Điểm tin kinh doanh 19/6: Các chuyên gia lạc quan về giá vàng tuần này
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 19/06/2023
- Các chuyên gia lạc quan về giá vàng tuần này
Giá vàng thế giới ghi nhận một tuần đi xuống nhưng nhiều chuyên gia lẫn nhà đầu tư dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại.
Giá vàng hôm 18/6 trên thị trường quốc tế đạt 1.959,2 USD/ounce, chỉ giảm 2 USD so với cuối tuần trước nhờ đồng USD hạ nhiệt.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản tại cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 13 - 14/6 đã khiến đồng USD lao dốc và hỗ trợ giá vàng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của nước này chỉ tăng 0,1% và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong khoảng hai năm. Nếu loại trừ lương thực và năng lượng, CPI lõi tăng 0,4% trong tháng 5 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát thấp giúp Fed giữ nguyên lãi suất.
Song đà tăng của giá vàng trong tuần đã bị hạn chế phần nào khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 15/6 quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện dự đoán 74% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 7, gây sức ép lên tài sản không sinh lời như vàng.
Trong tuần này, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng giá vàng sẽ đi lên. Kết quả cuộc khảo sát của Kitco News có sự tham gia của 24 nhà phân tích Phố Wall thì 10 người, chiếm 42% dự báo giá vàng sẽ tăng; có 5 nhà phân tích tương đương 21% nhận định ngược lại và 9 người khác, chiếm tỷ lệ 38% nghĩ rằng kim loại quý đi ngang.
Tương tự, cuộc khảo sát trực tuyến với 487 nhà đầu tư cá nhân tham gia cũng có 258 người, chiếm 52% cho rằng vàng sẽ tăng giá. Bên cạnh đó, có 126 người, tương đương 26% dự báo vàng sẽ giảm và số còn lại tương ứng 21% nhận định vàng đi ngang.
Giá vàng hôm 18/6 tại thị trường trong nước đang duy trì ổn định so với hôm 17/6.
Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty SJC (Hà Nội) niêm yết ở mức 66,50 - 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Giá vàng 9999 tại Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 66,45 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Giá vàng PNJ tại Hà Nội và Tp.HCM giao dịch ở mức 66,60 - 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Giá vàng miếng tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 66,52 - 67,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Giá vàng DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở ngưỡng 66,50 - 67,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Tại TP.HCM, giá vàng DOJI giao dịch quanh mức 66,55 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Còn giá vàng Mi Hồng đang niêm yết ở mức 66,55 - 66,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra);
Với tỉ giá USD hiện tại (ở mức 23,700 VND/USD), giá vàng trong nước đang cao hơn thị trường thế giới 10,916 triệu đồng/lượng.
Tuần trước, thị trường vàng trong nước cũng giảm nhẹ theo đà đi xuống của thị trường thế giới. Theo đó, giá vàng trong nước tuần trước giảm 50 ngàn đồng/lượng so với tuần trước đó.
Như vậy, giá vàng hôm ngày 18/6/2023 tại thị trường trong nước đang niêm yết quanh mức 66,45 - 67,12 triệu đồng/lượng.
- Campuchia giữ ‘ngôi vương’ cung cấp hạt điều cho Việt Nam
5 tháng đầu năm 2023, Campuchia tiếp tục là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam khi chiếm lần lượt 52% về lượng và 54% về trị giá.
5 tháng đầu năm 2023, thương mại Việt Nam – Campuchia đạt 3,97 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Campuchia đạt 2,07 tỷ USD, giảm 23%; nhập khẩu hàng hóa đạt 1,89 tỷ USD, giảm 31%.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, trong tổng 28 mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường này, có tới 24 mặt hàng ghi nhận kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm tới -84,4%. Đứng sau là sản phẩm từ cao su với -84%; rau quả với -57%; chất dẻo nguyên liệu với -46%...
