Để EVN không ngân mãi điệp khúc ‘thiếu điện’
Kinh doanh - Ngày đăng : 23:52, 13/05/2023
Nhưng, nói một cách thẳng thắn, thiếu điện không phải là câu chuyện mang tính thời vụ. Đây là hệ quả của một quá trình dài, tích tụ không phát triển được các nguồn truyền thống, giá phù hợp trong khi đặc thù của ngành điện luôn phải đầu tư “đi trước một bước” so với nền kinh tế nói chung.
Giá điện tăng 3% gần đây kể từ năm 2019 thể hiện sự chần chừ đầy cảm thông của Chính phủ trước cuộc sống khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Quyết định này là nhạy cảm nhưng không thể không đưa ra.
“Hầu hết các địa phương nói không với nhiệt điện”
Thiếu nguồn phát điện là chuyện rất lớn. Năm 2018, Bộ Công thương cho biết, phần lớn các nguồn nhiệt điện chậm tiến độ 1-2 năm, đặc biệt là các nguồn nhiệt điện than ở miền Nam như Long Phú I, Sông Hậu I, Sông Hậu II… Nhiệt điện Long Phú III chưa xác định được tiến độ. Nhiệt điện Ô Môn III, IV và các nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh có nguy cơ trễ tiến độ so với quy hoạch do chưa thể xác định chính xác thời điểm khí từ Lô B và mỏ Cá Voi Xanh cập bờ...
Trong những năm đó, phong trào phản đối điện than đã bắt đầu ở một số địa phương, những dự án có trong quy hoạch không được các tỉnh đồng tình, có tỉnh xin “trả lại” dự án. “Để xin được địa điểm xây dựng nhiệt điện than rất khó, hầu hết các địa phương nói không với nhiệt điện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp của ông tại Bộ Công thương ngày 11/7/2018.
Một dự án điện có số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đô la, thời gian từ đàm phán, xây dựng đến khi đưa vào vận hành tính bằng thập kỷ. Trong khi giá điện thấp, tỷ giá không được bảo lãnh, lại thêm phản ứng xã hội và nhất là thiếu quyết tâm và cam kết đã dẫn đến kết quả là hơn mười năm nay, không có một dự án điện nào được đưa vào vận hành, ngoại trừ Thái Bình 2.
Bên cạnh đó, nguồn thủy điện đã khai thác đến giới hạn, những nơi có thể xây thủy điện đã xây hết, chỉ còn lác đác một nơi có thể xây thủy điện công suất nhỏ không đáng kể mà thôi.
Để đối phó với tình trạng các nguồn năng lượng truyền thống đều chậm, Viện Năng lượng từng có báo cáo, đề xuất tăng nguồn điện mặt trời vào vận hành lên 6.500 MW năm 2020, 10.000 MW năm 2021, 11.600 MW năm 2025 và 18.700 MW vào năm 2030, lớn hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
“Đốt dầu cứu điện”
Trở lại với năm 2019, khi tăng giá điện lần gần nhất, tôi có một bài báo “Đốt dầu cứu điện”, trong đó cảnh báo vì thiếu các nguồn điện, nên phải “đốt” tới 14.000 tỷ đồng do sử dụng dầu phát điện. Con số đó được tính toán trên cơ sở giá dầu lúc đó là 3.500 đồng/kWh và giá chênh lệch giữa giá mua điện chạy dầu và giá bán lẻ điện bình quân là 1.846 đồng/kWh.
Nhưng tình thế thay đổi rất nhanh kể từ 2020, khi dịch Covid bùng nổ, và đặc biệt, từ tháng 3/2022 đến nay, khi giá nhiên liệu, giá than trên thế giới biến động rất mạnh, nhiều quốc gia đổ xô mua than.
Giá than nhập khẩu tăng cao dẫn đến hệ quả, các dự án nhiệt điện dùng than nhập khẩu có giá thành lên tới xấp xỉ 4.000 đồng/kWh, cao hơn gấp đôi so với giá bán điện lẻ bình quân. Gần đây, tôi đến thăm một tổ hợp điện ở phía Nam và chứng kiến, 2/3 nhà máy đã phải dừng hoạt động vì thua lỗ do giá thành sản xuất quá cao.
