Điểm tin kinh doanh 7/8: Chuyên gia lạc quan về giá vàng tuần này
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 07/08/2023
- Chuyên gia lạc quan về giá vàng tuần này
Trong ngắn hạn, khảo sát của Kitco News về xu hướng giá vàng trong tuần này với 15 nhà phân tích Phố Wall cho thấy, rất nhiều ý kiến dự báo vàng sẽ tăng.
Giá vàng quốc tế cuối tuần đạt 1.943,6 USD/ounce. Dù đã hồi phục từ mức thấp trước đó nhưng so với cuối tuần trước, kim loại quý đã giảm gần 20 USD. Giá vàng trong tuần này đã có lúc rớt mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần qua do đồng USD giao dịch ở mức cao. Thế nhưng, trong phiên cuối tuần, kim loại quý bật tăng trở lại khi có nhiều nhà đầu tư đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể không tăng lãi suất thêm nữa. Điều này đẩy đồng bạc xanh đi xuống và hỗ trợ cho giá vàng hồi phục.
Các kỳ vọng Fed sẽ chấm dứt quá trình thắt chặt tiền tệ gia tăng sau khi báo cáo số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng thêm 187.000 vào tháng 7, thấp hơn dự báo tăng 200.000 việc làm của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Lợi suất trái phiếu giảm cùng với đồng USD và điều đó đã hỗ trợ giá vàng đi lên.
Theo công cụ FedWatch của CME, xác suất Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 19 - 20/9 hiện khoảng 85% so với khoảng 78% ngay trước khi dữ liệu về việc làm phi nông nghiệp được công bố.
Trong ngắn hạn, khảo sát của Kitco News về xu hướng giá vàng trong tuần tới với 15 nhà phân tích Phố Wall thì kết quả cho thấy, rất nhiều ý kiến dự báo vàng sẽ tăng. Cụ thể, có 8 người, tương đương 53% nghĩ rằng giá vàng sẽ tăng; có 6 người, tương đương 40% có nhận định ngược lại và chỉ còn duy nhất 1 người dự báo vàng đi ngang.
Cuối tuần 6/8, giá vàng trong nước biến động trong vùng hẹp nhưng vàng SJC vẫn bỏ xa vùng 67 triệu đồng/lượng. Giá vàng hôm nay đối với vàng SJC được giao dịch ở mức 66,7 triệu đồng/lượng mua vào, 67,25 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 50.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 25K các loại cũng điều chỉnh giảm nhẹ còn 56 triệu đồng/lượng mua vào, 57 triệu đồng/lượng bán ra.
So với cuối tuần trước, giá vàng SJC tăng nhẹ trong khi giá vàng trang sức lại giảm khoảng 150.000 đồng. Dù vậy, thị trường trong nước thời gian qua ít biến động cả về giá và nhu cầu giao dịch.
Biên độ dao động mỗi ngày chỉ khoảng 50.000 – 200.000 đồng/lượng, trong khi giá mua vào – bán ra được duy trì lên tới 600.000 đồng/lượng đối với vàng SJC và tới 1 triệu đồng/lượng đối với vàng trang sức.
Với biên độ này, gần như thị trường không có cơ hội cho người mua lướt sóng vàng.
Với những người nắm giữ lâu, tính từ đầu năm đến nay, trong hơn 8 tháng qua giá vàng SJC gần như không thay đổi khi chỉ tăng khoảng 200.000 đồng/lượng; vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại tăng mạnh hơn là khoảng 3 triệu đồng/lượng (tương đương tăng khoảng 5,5%). Các mức sinh lợi này không thật sự hấp dẫn người nắm giữ vàng.
- Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, đẩy giá lúa gạo
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 24 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao do một số nước cấm xuất khẩu, giảm lượng gạo bán ra, một số nước khác tăng mua dự trữ gạo... Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.
Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định.
"Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế", Chỉ thị nêu rõ yêu cầu của Thủ tướng đối với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
- SK hynix lạc quan về triển vọng phục hồi của thị trường chip nhớ
Nhu cầu chip nhớ từ các doanh nghiệp và máy tính cá nhân chơi game được dự báo sẽ tăng trong nửa cuối năm nay so với nửa đầu năm, SK hynix cho biết.
