Điểm tin kinh doanh 18/7: Đồng USD mạnh lên làm giảm sức hấp dẫn của giá vàng châu Á
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 18/07/2023
- Đồng USD mạnh lên làm giảm sức hấp dẫn của giá vàng châu Á
Giá vàng châu Á giảm trong chiều 17/7 do đồng USD tăng từ mức thấp của hơn 1 năm, mặc dù giới đầu tư phần lớn đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm dừng kế hoạch tăng lãi suất.
Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.952,35 USD/ounce vào lúc 14 giờ 58 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 1.956,20 USD/ounce.
Đồng USD đã phục hồi từ mức thấp nhất tính từ tháng 4/2022, trong bối cảnh giới giao dịch chờ đợi các số liệu kinh tế và quyết định chính sách quan trọng.
Ông Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính City Index. cho biết đợt tăng giá vàng dựa trên chỉ số giá tiêu dùng Mỹ đã tạm dừng. Điều đó có khả năng dẫn đến sự thoái lui mặt kỹ thuật của giá vàng về lại khu vực 1.940– 1.950 USD/ounce.
Số liệu của Mỹ vào tuần trước cho thấy đã xuất hiện xu hướng lạm phát “hạ nhiệt”, khi giá tiêu dùng tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn hai năm.
Ông Simpson nói thêm rằng nếu các chu kỳ tăng lãi suất sắp gần đạt đỉnh, đó sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho vàng bên cạnh hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương.
Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tuần tới. Các thị trường dự kiến Fed có thể sẽ tạm dừng trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024, trong khi ECB sẽ có một đợt tăng lãi suất nữa.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,7% xuống 24,76 USD/ounce còn giá bạch kim giảm 0,6% xuống 965,39 USD/ounce.
Tại Việt Nam, khép phiên 17/7, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,60 - 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
- Ngân hàng SCB liên tiếp đóng cửa phòng giao dịch
Dù chấm dứt hoạt động thêm nhiều phòng giao dịch, Ngân hàng TMCP Sài Gòn khẳng định sẽ vẫn đảm bảo mọi quyền lợi của khách hàng tại các cơ sở này.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo về việc chấm dứt hoạt động của 3 phòng giao dịch trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, kể từ ngày 21/7, SCB tiếp tục đóng cửa thêm 2 phòng giao dịch, gồm: Phòng giao dịch An Đông Plaza thuộc chi nhánh Sài Gòn đóng tại Trung tâm Thương mại An Đông Plaza (số 18 An Dương Vương, phường 9, quận 5) và Phòng giao dịch Trần Quang Khải thuộc chi nhánh Tân Định (số 170 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1).
Ngoài ra, kể từ ngày 14/7, SCB chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Minh Khai thuộc chi nhánh Cống Quỳnh (số 316 - 318 Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3).
Trong thông cáo phát đi, SCB cho biết, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng tại 3 phòng giao dịch trên đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch hiện hữu của SCB.
Trước đó, vào đầu tháng 7, SCB cũng đã phát đi thông cáo về việc chấm dứt hoạt động và giải thể 3 phòng giao dịch tại TPHCM.
- VN-Index xác lập mức cao nhất 10 tháng
Cả ba chỉ số chứng khoán Việt Nam đều giao dịch trên mức tham chiếu ở toàn bộ phiên giao dịch. Đến nay, đây đã là phiên thứ 7 liên tiếp VN-Index đóng cửa trong sắc xanh. Chỉ số sàn HoSE chỉ còn cách mốc 1.200 điểm chưa đến 30 điểm và thực tế đây cũng là mức đóng cửa cao nhất kể từ phiên giao dịch 20/9/2022.
Kết thúc phiên 17/7, VN-Index tăng 4,73 điểm (+0,4%) lên 1.173,13 điểm. HNX-Index tăng 0,33% lên 230,95 điểm. Chỉ số sàn UPCoM bật tăng mạnh ngay thời điểm mở cửa phiên, điều chỉnh lại sau đó và chỉ còn tăng 0,6% lên 86,8 điểm. Dù vậy, UPCoM-Index vẫn là chỉ số tăng mạnh nhất trong ba sàn.
Chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong số không nhiều thị trường đóng cửa trong sắc xanh ở phiên hôm nay. Khá nhiều thị trường lớn ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thượng Hải hay sàn chứng khoán Thâm Quyến đều giảm điểm, chỉ số sàn Philippines giảm sâu nhất (-1,12%).
