Mình uống chứ không để rượu, bia 'uống' mình

Nhịp sống - Ngày đăng : 00:25, 01/07/2023

Tôi không dám nhận mình là người “sành uống” đâu nhưng ở tuổi ngoài 60 này thì cũng đã chiêm nghiệm được không ít điều về cái sự uống.

Từ xưa tới nay, trong dịp lễ, tết hay cuộc sống thường ngày, rượu và sau này là bia vốn luôn là thức uống gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam.

Cùng với các món ăn cổ truyền, đồ uống là những yếu tố góp phần tạo nên văn hóa ẩm thực của người Việt. Nó bắt nguồn từ mỹ tục dâng rượu lên bàn thờ tổ tiên, tạo thêm yếu tố tâm linh. Những chai rượu ngon, rượu quý được trân trọng kính dâng lên bàn thờ gia tiên trong các ngày Tết và các dịp hiếu hỷ.

Rồi những khi có khách quý, ta rót rượu mời khách trong bữa tiệc gia đình, nó đã trở thành nét văn hóa được duy trì cho đến bây giờ.

Phong tục sử dụng rượu, bia trong các bữa ăn ngày Tết là nét văn hóa, tuy nhiên, chỉ nên uống 1, 2 ly trong gia đình để chúc mừng năm mới thì hay chứ lạm dụng thì lại hóa ra chuyện dở.

Rất không nên đến chúc Tết nhà nào cũng uống rượu, bia, đặc biệt là cần chấp hành tốt quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” để các gia đình có một cái Tết an toàn, hạnh phúc.

Mỗi người cần tự ý thức trong việc uống, không ép buộc người khác uống rượu, bia nhằm tạo ra văn hóa mới trong thời đại hiện nay.

Hãy tự biết cách sử dụng rượu, bia thích hợp, an toàn với mỗi cá nhân để ngày Xuân là những ngày đong đầy niềm vui, niềm yêu thương.

Bản chất của sản phẩm đồ uống là phục vụ nhu cầu cũng như sức khỏe của người tiêu dùng, còn việc sử dụng nó như thế nào cho phù hợp với thể trạng của mình là do cách sử dụng của người tiêu dùng, chứ không phải lỗi do sản phẩm bia, rượu.

Bản thân tôi đã trải nghiệm quá trình sử dụng bia, rượu từ thời thanh niên, đến nay tôi tự điều chỉnh mình là chỉ uống trong những dịp quan trọng và cũng biết “độ” của mình ở đâu để không vượt quá.

Trong bữa tiệc chỉ thật sự vui khi mỗi người đều biết đến điểm dừng và lựa theo khả năng của mình, và sẽ vui hơn, hiểu nhau hơn là khi ngồi cùng với những người bạn, đồng nghiệp có cùng sở thích.

Uống rượu bia để “đưa” chuyện, chứ không nên trở thành mục đích chính của bữa tiệc. Uống để cảm nhận và thưởng thức, để hàn huyên chuyện văn, chuyện đời và giao lưu, chia sẻ những ca khúc, bài thơ hay, chứ không phải uống lấy được, uống để chê bai, công kích những người vắng mặt và công kích nhau.

Cách uống cũng là một nghệ thuật, là văn hóa giao tiếp, uống để có thêm cảm hứng sáng tác, giúp cuộc sống thêm vui vẻ, yêu đời, chứ không phải uống để mang nỗi bực tức, nỗi buồn cho mình chỉ vì chấp nhau những câu nói...

Tôi tâm niệm, bia rượu là hương vị của cuộc sống, là thứ tạo nguồn cảm hứng, khơi dậy tiềm năng thơ ca trong mình chứ không phải là thứ xấu xa như người ta vẫn thường chê bai rượu chè... Qua cách uống bia, rượu là biết tính cách, nhân cách và bộc lộ văn hóa uống của mỗi người...

Mặt trái của rượu là khi ta quá đam mê nó mà không biết tự điều chỉnh bản thân thì rất dễ trở thành nô lệ của cảm xúc và dẫn tới những hệ lụy xấu. Có những người cuối đời trở nên nghiện rượu, bê tha do quá phụ thuộc vào nó, không biết kiềm chế bản thân.

