Điểm tin kinh doanh 17/6: Vàng nhẫn tăng giá dữ dội

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 17/06/2023

68/85 dự án năng lượng tái tạo gửi hồ sơ đàm phán giá điện; Hải quan TP.HCM thu ngân sách giảm hơn 5.000 tỉ đồng
gia-vang-1640664377026498321790-1-.jpg

- Vàng nhẫn tăng giá dữ dội

Giá vàng hôm 16/6, trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại tăng mạnh hơn lên 55,65 triệu đồng/lượng mua vào, 56,6 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng mỗi lượng so với hôm 15/6.

Ở thị trường trong nước, giá vàng hôm 16/6 đi lên theo đà tăng của vàng thế giới. Lúc 9 giờ, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 66,6 triệu đồng/lượng, bán ra 67,2 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 50.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm 15/6.

Cùng thời điểm, giá vàng trong nước bật tăng trở lại. Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng, 2 chiều mua vào - bán ra.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC 66,45 - 67,05 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn tròn trơn 55,55 - 56,45 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại tăng mạnh hơn lên 55,65 triệu đồng/lượng mua vào, 56,6 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá Vàng Rồng Thăng Long 55,35 - 56,35 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Lúc 9h53' hôm ngày 16/6, giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.956,1 USD/ounce, tăng 1,1 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.970,3 USD/ounce.

Sáng 16/6, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,9 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 11,32 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay 15/6 (theo giờ Việt Nam) giao dịch ở mức 1.955 USD/ounce.

- Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm thiếu điện trong tháng 6

Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, trong đó nhấn mạnh phải giải quyết dứt điểm thiếu điện trong tháng 6-2023.

Theo Baochinhphu.vn, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 225/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Thường trực Chính phủ thống nhất, trong những tháng đầu năm 2023, kinh tế – xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Tuy nhiên các bộ, ngành địa phương vẫn cần tập trung xử lý các kiến nghị liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu; giảm lãi suất điều hành; nhanh chóng hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản, tháo gỡ vướng mắc trong cung ứng cát, đá, sỏi và vật liệu xây dựng.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ các nhà máy điện, dự án truyền tải 500 kV và huy động thêm điện mặt trời áp mái, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu điện trong tháng 6-2023.

- Hải quan TP.HCM thu ngân sách giảm hơn 5.000 tỉ đồng

Số thu ngân sách tính nửa đầu năm nay của Cục Hải quan TP.HCM chỉ đạt khoảng 57.700 tỉ đồng, mới đạt gần 40% chỉ tiêu pháp lệnh được giao.

Cục Hải quan TP.HCM cho biết kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước từ đầu năm tính đến ngày 14-6, chỉ đạt khoảng 57.700 tỉ đồng, đạt gần 40% chỉ tiêu pháp lệnh (145.800 tỉ đồng).

Số thu ngân sách nửa đầu năm giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương giảm hơn 5.200 tỉ đồng.

Số thu bình quân ngày tính đến 14-6-2023 đạt 349,5 tỉ đồng, đạt 87,5% số thu bình quân ngày theo chỉ tiêu pháp lệnh (399,5 tỉ đồng).

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, kết quả này đã được lường trước khi bước vào năm 2023 với nhiều dự báo nền kinh tế thế giới và trong nước có xu hướng tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ suy thoái kinh tế.

- 68/85 dự án năng lượng tái tạo gửi hồ sơ đàm phán giá điện

Cập nhật đến ngày 16/6, đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.791,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện.

Trong đó có 59 dự án (tổng công suất 3.211,41MW) đã đề nghị giá tạm (bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công thương).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 55/59 dự án (trong đó Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 51 dự án).

Có 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 10 dự án, phần dự án với tổng công suất 536,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, đang phát điện thương mại lên lưới.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 16-6 đạt khoảng 38,59 triệu kWh. Trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

- Tổng cục Thuế: Tiến tới dùng căn cước công dân thay mã số thuế

Theo ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế, nhằm cải cách thủ tục hành chính, ngành thuế dự kiến khi cấp căn cước công dân sẽ được coi như cấp luôn mã số thuế.

Chia sẻ tại Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội" chiều ngày 16/6 do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp tổ chức, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới sẽ bỏ mã số thuế cá nhân và thay vào đó là dùng số căn cước công dân để làm mã số thuế.

Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, đây là một nội dung quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính và khi người dân được cấp căn cước công dân sẽ được coi như được cấp mã số thuế.

Tính đến nay, ngành thuế đã cấp 75 triệu mã số thuế cá nhân, chủ hộ, cá nhân kinh doanh, người phụ thuộc. Nhưng vừa qua, khi rà soát, đối chiếu thì phát hiện nhiều trường hợp đã qua đời hoặc mất tích chưa được ngành thuế cập nhật kịp thời.

Quá trình đối chiếu, làm sạch dữ liệu đang được đẩy nhanh và đến nay đã có 52/75 triệu mã số thuế được rà soát, đối chiếu.

Do đó, việc kết hợp mã số thuế vào căn cước công dân nhằm hướng đến 2 mục tiêu là thuận tiện cho người nộp thuế là cá nhân chỉ sử dụng một mã duy nhất. Tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Việt Báo (Tổng hợp)