Trong số các mặt hàng chính, dệt may, xăng dầu và nguyên phụ liệu dệt may, da giày là 3 mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia đạt trị giá từ 100 triệu USD trở lên. Tổng kim ngạch xuất khẩu ba mặt hàng đạt 693 triệu USD, tương ứng chiếm 17% trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Trong đó, hàng dệt may có trị giá lớn nhất với 345 triệu USD, tiếp đến là xăng dầu với 226 triệu USD và nguyên phụ liệu dệt may, da giày với 122 triệu USD.
5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Campuchia, bao gồm thủy sản đạt 21,07 triệu USD; rau quả với 4,95 triệu USD và cà phê với 1,67 triệu USD.
Về nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu từ Campuchia chủ yếu là nông sản và nguyên phụ liệu. Trong đó, hạt điều là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất với 753 triệu USD, tương ứng 546.467 tấn hạt điều. Hiện Campuchia là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất khi chiếm lần lượt 52% về lượng và 54% về trị giá hạt điều nhập khẩu 5 tháng của Việt Nam.
Cao su là mặt hàng có trị giá nhập khẩu lớn thứ 2 với 277 triệu USD, khối lượng đạt 290.299 tấn.
Hàng rau quả đứng vị trí thứ 3 với kim ngạch nhập khẩu đạt 31 triệu USD; tiếp đến là phế liệu sắt thép với 28 triệu USD và vải với 22 triệu USD…
- Nhận định chứng khoán tuần 19-23/6: Tích lũy quanh vùng 1.110 - 1.130 điểm
Công ty chứng khoán dự báo VN-Index có thể sẽ diễn biến tích lũy, tăng giảm đan xen với biên độ khoảng 20 điểm, quanh khu vực 1.110 - 1.130 điểm trong tuần giao dich từ ngày 19- 23/6.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm tuần thứ 3 liên tiếp và tiếp tục vận động trong kênh hồi phục tích cực. Kết thúc tuần giao dịch từ 12- 16/6, VN-Index tăng 7,69 điểm (+0,69%) lên 1.115,22 điểm.
Thanh khoản thị trường được giữ ở trên mức trung bình với giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 17.092 tỉ đồng, giảm 6,5% so với tuần trước, nhưng tăng 22,3% so với trung bình 5 tuần trước đó.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, quay trở lại mua ròng mạnh trên HOSE với giá trị 1.712,3 tỉ đồng, tập trung ở nhóm cổ phiếu thép, dịch vụ tài chính, chứng khoán; mua ròng trên HNX với giá trị 94,5 tỉ đồng.
Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, thị trường vẫn đang tích cực và hướng tới mục tiêu 1.150 điểm. Trong trung hạn, thị trường đang vận động trong khu vực tích lũy rộng với ngưỡng hỗ trợ quanh khu vực 1.000 - 1.050 điểm và vùng kháng cự là quanh 1.150 điểm.
SHS cho rằng, thị trường trong ngắn hạn vẫn tiếp tục mở ra các cơ hội 'lướt sóng', nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Nhóm nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng ở các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng ổn định.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất điều chỉnh giảm nhanh sẽ kích hoạt dòng tiền từ các kênh đầu tư tiền gửi sang các kênh đầu tư có rủi ro cao hơn như chứng khoán.
Dù vậy, dựa trên các phân tích kỹ thuật, VCBS lưu ý áp lực bán gia tăng mạnh và xác suất điều chỉnh ngắn hạn đang ở mức cao. Thêm vào đó, 2 chỉ báo MACD và RSI đang cho tín hiệu giảm điểm ngắn hạn.
Tuy nhiên, sau nhịp tăng điểm dài, VCBS đánh giá thị trường vẫn đang có diễn biến tích cực và sự xuất hiện của những nhịp rung lắc điều chỉnh giảm là cần thiết để tạo đà cho VN-Index có thể tiếp tục hướng lên các vùng điểm cao hơn.
"Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể sẽ diễn biến tích lũy, tăng giảm đan xen với biên độ khoảng 20 điểm quanh khu vực 1.110 - 1.130 điểm", VCBS nhận định.
CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap) dự báo, trong phiên giao dịch ngày 19/6, VN-Index có thể sẽ giảm điểm để một lần nữa kiểm định ngưỡng hỗ trợ EMA5 tại vùng 1.115 điểm.
