Điểm tin kinh doanh 23/6: Vàng chạm đáy 3 tháng sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 23/06/2023
- Vàng chạm đáy 3 tháng sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed
Thị trường vàng thế giới tiếp tục giao dịch ảm đạm khi mà thiếu vắng đi những động lực tăng trưởng.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,45 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với phiên trước đó. Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 11 triệu đồng/lượng.
Vàng tiếp tục giảm giá và đã có thời điểm chạm đáy thấp nhất trong vòng 3 tháng trước sức ép của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong ngày điều trần đầu tiên trước Quốc hội. Tuy nhiên, đà rơi đã phần nào được hãm lại nhờ sự đi xuống của đồng USD.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,02% lên 1.932,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,13% xuống 1.942,4 USD/ounce.
Trong bài phát biểu ngày 21/6, Chủ tịch Fed một lần nữa nhắc lại việc dừng tăng lãi suất chỉ là quãng nghỉ ngắn của cơ quan này chứ không phải vì Fed đã đi quá xa. Hầu như toàn bộ quan chức của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đều kỳ vọng rằng việc tăng thêm lãi suất vào cuối năm là cần thiết.
Sau cuộc họp chính sách của FOMC vào tuần trước, các quan chức cho biết lãi suất sẽ tăng tổng cộng 50 điểm cơ bản nữa cho đến cuối năm 2023. Điều đó có nghĩa là sẽ có hai lần tăng lãi suất nữa với giả định mỗi lần tăng 25 điểm cơ bản. Lãi suất của Fed hiện đang trong phạm vi từ 5% - 5,25%. Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt nhưng “vẫn cao hơn nhiều” so với mục tiêu 2% của Fed.
Ông Powell còn lưu ý, mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Điều đó cho thấy còn rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới. Tác động của các động thái chính sách tiền tệ như tăng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán thường có độ trễ. Do đó, Fed đã quyết định tạm dừng tại cuộc họp tháng 6 để quan sát tác động của chính sách lên nền kinh tế.
Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích thị trường tại Kitco, nhận định rằng vẫn chưa thấy yếu tố đặc biệt quan trọng nào đang gây áp lực lên thị trường vàng ngoài sự kết hợp giữa sự gia tăng của lợi suất trái phiếu và áp lực bán kỹ thuật. Trong trường hợp chủ tịch Fed có thái độ bi quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ hoặc thay đổi quan điểm về tăng lãi suất trong tương lai, thì điều đó có thể làm suy yếu chỉ số DXY và thúc đẩy sự hồi phục của giá vàng.
Người đứng đầu bộ phận chiến lược kim loại của MKS PAMP, Nicky Shiels cho rằng thị trường vàng ít nhiều vẫn ổn định trước những phát biểu của Chủ tịch Powell. Nhưng vàng đi ngang càng lâu mà không có động lực mới thì càng có nhiều rủi ro bị bán tháo sâu hơn.
Thị trường sẽ chờ đợi thêm những phát biểu của Chủ tịch Powell trong ngày làm việc cuối cùng để đưa ra những dự đoán về xu hướng lãi suất, qua đó sẽ có những định hình lại.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,04% xuống 102,02 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm ngày 22/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.732 đồng/USD; tăng 5 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.546 - 24.918 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.340 đồng/USD (mua vào) và 23.680 đồng/USD (bán ra).
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích
Tại phiên thảo luận sáng 22/6, các đại biểu Quốc hội góp ý nhiều về việc nên giữ hay bỏ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.
Giải trình cuối phiên thảo luận dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sáng 22/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dự án Luật cần cân đối giữa quản lý và phát triển, giữa phát triển và bền vững, cũng như hài hòa lợi ích của 3 nhà: nhà dân, nhà cung cấp dịch vụ và Nhà nước.
Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, theo ông Hùng, quốc gia nào cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phủ sóng internet ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nếu Nhà nước nhận thấy trách nhiệm phổ cập bằng ngân sách Nhà nước thì các nhà mạng sẽ có xu thế chỉ đầu tư ở những khu vực đông dân cư, thành phố lớn. Do vậy, Nhà nước sẽ phải đầu tư rất nhiều và nhiều quốc gia trên thế giới chọn cách yêu cầu các nhà mạng phải có trách nhiệm phổ cập.
