Điểm tin công nghệ 31/7: Apple lại ‘chơi chiêu’ từ iPhone sang iPad
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 31/07/2023
- Apple lại ‘chơi chiêu’ từ iPhone sang iPad
Apple đã chuyển một tính năng từ iPhone sang iPad dẫn đến việc mất chức năng của Apple Pencil khi được sửa chữa bằng các bộ phận của bên thứ ba.
Phương pháp “seri hóa” làm phức tạp quá trình thay thế các linh kiện trong các thiết bị Apple bị hỏng bởi bên thứ ba. Đó là bởi vì các linh kiện này được liên kết với bảng logic của thiết bị bằng cách sử dụng chip đặc biệt. Apple đã sử dụng công nghệ này với các linh kiện trong iPhone để xác minh rằng smartphone của họ đang sử dụng các bộ phận đã được xác minh.
Giờ đây, công ty đang làm điều tương tự với các mẫu iPad Pro. Việc lập số seri khiến việc sử dụng các linh kiện không chính hãng của Apple trong các sản phẩm từ công ty trở nên khó khăn, hạn chế khả năng sửa chữa thiết bị của khách hàng trong trường hợp họ không muốn các linh kiện chính hãng Apple.
Forbes cho biết, quy trình này hiện đã được áp dụng cho màn hình của iPad Pro 12,9 inch thế hệ thứ 5 và thứ 6, cũng như iPad Pro 11 inch thế hệ thứ 3 và thứ 4. Một chuyên gia sửa chữa đã phát hiện ra rằng khi anh ấy sửa chữa iPad của khách hàng, Apple Pencil không vẽ các đường thẳng sau khi màn hình của iPad được tráo đổi với màn hình từ một chiếc iPad khác. Điều này bắt nguồn từ một chip bộ nhớ nằm trên màn hình được lập trình để chỉ cho phép chức năng của iPad hoạt động nếu màn hình được kết nối với bảng logic gốc.
Chuyên gia sửa chữa này tin rằng việc lập số seri đặt ra một vấn đề quan trọng đối với người tiêu dùng. Ông gợi ý rằng Apple đang trừng phạt người dùng bằng cách chiêu trò độc quyền, ngụ ý rằng trong tương lai, việc sửa chữa sẽ phải do Apple độc quyền thực hiện. Đáng lo ngại là chi phí sửa chữa từ Apple và các dịch vụ bên thứ ba là rất đáng kể, ngay cả khi sử dụng các linh kiện chính hãng từ các mẫu bị hư hỏng khác.
Có khả năng mối quan tâm của Apple về màn hình của bên thứ ba xoay quanh Face ID, một tính năng bảo mật để đăng nhập vào iPhone và iPad cụ thể. Nếu thiết bị phát hiện một màn hình mới, đặc biệt là màn hình không được Apple cho phép, tính năng Face ID sẽ tự động bị tắt. Tương tự, Apple đã vô hiệu hóa Face ID khi sửa chữa màn hình của bên thứ ba. Nó đã xuất hiện một số về vấn đề này, nhưng không hoàn toàn.
- Tên gọi X khiến Twitter gặp nhiều rắc rối
Việc đổi tên từ Twitter sang X đã khiến mạng xã hội thuộc sở hữu tỷ phú Mỹ Elon Musk gặp phải đủ loại rắc rối trên khắp thế giới, không chỉ từ phương diện kĩ thuật mà cả pháp lý.
Mới nhất, trong ngày 30-7, hàng loạt người dùng toàn cầu phản ánh trình duyệt Microsoft Edge đã liên tục từ chối truy cập vào tên miền X.com do nhận diện đây là kí hiệu “dính” với lừa đảo, nội dung xấu…, thậm chí khuyến nghị người dùng vô hiệu hoá ứng dụng web liên quan. Điều này khiến lưu lượng truy cập của X giảm mạnh.
Tại Indonesia, X.com hoàn toàn bị chặn, bởi trước đây tên miền này được sử dụng cho hàng loạt nội dung đồi truỵ, cờ bạc. Hiện Twitter có khoảng 24 triệu người dùng tại đảo quốc Đông Nam Á này và tất cả họ đều không thể truy cập được mạng xã hội này.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở nhiều nước, bởi X lâu nay được xem là kí tự đại diện cho ngành "công nghiệp người lớn".
