Bị "ném đá" vì dùng điểm ngữ văn xét tuyển ngành y, nhà trường nói gì?
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 07:19, 23/05/2023
Năm 2023, Trường ĐH Văn Lang (TPHCM) thông báo tuyển sinh ngành y khoa bằng 4 phương thức. Ngoài xét tuyển thẳng và xét điểm thi đánh giá năng lực, trường sử dụng 4 tổ hợp xét điểm thi tốt nghiệp và học bạ bao gồm: D12 (ngữ văn, hóa học, tiếng Anh); A00 (toán, vật lí, hóa học); B00 (toán, hóa học, sinh học); D08 (toán, sinh, tiếng Anh).
Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cùng sử dụng tổ hợp B03 (toán, ngữ văn, sinh học) để tuyển ngành y khoa, áp dụng với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Các tổ hợp khác là B00, D08 và A02 (toán, vật lí, sinh học).
Ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp, Trường ĐH Duy Tân xét tuyển ngành y khoa bằng 4 tổ hợp A16 (toán, khoa học tự nhiên, ngữ văn), B00, D90 (toán, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ) và D08.
Thông tin này được công bố đã ngay lập tức gây xôn xao dư luận. Không ít ý kiến lo ngại về sự xuất hiện của môn ngữ văn trong ngành học đặc thù vốn được mặc định là "không dành cho dân ".
Chọn văn hơn chọn toán?
Trả lời Dân trí, TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ - Trưởng khoa Y, Trường ĐH Văn Lang, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã đưa ra nguyên nhân với tổ hợp xét tuyển "lạ" trên.
Ông Vĩ nói rằng, nhu cầu bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân ngày một tăng cao. Ở giai đoạn trước, chúng ta chỉ tập trung vào khám chữa bệnh còn hiện nay phải quản lý sức khỏe, tư vấn sức khỏe, phòng bệnh từ xa, nâng cao sức khỏe. Vì thế, các tổ hợp xét tuyển có thay đổi.
Vị bác sĩ chia sẻ định hướng xây dựng, phát triển đội ngũ bác sĩ gia đình để phục vụ cho cả chuyên khoa và đa khoa. Đặc biệt là tuyến y tế cơ sở vừa tiếp xúc với người dân, chia sẻ, động viên, tư vấn nhiều chiều. Theo ông Vĩ, những sinh viên giỏi ngữ văn sẽ có đầu óc tư duy xã hội tốt.
"Chúng tôi quyết định đưa tổ hợp này vào tuyển sinh dựa trên kinh nghiệm làm việc và đào tạo cũng như khảo sát riêng một số bác sĩ", BS Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.
Với xét tuyển học bạ, ngoài điểm chuẩn xét tuyển theo tổ hợp thì quy định chung của Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh của các ngành y phải có học lực loại giỏi năm lớp 12, điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển từ 8 trở lên.
Trả lời câu hỏi nhiều người thắc mắc tại sao không chọn trọng tâm môn toán mà lại chọn văn, vị trưởng khoa nói: "Thực tế, chúng tôi đã nghiên cứu một người có thể rất giỏi toán cao cấp nhưng trong 6 năm học y (thậm chí đến thạc sĩ, tiến sĩ) không sử dụng kiến thức về toán nhiều, chỉ có toán thống kê để nghiên cứu khoa học".
Ông chia sẻ rằng, nếu chọn một người học giỏi văn và cũng toàn diện các môn khác với một người giỏi toán thì người giỏi văn sẽ rất thuận lợi cho công tác phòng bệnh như y tế dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao tư vấn sức khỏe, bác sĩ gia đình, tâm lý trị liệu, tâm thần học...
Ông nhận định, bây giờ phải thuyết phục người dân trên nhiều lĩnh vực thì mới đảm bảo chất lượng sức khỏe ngày càng tăng cho người dân.
Một góc khác được vị bác sĩ này đưa ra đó là trong tổ hợp D12 (ngữ văn, hóa học, tiếng Anh), thì ngoài giỏi văn còn học giỏi ngoại ngữ. Những em giỏi ngoại ngữ phải có đầu óc rất tốt, linh hoạt, có khả năng đọc tài liệu nước ngoài. Như vậy, chúng ta còn có thể đào tạo cung cấp nguồn nhân lực công tác ở nước ngoài.
"Kết hợp lại 3 môn, tổ hợp D12 phản ánh được yêu cầu của ngành trong giai đoạn tới. Bác sĩ không phải lúc nào cũng chỉ biết khám chữa bệnh, mổ xẻ đâu mà còn rất nhiều công việc khác", ông Vĩ nói.
