Tòa bác đơn kiện Sở VHTT Hà Nội 'gây phiền hà cho doanh nghiệp'
Pháp luật - Ngày đăng : 19:10, 02/08/2023
Chiều 2/8, sau một ngày nghị án, TAND TP Hà Nội bác bỏ toàn bộ khởi kiện của Vietart với Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội trong quá trình cấp phép tổ chức biểu diễn vở cải lương Tiếng trống Mê Linh. Bị đơn là Sở VHTT Hà Nội vẫn vắng mặt suốt quá trình xét xử đến tuyên án.
Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận thấy, ngay từ khi Vietart nộp hồ sơ, Sở VHTT Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý đúng quy định pháp luật, đúng thời gian. Hơn nữa, suốt quá trình xin cấp phép, Vietart không có bất kỳ khiếu nại nào, cho rằng "các thủ tục, quy trình của Sở là chính đáng, đúng quy định pháp luật".
Khi chưa được cấp phép, Vietart cũng đã tự quảng cáo bán vé trên mạng xã hội.
Theo HĐXX, ngay từ đầu Vietart đã không chủ động thực hiện đúng quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan. Thực tế là Vietart đã nhiều lần bị phản ánh đến Sở VHTT Hà Nội về việc không tuân thủ quy định quyền tác giả.
Vì vậy, khi xin cấp phép vở cải lương, Sở VHTT Hà Nội yêu cầu Vietart bổ sung thêm thông tin là cần thiết.
Về khởi kiện liên quan chỉnh sửa kịch bản, HĐXX cho rằng Tiếng trống Mê Linh là vở cải lương kinh điển tại Việt Nam, được công diễn lần đầu năm 1977, nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong lịch sử.
Vở diễn khơi dậy tinh thần yêu nước nhưng Vietart tập hợp nhiều diễn viên, nghệ sĩ hải ngoại, nghệ sĩ tự do, để tổ chức biểu diễn.
Do đó sở yêu cầu chỉnh sửa kịch bản là đúng và "rất sâu sát" trong xem xét để doanh nghiệp tổ chức buổi biểu diễn đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội. Vì bị bác đơn khởi kiện nên Vietart phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm và hơn 30 triệu đồng án phí dân sự.
Sau bản án tuyên chiều nay, đại diện Vietart nói "chỉ khi vào đường cùng mới đi kiện cơ quan Nhà nước". Vietart không đồng tình với phán quyết của tòa sơ thẩm và sẽ kháng cáo.
Trước đó, ngày 1/8, tại tòa, trình bày lý do khởi kiện, đại diện Công ty Vietart cho biết đơn vị này đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép tổ chức biểu diễn vở cải lương Tiếng trống Mê Linh lần đầu từ ngày 5/8/2022. Tuy nhiên, đến 3/10/2022 (trước lúc biểu diễn 9 ngày làm việc), Công ty Vietart mới nhận được thông báo chấp thuận.
Với thời hạn 9 ngày còn lại, Công ty Vietart cho biết không đủ thời gian để thực hiện các chiến dịch, hoạt động quảng cáo, không kịp gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn tới cơ quan có thẩm quyền, vì theo quy định tại Điều 29 Luật Quảng cáo năm 2012, hồ sơ phải được gửi trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.
Cùng với việc cho rằng các quyết định hành chính của Sở VHTT Hà Nội vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định 144/2020, Vietart khẳng định các quyết định này xâm phạm trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của công ty.
Doanh nghiệp dẫn chứng việc Sở VHTT Hà Nội yêu cầu tổng duyệt chương trình cải lương trên sân khấu chương trình nhạc trẻ là không phù hợp.
Ngoài ra, theo Công ty Vietart, Sở VH&TT Hà Nội đã thay đổi thời gian tổ chức duyệt chương trình lên trước 3 ngày, trong khi thông thường việc tổng duyệt được thực hiện cùng ngày hoặc trước 1 ngày so với thời điểm biểu diễn. Điều này đã gây khó khăn, đội chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Tại tòa, Công ty Vietart cũng thay đổi mức yêu cầu bồi thường thiệt hại từ hơn 1 tỷ đồng xuống còn hơn 672 triệu đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự 1.000 đồng và đề nghị Sở VHTT Hà Nội xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.