Xét xử cô Lê Thị Dung: Luật sư đề nghị trả tự do
Pháp luật - Ngày đăng : 15:39, 13/06/2023
Sáng nay (13/6), phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục dạy nghề huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Tại phiên tòa sáng nay, 6 luật sư tham gia bào chữa cho cô Lê Thị Dung đã đưa ra những chứng cứ, tài liệu chứng minh quá trình điều tra, xét xử của tòa sơ thẩm có sai phạm, vi phạm tố tụng hình sự.
Luật sư Trần Đăng Phúc (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo hồ sơ, ngày 26/3/2022 Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên có quyết định số 20 khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Trung tâm GDTX-GĐN huyện Hưng Nguyên. Cùng ngày 26/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên cũng có quyết định khởi tố bị can số 43 khởi tố bị can Lê Thị Dung. Ngày 28/3/2022, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên mới có quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Lê Thị Dung.
Trong các tài liệu liên quan đến hồ sơ bản án thì ghi là Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Lê Thị Dung là quyết định số 43. Điều tra viên của vụ án có mặt tại phiên tòa phúc thẩm giải thích là do có sự nhầm lẫn khi đánh máy giữa số 42 và số 43, chứ thực tế là quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can là quyết định số 42.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng trong hơn 8.000 bút lục của hồ sơ vụ án không có quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022 mà Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên khởi tố cô Lê Thị Dung. Đến sáng nay tại phiên tòa, phía luật sư đề nghị HĐXX và các bên cung cấp nhưng không cung cấp được.
Ngoài ra, luật sư cho rằng việc cơ quan điều tra thu giữ tài liệu bản gốc hồ sơ kế toán của Trung tâm GDTX-GĐN huyện Hưng Nguyên để điều tra là trái quy định pháp luật.
Luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn luật sư Quảng Ninh) bào chữa cho cô Lê Thị Dung cũng nêu rõ, UBND huyện Hưng Nguyên là cơ quan chủ quản cấp trên về tài chính của Trung tâm GDTX-GĐN huyện Hưng Nguyên. Còn Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Lao động, Thương binh, xã hội tỉnh Nghệ An chỉ là cơ quan phụ trách chuyên môn của Trung tâm GDTX-GDNN huyện Hưng Nguyên, do đó trung tâm GDTX-GĐN huyện Hưng Nguyên khi ban hành quy chế chi tiêu nội bộ không phải gửi cho 2 sở này.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm cho rằng bị cáo Dung đã vi phạm khi không gửi báo cáo chi tiêu nội bộ cho Sở GD-ĐT Nghệ An.
Ngoài ra, tòa sơ thẩm cho rằng Trung tâm GDTX-GDNN huyện Hưng Nguyên hoạt động giống như cơ sở giáo dục phổ thông nên việc quy định về quy định chế độ làm việc phải áp dụng theo Thông tư 28, về cái này luật sư khẳng định là sai quy định pháp luật
Về việc án sơ thẩm cho rằng bị cáo Dung đã lập chứng từ khống, thanh toán trùng lặp 2 lần... Tuy nhiên, luật sư khẳng định tòa sơ thẩm lại không đưa ra được chứng cứ để chứng minh cô Dung đã lập khống, chi trùng lặp 2 lần.
Vì vậy các luật sư đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm, tuyên cô Lê Thị Dung vô tội, từ đó đình chỉ điều tra vụ án.
Các luật sư cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Phòng Tài chính kế hoạch, Kho bạc Nhà nước, UBND huyện Hưng Nguyên trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính kế toán của trung tâm để đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Cũng trong sáng nay, trình bày quan điểm tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An thực hành quyền công tố, giữ nguyên quyết định kháng nghị vụ án trước đó.
Viện kiểm sát cho rằng việc xác định thiệt hại do hành vi làm trái công vụ của các bị cáo gây ra cần bảo đảm sự chính xác để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, bảo đảm việc xét xử vụ án một cách toàn diện, triệt để nên đề nghị hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên để trả hồ sơ, điều tra và xét xử lại.