ông Lê Thái Sâm được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways sau khi ông Oshima Hideki xin từ nhiệm. Ông Sâm hiện sở hữu số cổ phần tương đương trên 50% vốn điều lệ của hãng bay này.

- VinFast bàn giao 3.042 ô tô điện trong tháng 7/2023

Ngày 11/8/2023 - Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast công bố kết quả kinh doanh tháng 7, với 3.042 xe bán ra thị trường, trong đó VF e34 và VF 5 Plus là hai mẫu xe có doanh số tốt nhất.

Cụ thể, với 1.181 xe bán ra, VF e34 là mẫu xe có đóng góp lớn nhất cho doanh số chung của VinFast trong tháng 7. Trong khi đó, mẫu xe hạng A - VF 5 Plus - tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng khi bán được 1.000 chiếc, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Mẫu SUV full-size hạng sang VF 9 cũng tăng trưởng nhẹ so với tháng 6, với 418 xe bán ra.

Lũy kế đến hết tháng 7/2023, đã có 6.253 xe VinFast VF e34 và 4.998 xe VF 8 đến tay khách hàng. Mới bắt đầu được bàn giao từ tháng 3 và tháng 4 năm nay, tuy nhiên hai mẫu xe VF 9 và VF 5 Plus cũng đã đạt được doanh số luỹ kế lần lượt là 1.452 xe VF 9 và 1.977 xe VF 5 Plus.

Tổng cộng, VinFast đã bàn giao 14.680 xe ô tô điện cho khách hàng tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Đây là kết quả ấn tượng của VinFast trong bối cảnh thị trường trầm lắng, người dân thắt chặt chi tiêu khiến sức tiêu thụ ô tô sụt giảm mạnh.

- Giá gạo tăng cao nhất trong 12 năm qua

Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vừa cho biết, giá gạo trong tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Cụ thể, chỉ số giá gạo của FAO đạt 129,7 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 9-2011.

"Hiện tượng El Nino đang gây ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa gạo của nhiều nước xuất khẩu gạo hàng đầu. Ngoài ra, chuỗi cung ứng gạo đang bị ách tắc vì Ấn Độ đã dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá gạo trong nước" - FAO đánh giá.

Theo FAO, Ấn Độ chiếm 40% khối lượng thương mại gạo toàn cầu và việc hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ làm tăng mối lo ngại về an ninh lương thực đối với một bộ phận lớn dân số thế giới.

Bước sang tháng 8, giá gạo dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh vì rơi vào thời điểm tồn kho thấp theo mùa ở các nhà cung cấp gạo lớn trên toàn cầu. Giá gạo có thể tăng hơn nữa nếu các quốc gia khác làm theo trong việc thực hiện các hạn chế xuất khẩu.

Không chỉ vậy, Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, hiện đang khuyến khích nông dân của mình gieo trồng ít hơn để tiết kiệm nước do lượng mưa thấp.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang bán ở mức giá 598 USD/tấn, và có thể vượt trên 600 USD/tấn trong thời gian đến. Thái Lan bán gạo 5% tấm là 625 USD/tấn.

Việt Nam bán gạo 25% tấm là 578 USD/tấn, trong khi Thái Lan đang bán thấp hơn 10 USD so với Việt Nam.

- Xuất khẩu cá tra có thể chạm mốc 1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm

Tính đến hết 15/7/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 942 triệu USD, ước tính đến hết tháng 7 sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD với những tín hiệu tích cực từ hai thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết 15/7/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 942 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng 7, xuất khẩu cá tra đạt 70 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Ước tính xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 1 tỷ USD.

Hai thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ đang ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn, dù vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết 15/7/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hong Kong chỉ đạt 301 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Nửa đầu tháng 7, thị trường này nhập khẩu hơn 20 triệu USD cá tra Việt Nam. Ước tính, đến hết tháng 7, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hong Kong có thể đạt 337 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022.

Tín hiệu hồi phục tại thị trường Trung Quốc và Hong Kong thể hiện tương đối rõ ràng khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu như tháng 4/2023 giảm 66% so với cùng kỳ năm 2022, tháng 5/2023 giảm 30%, thì tháng 6 mức giảm này chỉ còn 15%. Trung Quốc và Hong Kong cũng duy trì mức tăng trưởng nhập khẩu cao nhất trong các thị trường và giữ vị trí số 1 về tiêu thị cá tra kể từ năm 2020 đến nay.

Còn với thị trường nhập khẩu lớn thứ hai là Mỹ, tính đến hết 15/7/2023, kim ngạch nhập khẩu cá tra từ Việt Nam của nước này đạt gần 150 triệu USD, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% tỷ trọng. VASEP ước tính, xuất khẩu cá tra sang thị trường này 7 tháng đầu năm nay có thể đạt 162 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn đối với khối CPTPP và EU, hai khối này vẫn duy trì vị trí thứ 3 và 4 về tiêu thụ cá tra Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt lần lượt là 125 triệu USD và 96 triệu USD, giảm 37% và 21% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Báo (Tổng hợp)