Có hai cách để các nhà mạng thực hiện điều này. Một là yêu cầu các nhà mạng phủ sóng rộng, cách này có khó khăn cho các nhà mạng nhỏ.
Thứ hai là các nhà mạng đóng góp vào quỹ phổ cập theo doanh thu với tiêu chí doanh nghiệp lớn đóng nhiều, doanh nghiệp nhỏ đóng ít, sau đó, Nhà nước dùng quỹ này để phổ cập dịch vụ.
Theo Bộ trưởng Hùng, đa số các quốc gia trên thế giới đều chọn phương án hai.
"Ở Việt Nam, Quỹ này cơ bản giao cho chính nhà mạng thực hiện, họ nhận lại tiền đóng góp của mình để thực hiện phổ cập dịch vụ. Phổ cập 2G xong đến 3G, 4G, 5G và tiếp tục không dừng lại. Quỹ góp phần tích cực để Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được sử dụng dịch vụ vào top hàng đầu trên thế giới", ông Hùng nhấn mạnh
- Taxi xanh SM đạt 1 triệu chuyến sau 10 tuần
Taxi Xanh SM vừa cho hay đã thực hiện 1 triệu chuyến đi chỉ sau 10 tuần khai trương. Để đáp lại kỳ vọng và nhu cầu lớn của khách hàng, hãng sẽ mở rộng địa bàn hoạt động lên 27 tỉnh, thành phố ngay trong năm nay.
Xanh SM chính thức vận hành từ ngày 14/4/2023 tại Hà Nội và mở rộng nhanh chóng tới TP.HCM, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng chỉ sau vài tuần khai trương.
Trong hơn 2 tháng hoạt động, hãng đã phục vụ hơn 1 triệu chuyến đi, trao gửi 3 triệu lời chào tới khách hàng. Taxi xanh SM cũng cho hay sẽ phủ xanh ít nhất 27 tỉnh, thành phố ngay trong năm 2023. Bên cạnh đó, hãng cũng sẽ cung cấp thêm các sản phẩm, dịch vụ mới như di chuyển bằng xe máy điện, qua đó tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái di chuyển xanh và thông minh tại Việt Nam.
Taxi xanh SM đang góp phần giảm thiểu từ 89,17 đến 166 gram CO2 thải ra môi trường trên mỗi km di chuyển, theo ước tính của Liên đoàn Giao thông và Môi trường châu Âu (European Federation for Transport & Environment). Theo đó, chỉ cần đi 1km ô tô điện sẽ góp phần giảm thiểu lượng CO2 tương đương với mức hấp thụ của gần 3 cây xanh trong một ngày.
- Ấn Độ đang trở thành một cường quốc mới trong sản xuất thép toàn cầu
Đại dịch Covid-19, nhu cầu sụt giảm và một số yếu tố khác đã khiến sản lượng thép trên toàn thế giới sụt giảm trong vài năm qua.
Trong đó, Trung Quốc không chỉ là nhà sản xuất thép lớn nhất mà còn là nước có tác động lớn đến giá thép.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép thô toàn cầu, bao gồm thép bán thành phẩm, thép phôi và thép lỏng, đã giảm xuống còn 1,89 tỷ tấn vào năm 2022. Con số này thấp hơn 3,9% so với 1,96 tỷ tấn vào năm 2021. Trong khi đó, Ấn Độ đang nổi lên như một cường quốc mới. Trong khi sản lượng của Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp, Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong danh sách các nhà sản xuất lớn tăng sản lượng thép.
Trên thực tế, sản lượng của nước này gần đây đạt 125,3 triệu tấn (MT), tăng so với 118,2 tấn của năm trước. Sự tăng trưởng của Ấn Độ đặc biệt quan trọng, xét đến việc nhiều quốc gia sản xuất thép lớn nhất, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Nga, đã trải qua sự sụt giảm sản lượng. Trên thực tế, Iran là quốc gia duy nhất trong số 10 quốc gia hàng đầu có sản lượng thép tăng.
Trong suốt năm 2022, Trung Quốc đã sản xuất 1.018 tấn thép thô. Con số này thấp hơn 1,6% so với năm 2021, khi con số này giảm 2,8%. Tuy nhiên, Trung Quốc sản xuất nhiều thép hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại và gấp 12 lần so với Mỹ. Trên thực tế, quốc gia này sản xuất hơn một nửa lượng thép thô trên thế giới và chịu trách nhiệm chính cho sự gia tăng sản lượng thép thô toàn cầu kể từ năm 2000.
