Điểm tin kinh doanh 6/5: Giá vàng thế giới giữ đà tăng, trong nước giảm
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 06/05/2023
- Giá vàng thế giới giữ đà tăng, trong nước giảm
Giá vàng trong nước khá “thờ ơ” với các diễn biến của giá vàng thế giới, giữ ổn định trên ngưỡng 67 triệu đồng/lượng, với chênh lệch so với giá vàng quốc tế quy đổi tiếp tục rút ngắn...
Giá vàng thế giới duy trì xu hướng tăng trong bối cảnh mối lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng trần nợ ở Mỹ thúc đẩy nhà đầu tư tăng cường nắm giữ các tài sản an toàn. Ngoài ra, sự đặt cược của thị trường vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dừng tăng lãi suất cũng là một nhân tố thúc đẩy đà tăng của giá kim loại quý.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước khá “thờ ơ” với các diễn biến của giá vàng thế giới, giữ ổn định trên ngưỡng 67 triệu đồng/lượng, với chênh lệch so với giá vàng quốc tế quy đổi tiếp tục rút ngắn.
Lúc hơn 11h trưa 5/5, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này giảm 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 56,35 triệu đồng/lượng và 57,35 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường TP.HCM, công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,2 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 2.052 USD/oz, tăng 0,7 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Năm tại thị trường Mỹ - theo dữ liệu từ Kitco. Mức giá này tương đương 58,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ 8,8 triệu đồng/lượng, từ chỗ thấp hơn 9 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Bằng thời điểm này năm ngoái, giá vàng miếng SJC có lúc cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi khoảng 20 triệu đồng/lượng.
Trong phiên đêm trước đó tại New York, giá vàng giao ngay tăng 10,7 USD/oz, tương đương tăng 0,52%, chốt ở 2.051,3 USD/oz. Giá vàng giao sau tăng 0,9%, chốt ở 2.055,7 USD/oz.
Trong phiên châu Á ngày hôm 4/5, giá vàng giao ngay có lúc đạt 2.075 USD/oz, phá vỡ kỷ lục cũ là mức hơn 2.072 USD/oz thiết lập vào năm 2020.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.280 đồng (mua vào) và 23.620 đồng (bán ra), giảm 25 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
- Sau khi tăng giá điện, EVN có đề xuất mới với Bộ Công Thương
Do giá nhiên liệu biến động bất thường nên Tập đoàn Điện lực đã đề xuất Bộ Công Thương được chủ động tính toán, cập nhật kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện các tháng còn lại của năm 2023 trên cơ sở diễn biến thực tế của giá nhiên liệu.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương cập nhật kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2023.
Tại văn bản này, EVN cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, EVN đã đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước. Trong đó, tổng sản lượng điện thương phẩm 3 tháng đầu năm đạt 54,917 tỷ kWh, tăng trưởng 0,26% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, theo EVN, từ nay đến cuối năm, do diễn biến giá nhiên liệu nhập khẩu và tình hình cung cấp nhiên liệu (than, khí) trong nước có nhiều thay đổi nên sẽ tạo ảnh hưởng lớn đến thứ tự huy động, cơ cấu sản lượng các nguồn điện cũng như cam kết sản lượng hợp đồng của các nhà máy điện.
Vì vậy những lý do trên, EVN kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực xem xét, giao EVN chủ động tính toán, cân đối lại cơ cấu nguồn điện các tháng còn lại của năm 2023 trên cơ sở tuân thủ đúng các thông số đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, cập nhật diễn biến giá nhiên liệu biến động trong giai đoạn vừa qua, làm cơ sở tính toán và phân bổ lại sản lượng hợp đồng các nhà máy điện.
- Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất
Trên thị trường trong nước, khảo sát biểu lãi suất niêm yết của các ngân hàng cho thấy, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động. Hiện mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, được áp dụng tại ABBank và OCB. Tiếp đến là Viet A Bank (8,7%), Bắc Á Bank (8,6%), VietBank (8,6%), HDBank (8,6%). Nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống còn trên dưới 8% như SHB (7,9%), Techcombank (7,8%), ACB (7,75%), Sacombank (7,6%), MB (7,3%).
