Cô đồng ‘đúng nhận sai cãi’ khăng khăng: Không biết gì, không nhớ gì
Pháp luật - Ngày đăng : 09:59, 06/08/2023
Cô đồng "không nhớ, không biết"
Chiều 5/8, trao đổi riêng với phóng viên Dân trí, Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tiết lộ lý do vì sao thời gian điều tra về "cô đồng bổ cau" Trương Thị Hương lại kéo dài.
Công an thị xã Kinh Môn cho biết, sau khi có thông tin phản ánh từ báo chí và đơn tố cáo của người dân về hiện tượng cô đồng Trương Thị Hương có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức làm lễ hầu đồng, đơn vị này đã ra quyết định phân công xử lý nguồn tin báo tội phạm từ 22/2.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ việc, Công an thị xã Kinh Môn gặp cả trở ngại về phía đối tượng bị tố cáo và người làm đơn tố cáo. Đối tượng bị tố cáo là cô đồng Trương Thị Hương (SN 1987, ở phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương) chuyên nhận tiền xem bói, hầu đồng và hứa nếu làm lễ sẽ tai qua nạn khỏi, đối tượng này không chịu hợp tác với cơ quan điều tra.
Theo công an, khi được hỏi, Hương không chịu nói gì hoặc kiên quyết nói: "Không biết gì, không nhớ gì".
Về phía những người tố cáo cô đồng Hương, do ngại bị dư luận chê cười là u mê dại dột nên chấp nhận mất tiền và không muốn hợp tác với cơ quan điều tra.
Vị đội trưởng điều tra viên cho biết, mặc dù nhận được đơn tố cáo của nhiều người dân đến từ Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên nhưng Công an thị xã Kinh Môn quyết định chọn trường hợp tố cáo của anh Trần Thế Xuân ở Hải Phòng để điều tra trước. Lý do là anh Xuân không ngại dư luận, sẵn sàng cung cấp đầy đủ bằng chứng và lời khai cho cơ quan chức năng.
Anh Trần Thế Xuân, nhân vật trong bài mà Báo Dân trí đã phản ánh, có bằng chứng chuyển khoản cho cô đồng, có file ghi âm quá trình cô đồng hứa nếu đóng 180 triệu đồng làm lễ sẽ giúp anh bán được nhà. Tuy nhiên, làm lễ xong nhà vẫn không bán được, anh này tố cô đồng ra công an.
Theo phụ trách đội điều tra viên Công an thị xã Kinh Môn, vụ việc này được Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương chỉ đạo sát sao vì được dư luận cả nước quan tâm. Vì vậy, sau 3 tháng điều tra, đến tháng 5 năm nay, chính quyền Hải Dương đã họp 3 bên, 2 cấp gồm công an, viện kiểm sát và tòa án giữa thị xã Kinh Môn và tỉnh Hải Dương để trao đổi, xin ý kiến về vụ việc này.
Đến ngày 22/6, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Kinh Môn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174, khoản 2, Bộ luật Hình sự. Ngày 4/8, cơ quan này ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Trương Thị Hương, bắt tạm giam đối tượng này.
Công an thị xã Kinh Môn cho biết, đơn vị này đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, vẫn tiếp tục nhận đơn tố cáo của người dân về cô đồng Trương Thị Hương.
Nạn nhân mong cô đồng bị trừng trị đúng pháp luật
Công an thị xã Kinh Môn cho biết, nếu cô đồng trả lại tiền cho những người tố cáo thì được xem như tình tiết giảm nhẹ trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, một số nạn nhân của cô đồng nói với phóng viên Dân trí, nếu họ lấy lại được tiền thì tốt, không lấy lại được thì coi như mất, nhưng họ mong cô đồng sẽ bị trừng trị đúng pháp luật để cảnh tỉnh xã hội.
Gia đình chị Trần Thị Huyền (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) gặp trục trặc trong công việc, vợ chồng bất hòa nên chị tìm tới cô đồng Trương Thị Hương và được gợi ý làm khóa lễ 65 triệu đồng. Sau khi chị Huyền trình bày hoàn cảnh, xin giảm giá, cô đồng giảm giá khóa lễ xuống còn 25 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền đã trao, lễ đã xong mà mọi chuyện không có gì thay đổi.
Ngày 5/8, trao đổi với phóng viên Dân trí chị Huyền cho biết khi nhận ra mình u mê thì đã muộn. Chị mong cô đồng sẽ bị xử lý đúng quy định của pháp luật để những người hành nghề xem bói hầu đồng nhìn vào làm gương.
Tương tự, chị T. (Kinh Môn, Hải Dương) phải đi vay 22,5 triệu đồng để nhờ Trương Thị Hương làm lễ. Ngày 5/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, chị T. cho biết, khi chị đến xem bói, cô đồng Hương nói rằng nếu không làm lễ thì bố chồng chị sẽ chết trong năm nay; chồng chị T. ở nước ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng công việc, không có tiền gửi về.
Chị T. dù không có tiền nhưng vẫn chạy vạy và nhờ chồng gửi tiền từ nước ngoài về để đủ tiền cho bà Hương làm lễ. Tuy nhiên, làm lễ xong bố chồng chị T. vẫn qua đời trong năm, công việc của chồng chị T. cũng không khởi sắc. Khi đó, chị T. nhắn tin cho cô đồng để báo tình hình thì cô đồng chỉ im lặng.
"Hôm tôi đi làm lễ thì có gần 10 người làm chung đàn lễ với tôi. Toàn những người hoàn cảnh khó khăn nên "cô" cho ghép lễ, người chục triệu, người hai chục, ba chục triệu góp vào làm một đàn lễ. Sau khi bố chồng mất tôi thật sự tỉnh ngộ, chúng tôi mong cô đồng Trương Hương bị trừng trị theo đúng pháp luật", chị T. nói.