Thực hư vụ 'be thuyền' di chuyển trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:30, 07/07/2023
Vừa qua, mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về chiếc thuyền gắn thương hiệu của một hãng xe ôm công nghệ di chuyển trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM). Chiếc thuyền có gắn biển "be thuyền" và chở theo du khách, cùng một số người mặc áo của hãng xe ôm công nghệ Be.
Đáng chú ý, tất cả người có mặt trên chiếc thuyền đều không mặc áo phao. Hình ảnh này tạo ra những dư luận khác nhau trên không gian mạng. Có ý kiến cho rằng, loại hình này là sáng tạo và thiết thực trong mùa mưa bão, cũng có người lo ngại về tính an toàn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, cho biết, Công ty Cổ phần Be Group (Công ty Be), đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be, đã có phản hồi về nội dung này.
Theo đó, những hình ảnh "be thuyền" trên kênh được dùng để quảng cáo cho hãng. Việc chụp hình diễn ra ngày 30/6, trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Phía công ty cũng khẳng định, việc dùng thuyền di chuyển trên sông không phải chiến dịch ra mắt sản phẩm mới hay chiến dịch diễu hành quảng bá.
Bối cảnh chụp hình quảng cáo được ấn định tại 1 số địa điểm cố định trên tuyến kênh, có sự giám sát bởi đội ngũ cung cấp dịch vụ chụp hình. Lái thuyền trong các hình ảnh trên là nhân viên của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn.
Đồng thời, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cũng chứng minh có đầy đủ giấy phép hoạt động trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Công ty Be khẳng định, đơn vị này tuân thủ các quy định pháp luật và quy tắc đảm bảo an toàn, an ninh theo hướng dẫn. Trên thuyền cũng trang bị đủ phao cầm tay cho tối đa 7 người trên thuyền và người lái.
Vào đầu tháng 2, cơ quan chức năng cũng ra quyết định xử phạt đối với trường hợp một nam thanh niên mặc áo của hãng xe công nghệ này cưỡi ngựa di chuyển trên đường.
Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt đối với người này về các hành vi dẫn dắt súc vật đi vào phần đường của xe cơ giới; dẫn dắt súc vật không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật. Cả hai hành vi này đều có mức phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng tạm giữ con ngựa lại và yêu cầu anh này phải có phương tiện để đưa con ngựa về, không được tiếp tục cưỡi ngựa di chuyển vào phần đường của xe cơ giới.