Trong khi đó, giá điện mặt trời chỉ bằng khoảng 70% điện than và bằng khoảng 40% điện khí. Việc tăng cơ cấu nguồn điện tái tạo trong hệ thống điện quốc gia đã góp phần quan trọng giảm chi phí mua điện của EVN, theo Bộ Công thương.
Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA) và Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) chỉ ra rằng, việc phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã tiết kiệm được 1,7 tỷ USD (tương đương 40.000 tỷ đồng) do không phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch thay thế.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây cho biết cụ thể: trong các năm 2019, 2020 và 2021 sản lượng điện phát từ nguồn điện gió, mặt trời đạt tương ứng là 5,242 tỷ kWh, 10,994 tỷ kWh và 29 tỷ kWh. Nhờ lượng điện này, EVN đã giảm việc đốt dầu chạy điện với giá cao gấp đôi, “tiết kiệm khoảng 10.850-21.000 tỷ đồng” cho việc sử dụng dầu để phát điện.
Để có bước chuyển đổi theo Cop26
Mấy ngày nay, EVN liên tục cảnh báo cuối mùa khô (tháng 5, tháng 6) là thời điểm thủy điện phát thấp, miền Bắc thiếu nguồn. Nguồn điện mặt trời, điện gió được huy động truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500kV Bắc – Nam. Nếu không có nguồn bổ sung này sẽ dẫn đến mất cân bằng nguồn tải khu vực phía Bắc, phải sa thải phụ tải, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Để tránh tình trạng này, trước hết cần có cơ chế sớm để huy động được điện từ những dự án năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành vì không thể để phí nguồn lực như vậy trong khi vẫn phải nhập khẩu điện.
Tăng giá điện nhưng cần công khai, minh bạchTập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị tăng giá điện đang trở thành chủ đề quan tâm rất lớn trong cộng đồng. Liệu việc tăng giá điện có công khai và minh bạch hay không?
Tại Hội nghị COP26 giữa năm 2022, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Như vậy, phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió tạo tiền đề quan trọng để ngành năng lượng chuyển đổi theo các cam kết tại COP26, cho dù, không ít các tổ chức, đối tác đánh giá là “rất tham vọng”.
Quy hoạch Điện VIII sẽ được ký ban hành trong thời gian sớm nhất sau khi đã chậm mấy năm nay. Thiếu bản Quy hoạch này, nhiều dự án đã và đang đầu tư đi vào bế tắc; nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã không thể kéo dài hy vọng và kiên nhẫn; nhiều cấp quản lý không biết hướng phát triển điện như thế nào; nhiều nhà đầu tư chần chừ, do dự; …
Cứ đến mùa khô là EVN lại ngân điệp khúc thiếu điện. Ngành điện rất đặc thù, sản xuất và tiêu thụ cùng lúc; lại liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của toàn bộ người dân và sản xuất, kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp.
Cần xem lại hàng loạt các cải cách thị trường, các cơ chế đã từng được đưa ra khi bắt đầu thực hiện lộ trình tiến đến thị trường điện cạnh tranh. Cơ chế điều hành giá điện bán lẻ hiện nay cũng cần cải thiện theo hướng thị trường hơn.
Điều quan trọng nhất, nếu ngành điện muốn “đi trước một bước”, là phải tạo được lòng tin với các nhà đầu tư tư nhân vì các dự án lên đến hàng tỷ đô la, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều quốc gia. Thuyết phục họ vào đầu tư trong ngành điện phải trên cơ sở xây dựng niềm tin và đảm bảo lợi nhuận.
Lúc đó, điệp khúc “thiếu điện” của EVN mới được chấm dứt, điện mới được cấp ổn định và đảm bảo cho nền kinh tế.
Tư Giang