Từ năm đó đến năm 2022, sản lượng của Trung Quốc đã tăng 735%. Trong khi đó, sản lượng của Bắc Mỹ giảm 18% và sản lượng ở phần còn lại của thế giới tăng 29%. Bây giờ sản lượng của Trung Quốc đang giảm, Ấn Độ đang nắm bắt cơ hội. Năm 2019, Ấn Độ trở thành nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, vượt qua Nhật Bản.
- Mở rộng quan hệ hợp tác chăm sóc sức khỏe
Ngành chăm sóc sức khoẻ của DKSH vừa cho hay đã gia hạn hợp tác với Roche nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. Theo đó, DKSH sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ tích hợp và tuỳ chỉnh dành riêng cho Roche, giúp gia tăng khả năng tiếp cận đến các thiết bị chẩn đoán, hoá chất xét nghiệm và vật tư tiêu hao chất lượng cao trên toàn thị trường.
Tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, Roche cung cấp các giải pháp chẩn đoán in-vitro giúp cải thiện đời sống của người dân cũng như bệnh nhân. Roche Việt Nam mang đến các giải pháp chẩn đoán giúp giải quyết những thách thức của ngành ở hiện tại cũng như những nhu cầu trong tương lai. Với yêu cầu cao trong việc đảm bảo chất lượng của các sản phẩm liên quan đến hoạt động chẩn đoán, Roche đã tin tưởng lựa chọn dịch vụ kho bãi và hậu cần của DKSH tại Việt Nam.
Ông Phillip Wray, Phó Chủ tịch, ngành chăm sóc sức khoẻ, Tổng Giám đốc, DKSH Việt Nam chia sẻ: “DKSH không ngừng cải thiện dịch vụ chất lượng cao để đồng hành cùng với sự tăng trưởng của Roche, đồng thời hiện thực hoá mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người và mang đến giải pháp chăm sóc sức khoẻ chất lượng đến bệnh nhân”.
- Đến nửa đầu tháng 6, cả nước xuất siêu gần 10 tỷ USD
Cán cân thương mại hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 6 xuất siêu 130 triệu USD, đưa con số xuất siêu từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6 đạt 9,8 tỷ USD.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 6/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 27,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 13,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 13,57 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 6 xuất siêu 130 triệu USD.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 6 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2023 đạt hơn 287,9 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% và nhập khẩu đạt 139,07 tỷ USD, giảm 18,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình lạm phát và nhu cầu suy giảm chung trên thị trường thế giới. Điều này dẫn đến hàng hóa khó khăn trong tìm đầu ra.
Các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2023 gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,9 tỷ USD, giảm 7%, so với cùng kỳ năm 2022; điện thoại các loại và linh kiện đạt 21,9 tỷ USD, giảm 18,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt gần 18 tỷ USD, giảm 7,1%; hàng dệt may đạt 14,1%, giảm 15,3%; giày dép đạt 8,9 tỷ USD, giảm 15,4%...
Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 35,2 tỷ USD, giảm 11,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 17,8 tỷ USD, giảm 13,3%; vải đạt 5,87 tỷ USD, giảm 20%; sắt thép các loại đạt 4,3 tỷ USD, giảm 31,5%...
- Phó Thủ tướng yêu cầu trình đề án chuyển A0 về Bộ Công Thương trong tháng 8/2023
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 235/TB-VPCP ngày 21/6/2023 về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp về việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan tại cuộc họp; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023, trong đó cần đánh giá đầy đủ các tác động, vướng mắc có thể phát sinh, giải pháp khắc phục, bảo đảm hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia liên tục, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, tin cậy, hiệu quả hệ thống điện quốc gia, giữ vững an ninh năng lượng cho đất nước.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác giám sát thường xuyên, trực tiếp và toàn diện đối với A0 theo quy định cho đến khi hoàn thành việc chuyển A0 về Bộ Công Thương, bảo đảm hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia phải hiệu quả, công khai, minh bạch, khai thác vận hành tối ưu hệ thống điện quốc gia, cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.