Không chỉ chiếm trọn khung giờ giao dịch, sắc xanh cũng áp đảo với 463 mã cổ phiếu tăng, 27 mã tăng trần; trong khi chỉ có 302 mã giảm và 17 mã giảm sàn.
Tuy nhiên, trong nhóm 10 cổ phiếu có quy mô vốn hóa lớn nhất, chỉ 3 cổ phiếu tăng. Dù vậy, chỉ riêng hai cổ phiếu VHM và VIC tăng lần lượt 4,61% và 2,29% đã đóng góp gần 4,5 điểm tăng trong tổng mức tăng 4,73 điểm của toàn thị trường. Cặp đôi cổ phiếu nhà Vingroup cũng đồng thời là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index.
Cũng nhờ phiên hôm nay, vốn hóa của Vinhomes đã lấy lại vị trí thứ hai mà BIDV vừa giành được không lâu. Cổ phiếu của ngân hàng này giao dịch tiêu cực, giảm 1,18% khi đóng cửa và cũng là yếu tố ghìm chân VN-Index khi góp nhiều điểm giảm nhất.
Không riêng cổ phiếu các ông lớn, dòng bất động sản và ngân hàng mang hai thái cực đối lập. Nhóm cổ phiếu bất động sản xuất hiện gần chục cổ phiếu tăng kịch biên độ như DXS, HAR,LDG, LGL… Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng phân hóa nhưng nhóm giảm giá áp đảo hơn và cũng có quy mô vốn hóa lớn hơn. Điều này đã khiến sắc đỏ áp đảo ở dòng cổ phiếu vua này.
Một số nhóm ngành cũng ghi nhận giao dịch khá tích cực như thủy sản, bảo hiểm, chứng khoán…
- Vé máy bay hè tiếp tục rớt giá mạnh
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, số lượng hành khách nội địa toàn thị trường tháng 6-2023 đạt hơn 4,14 triệu khách, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy vậy, số lượng tải cung ứng của các hãng hàng không còn tăng nhanh hơn, tăng tới 18,3% so với năm trước, đạt gần 5 triệu ghế.
Điều này dẫn tới số chỗ được cung ứng trong mùa cao điểm hè dồi dào, đồng thời giá vé các đường bay nội địa của các hãng đều có xu hướng giảm xuống.
Phía Vietnam Airlines cho biết, giá vé nội địa bình quân của hãng trong tháng 6-2023 đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Xét chung cả ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO, giá vé nội địa bình quân tháng 6 cũng đã giảm 6,6% so với cùng kỳ.
Các hãng như Vietjet Air, Bamboo Airways cũng cạnh tranh mạnh với Vietnam Airlines về giá và giờ bay, tăng tải. Đơn cử, giá vé khứ hồi Hà Nội – Phú Quốc khởi hành ngày 27-7 và quay về ngày 30-7, đặt tại thời điểm trước ngày khởi hành 10 ngày, cùng khung giờ đẹp buổi sáng (9-11 giờ), của Vietjet Air xấp xỉ 3 triệu đồng/người (bao gồm thuế phí), bằng một nửa giá vé của Vietnam Airlines; còn của Bamboo Airways vào khoảng 4,51 triệu đồng/người.
Giá vé giảm so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19) nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu kết hợp với nguồn cung tăng cao so với nhu cầu nên các chuyến bay đến những điểm du lịch nổi tiếng như Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… mới chỉ được lấp đầy 60-70% trong tháng 7. Dự báo, con số này còn tiếp tục giảm trong các tháng thấp điểm tiếp theo.
- Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án
Đến nay, cả nước thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỷ USD. Trong đó, đầu tư lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án, tương ứng tổng vốn đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam...
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, cả nước thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ USD. Trong đó, đầu tư bất động sản có 1.100 dự án, tương ứng tổng vốn đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư nước ngoài; là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau công nghiệp chế biến chế tạo.
Qua thống kê có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, dẫn đầu gồm các nước: Singapore, Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản. Trong 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản, hiện TP.HCM đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Mặt khác, các doanh nghiệp FDI tham gia lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam hầu hết đều quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư thậm chí lên đến hàng tỷ USD như dự án Hồ Tràm tại Bà Rịa-Vũng Tàu; thành phố thông minh tại Hà Nội; Khu đô thị Nam Thăng Long tại Hà Nội, Khu đô thị Nam Hội An tại Quảng Nam...