Hãng sản xuất chip nhớ lớn thứ hai thế giới SK hynix (Hàn Quốc) vừa cho biết, thị trường chip nhớ đang bắt đầu phục hồi sau thời kỳ suy thoái sâu trong bối cảnh nhu cầu trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ đã đẩy giá cổ phiếu của hãng tăng dù hoạt động kinh doanh quý II/2023 thua lỗ.
Đặc biệt, nhu cầu chip nhớ từ các doanh nghiệp và máy tính cá nhân chơi game được dự báo sẽ tăng trong nửa cuối năm nay so với nửa đầu năm, SK hynix cho biết.
Các nhà sản xuất chip nhớ đã cắt giảm sản lượng trong nửa đầu năm nay do giá tiếp tục giảm bởi nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, sự bùng nổ AI đã giúp SK hynix tăng doanh số bán chip DRAM cao cấp trong quý II/2023 và thu hẹp khoản thua lỗ so với quý trước.
SK hynix đã báo cáo khoản lỗ hoạt động 2.900 tỷ won (2,28 tỷ USD) trong quý II/2023, trái ngược so với mức lãi 4.200 tỷ won cùng kỳ năm trước do nhu cầu và giá chip nhớ yếu. Doanh thu của hãng trong quý này cũng giảm 47% so với cùng kỳ năm trước xuống 7.310 tỷ won.
SK hynix cho biết, nhu cầu bộ nhớ máy chủ AI đã tăng nhanh. Trung bình trong quý II/2023 các chip DRAM được bán với giá cao hơn so với quý I/2023.
SK hynix dẫn đầu thị trường DRAM tận dụng bộ nhớ băng thông cao (HBM) được sử dụng trong AI đang phát triển nhanh chóng, khi chiếm 50% thị phần trong HBM vào năm 2022, tiếp theo là Samsung Electronics (40%) và Micron (10%), theo TrendForce.
Greg Roh, trưởng bộ phận nghiên cứu của Hyundai Motor Securities, cho biết, hoạt động kinh doanh chip DRAM của SK hynix dự kiến sẽ có lãi trong quý IV/2023 nhờ doanh số bán các sản phẩm cao cấp tăng mạnh.
- Giá gạo xuất khẩu ở mức đỉnh của 15 năm
Giá lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng, cùng với đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu cũng được chào bán ở mức đỉnh của 15 năm từ 590 - 600 USD/tấn.
Mức giá từ 590 - 600 USD/tấn, cao hơn so với mức từ 550 - 575 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo tiếp tục tăng sau khi Ấn Độ và một số nước khác hạn chế xuất khẩu. Nhận định về triển vọng giá gạo, nhiều thương nhân nói: “Chưa biết giá sẽ tăng đến mức nào”.
Trong hai tuần qua, giá lúa của Việt Nam đã tăng mạnh, do nhu cầu lớn từ các nhà xuất khẩu và chế biến. Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, ở Sóc Trăng, giá lúa tăng so với tuần trước như: Đài thơm 8 ở mức 8.100 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; RVT là 7.800 đồng/kg, cũng tăng 200 đồng/kg; OM 5451 tăng 100 đồng/kg, lên mức 7.800 đồng/kg.
Giá lúa ở Hậu Giang cũng có sự tăng khá như: IR 50404 lên 8.000 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg; RVT là 8.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 là 8.500 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg.
- Thêm 5 chủ đầu tư gửi hồ sơ, hiện chỉ còn 6 dự án tái tạo chuyển tiếp chưa đàm phán
Theo EVN, đã có 79/85 dự án điện gió, điện mặt trời tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ đàm phán, trong đó có 67 dự án với tổng công suất 3.399,41 MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá.
Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 4/8/2023, đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, tăng tới 5 dự án so với thống kê đến ngày 1/8.
Trong đó, có 67 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.399,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương).
EVN và chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 59/62 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW.
Số lượng dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 17 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 907,12 MW.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đạt khoảng 234,9 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Cũng theo EVN, đến thời điểm hiện nay, có 21 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 38 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Như vậy, hiện chỉ còn 6 dự án điện chuyển tiếp với tổng công suất 284,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.