Điểm tin công nghệ 22/7: iPhone 15 Pro và Pro Max có thể khan hiếm khi ra mắt vì vấn đề màn hình

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 22/07/2023

Sôi động 'chợ đen' bán chip Mỹ tại Trung Quốc; Hơn 60% dân số thế giới hoạt động trên mạng xã hội
16882604268271402338418.jpg

- iPhone 15 Pro và Pro Max có thể khan hiếm khi ra mắt vì vấn đề màn hình

Theo nguồn tin của trang GSMArena, iPhone 15 Pro và đặc biệt là iPhone 15 Pro Max sẽ bị thiếu hụt nguồn cung sau khi ra mắt vào tháng 9. Điều này dường như liên quan đến vấn đề sản xuất màn hình tại LG Display.

Sự cố này xuất phát từ việc sử dụng quy trình sản xuất mới để làm giảm kích thước viền màn hình. Đây có vẻ là vấn đề tương tự như những khó khăn mà Apple gặp phải với một số mẫu Watch trong quá khứ.

Màn hình iPhone 15 Pro (đặc biệt là Pro Max) do LG Display sản xuất được cho là không đạt các bài kiểm tra độ tin cậy trong quá trình ghép vào khung. Apple đang điều chỉnh thiết kế của màn hình do LG sản xuất để chúng vượt qua các bài kiểm tra nói trên. Apple vẫn có màn hình do Samsung sản xuất mà hãng có thể sử dụng để lắp ráp.

Những vấn đề này được cho sẽ dẫn đến việc khan hiếm iPhone 15 Pro và Pro Max sau khi ra mắt. Trong đó, iPhone 15 Pro Max sẽ khó mua nhất, tiếp theo là bản Pro.

Một nguồn tin khác tuyên bố Apple có thể trì hoãn việc ra mắt dòng iPhone 15 trong vài tuần. Như vậy, có thể vấn đề xảy ra với màn hình đang ảnh hưởng đến kế hoạch giới thiệu dòng iPhone mới của Apple.

Ngoài Samsung và LG Display, Apple còn đặt hàng BOE (Trung Quốc) cung cấp màn hình cho iPhone 15 và iPhone 15 Plus trong nửa cuối năm 2023, theo nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo của hãng TF International Securities.

BOE có khả năng vượt qua Samsung để trở thành nhà cung cấp màn hình lớn nhất cho iPhone vào năm 2024.

Viết trên blog của mình, Ming-Chi Kuo cho biết BOE đã vượt qua Samsung về số lượng đơn đặt hàng màn hình cho iPhone 15 và iPhone 15 Plus.

Theo Ming-Chi Kuo, đến năm 2024, BOE sẽ bắt đầu giao hàng loạt màn hình LTPO cao cấp cho dòng iPhone 16, giúp công ty Trung Quốc trở thành nhà cung cấp màn hình lớn nhất cho iPhone.

- Hơn 60% dân số thế giới hoạt động trên mạng xã hội

Gần 5 tỷ người, tương đương hơn 60% dân số thế giới, hoạt động trên mạng xã hội. Thông tin trên được công ty tư vấn kỹ thuật số Kepios đưa ra trong báo cáo hằng quý công bố ngày 20/7.

Theo Kepios, số người dùng mạng xã hội đã tăng tới 3,7% trong 1 năm qua. Tuy nhiên, có sự chênh lệch về tỷ lệ sử dụng giữa các khu vực. Ở Đông và Trung Phi, tỷ lệ hoạt động trên mạng xã hội chiếm 9%, trong khi ở Ấn Độ - hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, tỷ lệ sử dụng là 33%.

Báo cáo của Kepios còn cho thấy lượng dành cho mạng xã hội trong năm qua đã tăng 2 phút mỗi ngày, lên 2 giờ 26 phút. Có sự khác biệt lớn giữa các nước về thời gian sử dụng mạng xã hội. Cụ thể, mỗi ngày người dân Brazil dành trung bình 3 giờ 49 phút hoạt động trên mạng xã hội, trong khi con số này ở Nhật Bản chưa đầy 1 giờ.

Cũng theo báo cáo của Kepios, người dùng mạng xã hội chủ yếu tập trung trên 7 nền tảng. Meta có 3 ứng dụng được yêu thích gồm WhatsApp, Instagram và Facebook, trong khi Trung Quốc có 3 ứng dụng gồm WeChat, TikTok và Douyin phiên bản địa phương. Twitter, Messenger và Telegram là những nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu thế giới.

- Thị trường nhạc trực tuyến Việt Nam: Zing MP3 vững vàng vị trí dẫn đầu

Theo báo cáo mới nhất từ Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI), năm 2022, thị trường âm nhạc toàn cầu đạt mức doanh thu 26,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,0% so với năm trước đó. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, doanh thu từ âm nhạc trên thế giới tiếp tục tăng trưởng.