Với những nỗ lực hồi phục không thành công từ hỗ trợ này, xác suất VN-Index sẽ vi phạm đường EMA5 sẽ tăng cao hơn trong lần kiểm định này. Do đó, chỉ số nhiều khả năng sẽ giảm xuống mức thấp hơn để kiểm định hỗ trợ EMA10 tại vùng 1.110 điểm và sau đó là đường EMA200 tại vùng 1.100 điểm.
Theo Vietcap, xu hướng tăng điểm lên vùng 1.140-1.150 điểm của VN-Index chỉ có thể được củng cố nếu chỉ số có thể tăng và đóng cửa trên mốc 1.120 điểm. Tuy nhiên, kịch bản này đang có xác suất xảy ra thấp hơn.
- Tiêu thụ thép trong tháng 5 tăng 13,6%
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 5, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,224 triệu tấn, tăng 2,3%; bán hàng thép các loại đạt 2,309 triệu tấn, tăng 13,62% so với tháng trước và ngang với cùng kỳ 2022.
Cụ thể, trong tháng 5, sản xuất và tiêu thụ thép đã có sự tăng trưởng so với tháng trước. Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,224 triệu tấn, tăng 2,3% nhưng giảm 19,7% so với cùng kỳ 2022; bán hàng thép các loại đạt 2,309 triệu tấn, tăng 13,62% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ 2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, sản xuất thép thành phẩm đạt 11,091 triệu tấn, giảm 21,8% so với cùng kỳ. Bán hàng thép thành phẩm đạt 10,409 triệu tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ.
Về tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm thép, tính chung 4 tháng đầu năm, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3,769 triệu tấn với trị giá hơn 3,162 tỷ USD, giảm 5,15% về lượng và giảm 24,36% về giá trị. Trung Quốc là quốc gia cung cấp thép lớn nhất cho Việt Nam, với mức 54,7%; tiếp đến là Nhật Bản; Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3,257 triệu tấn thép, tăng 0,48% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 2,522 tỷ USD giảm 23,79% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là khu vực ASEAN (36,38%), EU (24,15%), Hoa Kỳ (7,55%), Ấn Độ (5,72%) và Thổ Nhĩ Kỳ (3,21%).
- Rà soát việc nộp thuế của Grab tại Việt Nam
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết sẽ trao đổi với Cục thuế TP.HCM để chỉ đạo Chi cục thuế số 7 - Nhà Bè rà soát nghĩa vụ thuế của Grab.
Tại họp báo thường kỳ quý II tổ chức ngày 16/6, Bộ Tài chính nhận được một số câu hỏi liên quan đến việc chấp hành nghĩa vụ thuế của hãng gọi xe công nghệ Grab tại Việt Nam.
Cụ thể, Công ty TNHH Grab là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam được 9 năm. Giai đoạn mới tiến vào thị trường, doanh thu của Grab năm 2014 chỉ ghi nhận 1,5 tỷ đồng. Song đến năm 2022, chỉ tiêu tài chính này đã tăng lên 6.384 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Grab chưa phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam trong khi hàng năm vẫn chuyển hàng trăm tỷ đồng phí bản quyền, phí quản lý... cho hai công ty liên quan là GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở ở Singapore) và Grab Inc (trụ sở ở Đảo Cayman, Anh).
Thực tế này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm rà soát nghĩa vụ nộp thuế đối với Grab của Tổng cục Thuế cũng như tính hiệu quả của các biện pháp chống chuyển giá, ngăn chặn thất thu thuế hiện nay của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng khẳng định Bộ Tài chính và ngành thuế luôn quan tâm công tác chống chuyển giá để ngăn thất thu thuế. Theo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức tự khai tự nộp.
Với Grab, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết sẽ trao đổi với Cục thuế TP.HCM để chỉ đạo Chi cục thuế số 7 - Nhà Bè (đơn vị quản lý Công ty TNHH Grab) rà soát, đánh giá về nghĩa vụ nộp thuế của Công ty TNHH Grab, đồng thời báo cáo ngay với Cục thuế TP.HCM để chuyển báo cáo lên Tổng cục Thuế.