Trên đây chỉ là những ví dụ cho thấy việc Twitter bị đổi tên sang X đang gây ra nhiều rắc rối. Theo giới chuyên môn, việc nhiều công ty, trong đó có cả Microsoft và Meta, đều sở hữu các thương hiệu đã đăng ký có bao gồm kí tự X (ví dụ như máy chơi game Xbox), cũng sẽ khiến công ty của tỷ phú Elon Musk đối mặt nhiều rủi ro kiện cáo trong tương lai. Thực tế, Gene X Hwang, một người dùng Twitter đã sở hữu tên gọi X trên nền tảng này từ rất lâu và hiện cũng đang khởi kiện X Corp vì “chiếm dụng” tên gọi của mình.
- Thị phần iPhone tăng mạnh, Android giảm sút
Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, doanh số smartphone xuất xưởng tại Mỹ trong quý 2 năm 2023 đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là quý thứ ba liên tiếp doanh số bán smartphone tại Mỹ sụt giảm mạnh. Nhà phân tích Matthew Orf của Counterpoint cho biết: “Mặc dù con số lạm phát trong quý đã giảm nhưng người tiêu dùng vẫn do dự trong việc nâng cấp thiết bị trong bối cảnh thị trường không chắc chắn”.
Dựa vào biểu đồ có thể thấy các nhà sản xuất smartphone Android là những công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất: Samsung giảm 37%, Motorola giảm 17% và TCL-Alcatel giảm 69%. Trong khi đó các lô hàng iPhone của Apple chỉ giảm 6% nhờ các chương trình khuyến mãi của nhà mạng (hỗ trợ chi phí).
Đặc biệt, các lô hàng smartphone của Google đã tăng 48%, nhưng do hãng chỉ chiếm 2% doanh số bán smartphone ở Mỹ nên đây chỉ là một mức tăng tương đối khiêm tốn.
Mặc dù tổng số smartphone xuất xưởng thấp hơn, nhưng sự thay đổi đó đã khiến thị phần điện thoại Apple tại Mỹ tăng từ 45% lên 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Samsung giảm từ 28% xuống 23%, các nhà sản xuất smartphone khác cũng gặp tình trạng tương tự.
Mới đây, Samsung đã công bố kết quả tài chính quý 2 năm 2023, chứng kiến sự sụt giảm 95% lợi nhuận so với năm trước. Cụ thể, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc chỉ kiếm được 523,5 triệu USD, giảm đáng kể so với 11,06 tỷ USD vào năm ngoái. Samsung cho rằng khoản lỗ lợi nhuận này là do doanh số bán smartphone giảm do “lãi suất cao và lạm phát”.
Ngành công nghiệp smartphone đã gặp khó khăn trong vài năm gần đây do ảnh hưởng của đại dịch và tình hình kinh tế ảm đạm. Mặc dù chuỗi cung ứng đã phục hồi nhưng nhu cầu của người tiêu dùng vẫn chưa phục hồi như mức trước đại dịch. Tập đoàn IDC dự đoán ngành smartphone toàn cầu sẽ phục hồi 6% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2024.
- Apple và Amazon đang "bắt tay" để đẩy giá iPhone, iPad?
Mới đây, Apple và Amazon đã bị cáo buộc “thông đồng” để giữ giá iPhone cao ngất.
Cụ thể, Amazon và Apple đã bị vướng vào một vụ kiện tập thể. Phía nguyên đơn cáo buộc hai “gã khổng lồ” công nghệ đã thông đồng bất hợp pháp để tăng giá sản phẩm của nhà sản xuất iPhone.
Đơn khiếu nại được đệ trình lên Tòa án chống cạnh tranh ở London, Anh, yêu cầu bồi thường ít nhất 500 triệu bảng Anh cho “hàng triệu người tiêu dùng Vương quốc Anh đã mua các sản phẩm của Apple và Beats kể từ tháng 10/2018”.
Theo đó, những khách hàng ở Vương quốc Anh đã mua các sản phẩm mới của Apple hoặc Beats kể từ tháng 10/2018 đều là thành viên đủ điều kiện của nhóm nguyên đơn, trừ khi họ chọn không tham gia.