Trong đó, tổng lượng phát trực tuyến (bao gồm đăng ký trả phí và có hỗ trợ quảng cáo) vẫn đang tăng trưởng nhanh với mức tăng 11,5%, đạt 17,5 tỷ đô la mỹ. IFPI cho biết doanh thu phát nhạc trực tuyến có trả phí đã tăng 10,3% lên 12,7 tỷ USD, đồng thời cho biết thêm đã có 589 triệu người dùng tài khoản đăng ký trả phí vào cuối năm 2022. Nhìn chung, phát trực tuyến chiếm 67% tổng doanh thu âm nhạc.

Tại Việt Nam, bất chấp sự có mặt của các đối thủ quốc tế, các ứng dụng nội địa hiện tại vẫn đang làm chủ cuộc chơi. Với 28 triệu người dùng thường xuyên, Zing MP3 hiện tại vẫn đang dẫn đầu thị trường. Nền tảng nhạc số này sở hữu kho nhạc khổng lồ với hơn 90% bản quyền nhạc Việt. Đây cũng là ứng dụng nghe nhạc trực tuyến duy nhất lọt top 10 ứng dụng di động có lượng người dùng hoạt động nhiều nhất tại Việt Nam, theo thống kê của We are Social.

Theo Data.ai, tính đến hết Quý II/2023, Zing MP3 vẫn đang là ứng dụng nghe nhạc miễn phí có số lượng người dùng thường xuyên hàng đầu, được tìm kiếm và tải về nhiều nhất trên nền tảng iOS cùng Android tại thị trường Việt Nam. Cùng với Zalo, Báo Mới,… Zing MP3 là một trong những ứng dụng có trên 10 triệu người dùng theo công bố mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

- Thị trường điện thoại thông minh tiếp tục giảm trong quý 2/2023, chờ cú hích cuối năm từ các sản phẩm mới

Theo thống kê mới nhất từ trang phân tích Counterpoint Research, lượng bán ra của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là quý thứ 8 giảm liên tiếp.

Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã vượt qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ do chu kỳ thay thế điện thoại của người tiêu dùng ngày càng dài hơn. Cùng với đó, nhu cầu sửa, thay thế linh kiện điện thoại cao hơn so với nhu cầu đổi mới 1 chiếc điện thoại ở phân khúc giá thấp tới trung bình đang ngày càng lớn.

Tất cả những hãng điện thoại lớn nhất đều có tăng trưởng âm trong quý 2/2023. Hãng điện tử Hàn Quốc Samsung vẫn dẫn đầu thị trường với 22% thị phần và sự bùng nổ của dòng điện thoại Galaxy A trên toàn cầu, đây là mẫu điện thoại phổ thông với giá thành rẻ, nhiều lựa chọn dành cho số đông. Trong khi đó, Apple ở vị trí thứ 2, đánh dấu quý 2 với thị phần cao nhất từ trước tới nay, lên tới 17%.

Xiaomi tiếp tục giảm thị phần xuống 12% do các thị trường chủ lực như Trung Quốc và Ấn Độ chững lại. Hãng này đang tìm cách mở rộng sang các thị trường mới để tìm kiếm cơ hội nhiều hơn.

OPPO và Vivo lần lượt nằm ở các vị trí tiếp theo, cả 2 hãng này đều có doanh số giảm mạnh do vấp phải cạnh tranh quyết liệt ở các thị trường chủ lực như Ấn Độ và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, phân khúc điện thoại cao cấp vẫn tiếp tục phát triển do nhu cầu trải nghiệm công nghệ mới của tập khách hàng này khá lớn và các chính sách hỗ trợ tài chính ở một số khu vực được ưu ái. Đây cũng là phân khúc duy nhất tăng trưởng trong quý 2 và cao nhất từ trước tới nay.

Apple đang thúc đẩy làn sóng “cao cấp hóa” này, đạt được thị phần kỷ lục tại nhiều thị trường mới thường không được coi là thị trường cốt lõi của hãng. Một ví dụ điển hình là Ấn Độ, nơi hãng này đã tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 2/2023. Hiệu suất liên tục của phân khúc cao cấp đảm bảo rằng doanh thu không bị ảnh hưởng nhiều bằng doanh số bán hàng, đó là lý do tại sao các thương hiệu đang đầu tư vào việc mở rộng thị trường và đổi mới công nghệ mới hơn.

Doanh số bán hàng ở tất cả các khu vực trên toàn thế giới đều giảm, nhưng mức giảm lớn nhất được ghi nhận ở các thị trường tương đối phát triển hơn như Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, tất cả đều ghi nhận mức giảm hàng năm ở mức hai con số. Các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và Châu Phi giảm ít hơn.

Theo Counterpoint Research, dù thị trường điện thoại thông minh toàn cầu có doanh số giảm nhưng lượng hàng tồn kho trong chuỗi cung ứng đang giảm mạnh, lượng tồn kho điện thoại thông minh toàn cầu đã đạt mức ổn định 4 - 5 tháng qua, cho phép các nhà sản xuất có thể tự tin đẩy mạnh các mẫu điện thoại mới trong nửa cuối năm, giúp thu hút người dùng và đẩy mạnh chu kỳ thay thế vào dịp lễ cuối năm.