Lãi suất tiết kiệm trực tuyến tại NamA Bank thay đổi kể từ ngày 4/5, theo hướng điều chỉnh giảm. Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1% xuống 8,5%/năm. Kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% xuống còn 8,5%/năm và đây cũng là mức lãi suất được áp dụng với các kỳ hạn 13-14 tháng. Với các kỳ hạn từ 15 tháng trở đi, NamA Bank giảm 0,2% lãi suất, đồng loạt tại mức 8,4%/năm.
SaigonBank cũng giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 7,9% xuống còn 7,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-8 tháng, giảm từ 8% về mức 7,7%/năm với các kỳ hạn từ 9-11 tháng; giảm còn 8%/năm sau thời gian dài niêm yết tại 8,3% với kỳ hạn 12 tháng; giảm đồng loạt 0,3% về mức 7,6%/năm với các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Hiện, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước Big 4 có mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường ở mức 7,2%/năm khi gửi tại quầy. Với hình thức gửi tiền online, lãi suất huy động 12 tháng cao hơn khoảng 0,2 - 0,3 điểm % so với gửi tại quầy.
Ở kỳ hạn 6 tháng, Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank cũng có mức lãi suất thấp nhất thị trường, niêm yết đồng loạt 5,8%. Ngoài ra, TP Bank có mức lãi suất thấp là 6,1%, MB Bank 6,5%, SeaBank 6,8%, Đông Á Bank 6,9%...
Không chỉ giảm lãi suất huy động, các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay. Chiều ngày 4/5, ngân hàng Vietcombank tiếp tục công bố giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm, áp dụng đến hết tháng 7 năm nay.
Ngoài Vietcombank, trước đó, Agribank cũng công bố giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay bằng VND và 1%/năm cho khoản vay bằng USD, áp dụng từ 15/3 đến hết tháng 6.
Tương tự, MBBank cũng tuyên bố giảm 1%/năm lãi suất khi khách hàng vay vốn trên nền tảng số BIZ MBBank. Ngoài ra, một loạt ngân hàng như VietinBank, HDBank, BIDV, Agribank, ACB, Techcombank, VPBank... đều đang có các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.
- Doanh thu xuất khẩu thủy sản 4 tháng mới đạt 2,64 tỷ USD
Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, giá xuất khẩu cũng giảm theo, gánh nặng chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp thủy sản càng áp lực khi doanh thu xuất khẩu mới đạt 2,64 tỷ USD, giảm 31%.
Thông tin về tình hình xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, doanh nghiệp thủy sản bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước nặng ghánh chi phí do thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác tăng cao.
Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,64 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022, giảm ở phần lớn các mặt hàng và thị trường chủ lực.
Thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm, người dân Mỹ cắt giảm chi tiêu khiến thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm 51% trong tháng 4, Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường lớn, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm 57% so với cùng kỳ.
Thị trường Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Nhu cầu tiêu thụ của thị trường cũng hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Thành thử, 4 tháng, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 37%, đạt 435 triệu USD.
- Năm 2022 chi tiêu của 20% dân số giàu nhất Việt Nam giảm mạnh
Theo GSO, năm 2022, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu vì tình hình kinh tế – xã hội cả nước vẫn chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, điều này nhìn thấy rõ rệt nhất ở việc giảm sút chi tiêu đời sống của 20% dân số giàu nhất.
Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 mới được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố ngày 4/5 cho thấy, chi tiêu bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 2,8 triệu đồng, giảm 3,3 điểm % so với 2020. Có thể thấy dưới tác động của dịch Covid-19 các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các hộ sống ở khu vực thành thị.
Chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm % so với năm 2020), ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7 điểm % so với năm 2020). Theo GSO, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp chủ yếu do giảm chi tiêu của người dân sống ở thành thị.
Khảo sát mức sống dân cư 2022 cũng cho thấy, chi tiêu cho đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2022 chi cho đời sống bình quân một người/tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 95,5% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,3 triệu đồng và khoản ngoài ăn uống là 1,4 triệu đồng.
Năm 2022, sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất là 3,2 lần. Chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm giàu nhất là gần 4,1 triệu đồng so với gần 1,3 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm nghèo nhất.
“Điểm nổi bật là chênh lệch giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2022 có phần được cải thiện so với năm 2020 (chênh lệch 5,7 lần) chủ yếu là do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (5,7 triệu năm 2020 giảm còn 4,1 triệu năm 2022)”, GSO lý giải.