Chấp nhận dư luận trái chiều
Khi được hỏi về đơn vị đã lường trước được chuyện dư luận sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều hay chưa, TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng chuyện trái chiều là đương nhiên. Điều mới khác với những gì đã là "kinh điển" thì sẽ nhận được nhiều ý kiến.
Ông cho rằng, mọi người không phải trong ngành thì sẽ nói theo những thông tin cũ, lối mòn trước đây.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội và khả năng cung ứng nhân lực hiện nay, ngoài kế thừa những điều cũ cũng có những điều nâng cao hơn, toàn diện hơn so với giai đoạn trước.
"Chúng tôi đang hướng tới xây dựng đội ngũ bác sĩ gia đình mới, đòi hỏi những con người phải thực sự tâm huyết, phải khéo léo, nói năng dễ nghe, thuyết phục được cộng đồng, phải có tâm, chia sẻ được với cộng đồng, có y đức, y đạo, y thuật, y nghiệp đoàng hoàng.
Chúng tôi cho rằng những học sinh giỏi ngữ văn, hóa học, tiếng Anh kết hợp giỏi toàn diện các môn khác thì dư sức làm được việc này", ông Vĩ nói.
Vị này giải thích thêm, nhà toán học không thể làm tư vấn tốt như người giỏi tâm lý xã hội sâu sắc như người có văn chương được. Đây là cơ hội mới dành cho các em giỏi khối khoa học xã hội tham gia vào ngành y.
Thực tế việc bác sĩ nói năng tốt, dễ nghe cũng khiến cộng đồng ít bị stress với bác sĩ và ngược lại. Điều này hạn chế tình trạng bác sĩ nói chuyện cụt lủn, gây ức chế cho người bệnh, người nhà.
Sau khi thông tin được công bố, nhiều ý kiến băn khoăn liệu đưa môn ngữ văn vào tuyển sinh có phải để "tìm mọi cách vơ vét", "bất chấp tuyển sinh", "tuyển sinh bằng mọi giá"…
Đại diện nhà trường cho biết quá trình học ngành y vô cùng vất vả với 6 năm học. Chương trình học rất nặng nề, đòi hỏi những người phải tâm huyết và học hành đàng hoàng chứ không phải dễ. Ông khẳng định không tuyển sinh bằng mọi giá.
Hồi năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Kim Tiến từng hưởng ứng đề xuất của một số hiệu trưởng trường y, dược về việc đưa môn ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y.
Lãnh đạo ngành y tế khi đó cho rằng môn ngữ văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp. Khi đó, đề xuất này cũng nhận không ít ý kiến trái chiều từ dư luận.
Các trường đang loay hoay bài toán tuyển sinh ngành y?
ThS Đinh Đức Hiền - giáo viên luyện thi môn Sinh học cho rằng ngành y là ngành đặc thù, không thể tuyển sinh đại trà và bất chấp như một số trường đang làm hiện nay. Việc bổ sung các tổ hợp môn khác nhau, thậm chí môn văn vào xét tuyển chỉ cho thấy sự loay hoay trong xét tuyển của ngành y.
Ông Hiền cho rằng những gì học được ở môn văn cần cho tất cả mọi người chứ không riêng ngành nghề nào, nhưng ở mỗi lĩnh vực khác nhau cần có kiến thức lõi, năng lực chuyên biệt, nhất lại là ngành đặc thù như y.
Cá nhân ông Hiền bày tỏ việc đưa ngữ văn vào xét tuyển ngành y là chưa phù hợp. Đối với ngành y, hai môn quan trọng bậc nhất là hóa học và sinh học, kiến thức ngành nghề cũng được thể hiện thông qua các môn học này.
"Một thực tế hiện nay, khi theo học ngành học đặc thù, phần lớn chúng ta khó có thể chuyển ngành khác nên sự lựa chọn ban đầu ở ngành y là vô cùng quan trọng. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu không phù hợp trong khi học và sau khi học sẽ như thế nào? Đó là một sự lãng phí nguồn lực xã hội, báo động về chất lượng nhân lực cho chính ngành y tế", ông Hiền nói.
Nam giáo viên cũng nhận định rằng hiện nay việc tuyển sinh ở ngành y đã lạc hậu dù có thay đổi, bổ sung tổ hợp nào đi chăng nữa. Ngành y cần một bài thi riêng đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong xã hội hiện nay, đồng thời theo định hướng chương trình Giáo dục phổ thông mới phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
ThS Đinh Đức Hiền cho rằng: "Suy cho cùng, ngành y không chỉ cần người giỏi mà còn cần người phù hợp".