Theo các luật sư tham gia vụ kiện, Amazon đã hạn chế doanh số bán các sản phẩm phổ biến của Apple đến từ các doanh nghiệp độc lập trên thị trường trực tuyến của mình.
Đổi lại, Apple đã cung cấp giá bán buôn ưu đãi cho công ty của Jeff Bezos đối với tất cả các sản phẩm của Apple và Beats. Đây những sản phẩm mà hãng có thể bán trực tiếp cho khách hàng thông qua hệ thống kinh doanh bán lẻ của chính mình.
Thỏa thuận đã được ký kết vào tháng 10/2018, áp dụng cho các sản phẩm sau: iPhone, iPad, tai nghe Beats và MacBook.
- AI dẫn chương trình làm rung chuyển ngành truyền thông Ấn Độ, gây nỗi lo mất việc
Khán giả đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều khi đài truyền hình Odisha TV (Ấn Độ) giới thiệu AI dẫn chương trình mang tên Lisa vào đầu tháng này, từ "phá cách" đến "máy móc" và "vô cảm". Bất kể ý kiến của khán giả như thế nào, dường như như hầu hết mọi người đều có điều gì đó để nói về Lisa - AI dẫn chương trình tin tức đầu tiên của Odisha TV.
Jagi Mangat Panda, người đứng đầu Odisha TV, đã ca ngợi màn ra mắt của Lisa là "cột mốc quan trọng trong việc phát sóng truyền hình và báo chí kỹ thuật số".
Mặc bộ sari (trang phục truyền thống của Ấn Độ) màu hạt dẻ và vàng, công việc của Lisa sống động như người thật khi cung cấp các bản tin trên nền tảng kỹ thuật số, đọc lá số tử vi, cập nhật thông tin về thời tiết và thể thao.
Jagi Mangat Panda giải thích rằng mục tiêu của việc sử dụng AI dẫn chương trình là để nó xử lý công việc lặp đi lặp lại và giải phóng nhân viên để "tập trung làm việc sáng tạo hơn, mang lại tin tức chất lượng tốt hơn".
Thế nhưng, sự xuất hiện của Lisa và sự gia tăng các newsbot gần đây đã khuấy động cuộc tranh luận về tương lai truyền thông ở Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới. Hiện tượng này cũng xuất hiện ở các thị trường châu Á khác, từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, nơi người dẫn chương trình AI đang bắt đầu thay đổi diện mạo của việc phát sóng tin tức.
AI mang đến công cụ đặc biệt mạnh mẽ để tiếp cận khán giả ở Ấn Độ, nơi sử dụng rất nhiều ngôn ngữ. Ngay cả trước khi Lisa xuất hiện trên màn hình, India Today Group (có trụ sở tại thành phố Delhi) đã ra mắt người dẫn chương trình AI đầu tiên ở Ấn Độ có tên Sana. Ngoài việc trình bày tin tức bằng tiếng Anh, tiếng Hindi và tiếng Bangla, Sana đã đưa tin về thời tiết và đồng dẫn chương trình với các nhà báo khác bằng 75 ngôn ngữ.
Kalli Purie - Phó chủ tịch India Today Group mô tả Sana là "tươi sáng, lộng lẫy, không tuổi, không biết mệt mỏi".
Ở bang Karnataka (miền nam Ấn Độ), đài truyền hình Power TV đang sử dụng Soundarya - tự giới thiệu là "robot dẫn chương trình".
Những AI dẫn chương trình này được trang bị các thuật toán học máy, giúp phân tích dữ liệu từ các bài viết tin tức đến video. Theo trang web chính phủ INDIAai, AI dẫn chương trình "thu thập, theo dõi và phân loại những gì được nói và ai đã nói, sau đó chuyển đổi dữ liệu thành thông tin có thể sử dụng được".
Những nhà quản lý sản xuất cho biết chúng mang lại lợi ích cho ngành vì tiết kiệm chi phí, cho phép các kênh truyền tải tin tức bằng nhiều ngôn ngữ Ấn Độ và xử lý lượng lớn dữ liệu với tốc độ đáng kinh ngạc.