Truyền thông đa phương tiện vẫn ‘sáng’ ?

Cuộc sống số - Ngày đăng : 11:18, 21/06/2023

Cứ mỗi năm đến ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, giới truyền thông lại có dịp nhìn lại nhiều mặt về nghề Báo, trong đó nổi lên những năm gần đây là bài toán “kinh tế báo chí”…

Trước khi đi vào thực tế ở nước ta, tôi xin phép “bẻ lái” sang một chuỗi sự kiện gây râm ran làng báo… Mỹ trong vài tháng nay. Đó là việc ba tờ báo điện tử thuộc hàng đình đám dành cho giới trẻ ở Hoa Kỳ đã lần lượt đóng cửa chỉ trong nửa đầu năm 2023, gồm tờ Vice, BuzzFeed News và MTV News.

truyen_thong_da_phuong_tien_1.jpg

Sự tan vỡ của mô hình truyền thông mới

Tờ Campaign - tạp chí hàng đầu của ngành truyền thông – marketing - nhận định câu chuyện ba tờ báo lớn đình bản là một “sự kết thúc của một thời đại”, hay “sự tan vỡ của mô hình truyền thông mới dành cho giới trẻ”. Nghe có vẻ… uỷ mị, nhưng cũng không phải là quá đáng. Bởi lẽ nếu chỉ nhìn lại tầm 3-5 năm trước, cả ba tờ báo điện tử này vẫn có vẻ đang “sống khoẻ” nhờ vào chiến lược truyền thông đa phương tiện (multimedia) và toà soạn hội tụ vẫn phát huy hiệu quả. Doanh thu của mỗi tờ vẫn lên đến hàng trăm triệu USD.

Ấy vậy mà chỉ trong vài năm, mọi thứ đã xoay chuyển theo chiều hướng xấu quá nhanh. Nguyên nhân cũng dễ thấy: các tạp chí điện tử chuyên dành cho giới trẻ cũng… không đủ khả năng thu hút giới trẻ như mạng xã hội, nhất là những mạng sử dụng clip ngắn để lôi cuốn người chơi như TikTok, Youtube Shorts và instagram Reels. Thế là tiền quảng cáo cứ đổ dồn vào mạng xã hội ngày một nhiều, trong khi doanh thu của báo điện tử dần thuyên giảm. Đến lúc không thể cầm cự nổi, việc đình bản là sớm muộn, dù không ít độc giả trên toàn cầu đều ít nhiều tiếc nuối sự ra đi của các tên tuổi một thời…

355086218_675665961055433_9075716404531498480_n.png

Thêm vào đó, Tony Chan, giám đốc chiến lược Châu Á -Thái Bình Dương của Assembly, cho rằng “những nền tảng thông tin mới đang nở rộ như nấm sau mưa. Các nhà báo tự do và độc lập trên đa nền tảng đang sản xuất ra rất nhiều nội dung trên Youtube và TikTok. Họ đang thu hút tiền quảng cáo đổ về trên nhiều kênh khác nhau. Các nhà quảng cáo có thể dựa vào những kênh truyền thông của các nhà sáng tạo nội dung để biết chắc rằng tiền quảng cáo có đến đúng với đối tượng khách hàng của mình hay không.”

Làn sóng có lan rộng?

Vậy là đã rõ, “mô hình truyền thông mới”, tức báo điện tử đa phương tiện, đã không còn quá… mới, mà một vài tờ hàng “top” cho giới trẻ đã thực sự cáo chung ở Bắc Mỹ chỉ trong năm nay. Trong kinh tế, có một quy luật về “xu hướng” được các chuyên gia marketing chia sẻ, đó là các trend trên toàn cầu thường tiên phong xuất hiện ở Bắc Mỹ, lan sang Tây Âu (và Australia), lan rộng qua phía Đông của lục địa Á – Âu theo chiều ngang, cũng như lan toả xuống Nam Mỹ theo chiều dọc, và cuối cùng lan đến khu vực Đông Nam Á. Thời gian của các xu hướng (cả tích cực lẫn tiêu cực) lan toả đang dần rút ngắn nhờ ảnh hưởng của toàn cầu hoá. Ngày trước, sự lan toả này mất 2-3 năm, thì nay có nhiều trường hợp chỉ trong vài tháng.

nganh-truyen-thong-da-phuong-tien-1.png

Trong nước, xu thế chuyển đổi số trong báo chí để phát triển kinh tế báo chí từ mô hình cũ (báo, tạp chí in) sang mô hình mới, chủ yếu dựa vào quảng cáo online và trả phí hàng tháng – quý – năm. Tuy nhiên, do người tiêu thụ sản phẩm truyền thông – tin tức vẫn chưa có thói quen trả phí qua mạng, việc triển khai thu phí đang khá gập ghềnh.

Tại Việt Nam, tính tới năm 2023, có 5 cơ quan báo chí triển khai thu phí gồm Báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động và Báo Tuổi trẻ (năm 2022). Song doanh thu từ các hoạt động này còn rất nhỏ và bước đầu mang tính thử nghiệm.

Trong khi đó, theo báo Tiền Phong, qua khảo sát số liệu từ 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng); tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.

Liệu rằng ở Việt Nam, làn sóng khủng hoảng có lan rộng, nhất là ở những mảng báo chí không quá “chính thống”, ít nhiều có sự phối hợp của tư nhân cùng sản xuất nội dung? Tôi nghĩ rằng sẽ không có gì bất ngờ nếu những diễn biến theo chiều hướng như trên diễn ra.

Song từ góc độ lạc quan, vẫn có thể tin tưởng vào những nội dung chất lượng từ chiến lược truyền thông đa phương tiện của báo, đài trong nước có thể chinh phục được độc giả, nhất là ở những mảng cần nội dung chất lượng cao, không chạy theo xu hướng.

Rõ ràng, để khẳng định rằng mọi thứ đang đi đúng hướng, những thử thách của thị trường trong 3-5 năm tới là rất cần thiết, kể cả với những cơ quan thông tấn có bề dày truyền thống.

Lê Anh Tú- Giảng viên khoa QHCC - TT - ĐH Văn Lang