Lý do nhà khoa học nữ vĩ đại nhất mọi thời đại trượt giải Nobel dù đề cử 49 lần

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 07:10, 15/05/2023

Dù phát hiện ra sự phân hạch hạt nhân, dẫn đến sự phát triển của bom nguyên tử, nhưng Lise Meitner vẫn bị trượt giải Nobel vì sự phân biệt giới tính và chủng tộc.

Lise Meitner là nhà vật lý lỗi lạc, đã có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực vật lý hạt nhân, đặc biệt là công trình khám phá ra sự phân hạch hạt nhân.

Thành tích của bà phản ánh nỗ lực phi thường khi Meitner phải đối mặt với nạn phân biệt giới tính và chủng tộc trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Lý do nhà khoa học nữ vĩ đại nhất mọi thời đại trượt giải Nobel dù đề cử 49 lần - 1

Lise Meitner được công nhận là một trong những nhà khoa học nữ vĩ đại nhất mọi thời đại.

"Marie Curie của Đức"

Nhà bác học Albert Einstein từng trìu mến gọi Meitner là "Marie Curie của chúng ta", theo The Washington Post. 

Lise Meitner sinh ra ở thủ đô Vienna, Áo, vào năm 1878. Cha là luật sư, mẹ xuất thân từ gia đình trí thức Do Thái nổi tiếng. Meitner là con thứ ba trong gia đình có tám người con. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã bộc lộ năng khiếu về toán học và khoa học, luôn nhận được lời động viên, khuyến khích từ cha mẹ.

Meitner bắt đầu học chính thức tại một trường nữ sinh ở Vienna. Mặc dù có tài năng xuất chúng và niềm đam mê bất tận với toán và khoa học, bà đã bị từ chối vào Đại học Vienna vì thời đó phụ nữ không được phép đi học. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của gia đình và sự hỗ trợ của một số nhân vật có ảnh hưởng, Meitner cuối cùng thực hiện được ước mơ trên giảng đường đại học với chuyên ngành vật lý và toán học.

Bà lấy bằng tiến sĩ vật lý năm 1905 và trở thành người phụ nữ thứ hai đạt được thành tựu như vậy tại trường đại học.

Sau đó, bà làm trợ lý cho nhà vật lý Max Planck - người sáng lập cơ học lượng tử và là một trong những nhà vật lý nổi bật nhất của thế kỷ 20. Tại đây, Meitner bắt đầu khẳng định vị thế là một nhà nghiên cứu được kính trọng trong lĩnh vực vật lý.

49 lần để cử giải Nobel đều trượt

Meitner phải đối mặt với sự phân biệt đối xử giới tính trầm trọng trong suốt sự nghiệp. Bất chấp những thành tích và tài năng của mình, bà thường được trả lương thấp hơn các đồng nghiệp nam và gặp phải những rào cản trong việc thăng tiến trong sự nghiệp.

Khi Meitner nộp đơn xin làm giáo sư chính thức vào năm 1917, bà đã bị từ chối vì các quan chức của trường đại học tin rằng vật lý không phải là môn học phù hợp với phụ nữ.

Tuy nhiên, Meitner không để những bất công này làm nhụt chí. Bà tiếp tục cần mẫn làm việc và theo đuổi niềm đam mê vật lý, cuối cùng trở thành giáo sư vật lý tại Đại học Berlin vào năm 1926.

Bà cũng thiết lập mối quan hệ cộng tác chặt chẽ với Otto Hahn, một nhà hóa học, người sau này trở thành đối tác của bà trong việc khám phá ra phản ứng phân hạch hạt nhân.

Lý do nhà khoa học nữ vĩ đại nhất mọi thời đại trượt giải Nobel dù đề cử 49 lần - 2

Bà cùng cộng sự Hahn khám phá ra phản ứng phân hạch hạt nhân, nhưng chỉ ông Hahn nhận giải Nobel.

Công trình của Meitner và Hahn trong việc khám phá ra phản ứng phân hạch hạt nhân mang tính đột phá, nhưng bà phải đối mặt với những thách thức đáng kể để được công nhận cho công trình của mình.

Năm 1938, Meitner buộc phải chạy khỏi Đức Quốc xã do nguồn gốc Do Thái của bà. Sau đó, Hahn nhận giải Nobel Vật lý năm 1944 cho việc phát hiện ra sự phân hạch hạt nhân trong khi Meitner không hề được đề cập.

Việc Meitner bị loại khỏi giải Nobel được cho là do giới tính và di sản Do Thái của bà. Vào thời điểm đó, phụ nữ và người Do Thái thường không được công nhận trong các ngành khoa học và việc Meitner bị loại khỏi giải thưởng càng phản ánh sự phân biệt đối xử và thành kiến mà bà phải đối mặt trong xuyên suốt sự nghiệp của mình.

Theo thống kê của Hiệp hội Hạt nhân Mỹ (ANS), Meitner đã được đề cử giải Nobel 49 lần trong 43 năm (1924-1967), trong đó, 30 lần cho Vật lý và 19 lần cho Hóa học. 10 quốc gia đề cử cho bà gồm Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Mỹ. Tuy nhiên, Meitner chưa bao giờ nhận được một giải thưởng Nobel nào cho những công trình của mình.

Bất chấp những rào cản này, Meitner vẫn tiếp tục làm việc và có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực vật lý. Sau khi rời Đức, bà định cư tại Thụy Điển và tiếp tục thực hiện nghiên cứu về vật lý hạt nhân. Bà cũng trở thành người cố vấn cho nhiều nhà vật lý trẻ, bao gồm cả người đoạt giải Nobel tương lai Hans Bethe.

Lý do nhà khoa học nữ vĩ đại nhất mọi thời đại trượt giải Nobel dù đề cử 49 lần - 3

Meitner đã trượt 49 đề cử Nobel bất chấp những đóng góp to lớn của bà cho khoa học.

Công trình của Meitner về phân hạch hạt nhân có ý nghĩa quan trọng đối với cả khoa học và xã hội. Việc phát hiện ra phản ứng phân hạch hạt nhân đã mở đường cho sự phát triển của năng lượng hạt nhân và vũ khí nguyên tử, có tác động sâu sắc đến chính trị và xã hội toàn cầu.

Meitner nhận thức sâu sắc về những nguy cơ tiềm tàng của vũ khí hạt nhân và bà đã mạnh mẽ ủng hộ giải trừ hạt nhân sau này. Di sản của Meitner tiếp tục được tôn vinh cho đến ngày nay. Năm 1997, nguyên tố thứ 109 trong bảng tuần hoàn được đặt tên là Meitnerium để vinh danh bà.

Sự kiên trì và cống hiến của Lise Meitner cho công việc là nguồn cảm hứng to lớn và di sản của bà đã giúp mở đường cho các thế hệ phụ nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học.

(Nguồn: Vietnamnet/The Washington Post)