Khi đã đủ trải nghiệm, kinh nghiệm sống, bản thân tôi mỗi khi muốn sáng tạo hay nói những điều mình suy nghĩ thì không nhất thiết phải sử dụng rượu mà đủ bình tĩnh tỉnh táo để làm những việc mình mong muốn. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn sử dụng bia, rượu ở góc độ thưởng thức.

Ở bất cứ giai đoạn nào của xã hội cũng có những kiểu người khác nhau. Có bậc trượng phu kỹ càng trong cách ăn nói, nhưng cũng có những người phàm phu tục tử không tự biết kiềm chế.

Việc uống rượu cũng như vậy!

Xưa cũng có người uống rượu chậm rãi từng chén, có nghi lễ, nhưng cũng có người uống rượu thùng bất chi thình, kiểu như Chí Phèo.

Và ngày nay cũng có những người như thế, bởi bản chất con người là không thay đổi. Cũng có những người tinh tế trong sử dụng rượu, nhưng cũng có đầy rẫy những “anh Chí” đời mới. Điều đó không có gì làm lạ.

Rượu không nhất thiết ngày nào cũng phải uống nhưng có thể sử dụng rượu trong những dịp quan trọng và uống những loại rượu chất lượng.

Trong cuộc sống có nhiều điều cần phải thực hiện, trong những lúc đó không nên sử dụng rượu bia, không nên biến rượu bia thành thứ đồ uống giải khát hàng ngày, theo kiểu “uống như nước lã”.

Chỉ nên sử dụng rượu, bia ở mức cần thiết nhằm giải tỏa căng thẳng, stress, không được lạm dụng vì sẽ không tốt cho sức khỏe.

Hiện nay, ở đâu đó vẫn có tình trạng uống theo phong trào, không uống theo thẩm mỹ. Điều đó không tốt cho sức khỏe. Cần làm chủ được bản thân, không uống rượu bia khi có việc phải giải quyết, chỉ nên uống rượu, bia sau ngày làm việc với mức độ vừa phải, điều quan trọng là không được quên nhiệm vụ của mình.

Việt Nam là đất nước nhiệt đới nên việc tiêu thụ bia là rất tốt. Uống bia trở thành thú vui, giúp giải tỏa tâm lý, trở thành một nét văn hóa. Cần thiết phải xây dựng câu lạc bộ uống bia có văn hóa, có trách nhiệm.

Trách nhiệm này đến từ nhà sản xuất, nhà phân phối cùng nhau góp phần xây dựng văn hóa uống ngay tại các quán bia. Có dịch vụ đưa khách sau khi sử dụng bia tại nhà hàng về nhà an toàn, đảm bảo nơi giữ xe an toàn cho khách, tạo ra môi trường thưởng thức bia ngon và an toàn cho khách hàng.

Uống bia ở mức độ phù hợp sẽ giúp bản thân sảng khoái, tạo không khí vui vẻ. Cũng như với rượu, chúng ta hãy hướng tới việc sử dụng bia có văn hóa. Các cơ sở sản xuất, nhà hàng cung cấp bia lớn nên xây dựng các địa chỉ uống bia văn minh, lịch sự như là mô hình về uống bia có văn hóa, có trách nhiệm.

Làm sao để đất nước ta phát triển văn hóa uống trở thành nét văn hóa tự bảo vệ mình và để rượu, bia phát huy tác dụng tốt tới sức khỏe con người. Bởi nếu sử dụng rượu, bia đúng cách, đúng mức thì sẽ mang lại giá trị tốt.

Bản thân tôi cũng là một người biết tìm ra những khoái cảm khi uống bia, rượu, nhưng may mắn là tôi không bị lệ thuộc vào một loại đồ uống nào. Theo tôi nghĩ, văn minh nhất trong văn hóa uống đó là không bị lệ thuộc. Mình phải làm chủ được những cuộc chơi có uống rượu hay bia của mình...

Mình uống rượu, bia chứ không để rượu, bia “uống” mình!