- Google thử nghiệm công cụ AI có thể sản xuất tin tức

Google đang phát triển một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ các đơn vị sản xuất tin tức tạo văn bản và tiêu đề bài báo.

Kênh CNN (Mỹ) ngày 20/7 đưa tin gã khổng lồ công nghệ Google cho biết họ đang tìm cách hợp tác với các hãng tin tức về việc sử dụng công cụ AI trong các tòa soạn. Người phát ngôn của Google nêu rõ: “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho các nhà báo lựa chọn sử dụng công nghệ mới nổi này theo cách giúp nâng cao công việc và năng suất của họ”.

Tờ New York Times đưa tin dự án có tên “Genesis” và đã được giới thiệu cho tờ báo này cùng tờ Washington Post và News Corp – tập đoàn sở hữu tạp chí Wall Street Journal.

Tuyên bố của Google không tiết lộ tên các hãng truyền thông tham gia thử nghiệm Genesis nhưng cho biết công ty đang đặc biệt tập trung vào “các nhà xuất bản nhỏ hơn”. Google nói thêm rằng dự án không nhằm mục đích thay thế các nhà báo cũng như “vai trò thiết yếu của họ trong việc đưa tin, tạo và kiểm tra tính xác thực các bài báo”.

Genesis sử dụng công nghệ AI để tiếp thu thông tin như chi tiết về các sự kiện đang diễn ra và sau đó tạo ra tin tức. Google cho biết họ đang trong giai đoạn đầu khám phá công cụ AI và nó có thể hỗ trợ các nhà báo với nhiều lựa chọn về tiêu đề hoặc văn phong khác nhau.

Công cụ mới này xuất hiện khi các công ty công nghệ, bao gồm cả Google, đang chạy đua để phát triển và triển khai một loạt các tính năng AI tạo sinh mới với lời hứa đơn giản hóa các tác vụ và giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn. Nhưng những công cụ này cũng gây lo ngại vì chúng có khả năng đưa ra các phản hồi sai sự thật.

- Sôi động 'chợ đen' bán chip Mỹ tại Trung Quốc

Straits Times ghi nhận 'chợ đen' bán chip đồ họa Mỹ cao cấp tại Trung Quốc vô cùng sôi động, trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa hai nước ngày càng leo thang.

Một lượng ít chip A100 và H100 do Nvidia sản xuất - mặc dù đã bị Mỹ cấm xuất khẩu vào năm ngoái - vẫn được bán rộng rãi trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.

Các sản phẩm chip như vậy được sử dụng trong nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), có giá hơn 10.000 USD và ngày càng được săn đón tại Trung Quốc kể từ sau khi chatbot ChatGPT bất ngờ nổi tiếng toàn cầu. Quốc gia này muốn tạo ra phiên bản chatbot của riêng mình.

Hoạt động mua bán ngầm dường như càng phát triển mạnh khi Mỹ được cho là đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu chip cao cấp hơn nữa. Cuộc chiến công nghệ không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mỹ cùng đồng minh và đối tác như Hà Lan, Nhật Bản thống trị loạt mắc xích quan trọng của chuỗi cung ứng chip. Thời gian gần đây, họ thắt chặt việc chuyển giao công nghệ quan trọng cho Trung Quốc.

Nhưng Straits Times phát hiện không ít chip đồ họa cao cấp được rao bán trên nhiều nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc (từ Xiaohongshu đến Pinduoduo, JD.com) mặc dù có giá cao hơn cùng chính sách bảo hành đáng ngờ.

Một người bán có địa chỉ IP ở Thượng Hải báo giá Nvidia A100 là 125.000 nhân dân tệ (hơn 20.000USD). Mẫu A800 - phiên bản A100 bị hạ hiệu suất để bán cho Trung Quốc mà không vi phạm hạn chế của Mỹ - hiện có giá 108.000 nhân dân tệ.

Một người bán khác ở Quảng Đông cho biết: “Không có đại lý được ủy quyền nào bán mẫu A100. Chỉ có người bán đứng ra bảo hành mà thôi”.

Chip đồ họa Nvidia là sản phẩm đứng đầu ngành, được sử dụng trong máy tính xách tay, trung tâm dữ liệu, ô tô. Nhờ AI bùng nổ trên toàn cầu mà giá trị thị trường của công ty vượt mốc 1.000 tỉ USD vào tháng 5 vừa qua.

Người bán ở khu chợ điện tử Hoa Cường Bắc (Thẩm Quyến) chào mời chip sản xuất trong nước khi được hỏi về Nvidia A100. Họ nói với Straits Times rằng sử dụng A100 có rủi ro không được bảo hành nếu sản phẩm gặp vấn đề, mua chip nội địa an toàn hơn, nhưng đồng thời họ cũng thừa nhận sức mạnh xử lý của chip nội địa không bằng A100 dù nhiều khách hàng cảm thấy chúng đủ tốt.

Việt Báo (Tổng hợp)