Điểm tin kinh doanh 25/4: Giá vàng trong nước tăng, quốc tế giữ nhịp ổn định

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 25/04/2023

Doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn; Chính thức cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp

- Giá vàng trong nước tăng, quốc tế giữ nhịp ổn định

Đầu tuần mới, giá vàng miếng SJC 9999 trong nước tăng chiều mua vào, trong khi diễn biến giá quốc tế vẫn giữ nhịp ổn định, khi các nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi các diễn biến vĩ mô trong những ngày tới.

Giá vàng miếng SJC 9999 loại 1 lượng trở lên sáng ngày 24/4 tăng khoảng 100 đồng ở chiều mua vào, nhưng vẫn giữ nguyên giá bán ra, niêm yết ở mức 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,05 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng miếng SJC 9999 loại 5 chỉ có giá bán ra là 67,07 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC 9999 loại 2 chỉ trở xuống bán ra 67,08 triệu đồng/lượng.

Với các loại vàng khác, giá vàng nhẫn SJC 9999 loại một chỉ trở lên có giá 55,7 triệu đồng/lượng mua vào và 56,7 triệu đồng/lượng bán ra, vàng nhẫn SJC 9999 loại 0,5 chỉ có giá bán là 56,8 triệu đồng/lượng. Vàng nữ trang SJC 9999 có giá 55, 5 triệu đồng/lượng mua vào và 56,3 triệu đồng/lượng bán ra, vàng nữ trang SJC 99 có giá 54,443 triệu đồng/lượng mua vào và 55,743 triệu đồng/lượng bán ra.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới rạng sáng ngày 24/4 theo giờ Việt Nam ổn định với vàng giao ngay chỉ giảm 1 USD so với mức chốt phiên giao dịch cuối tuần trước xuống còn 1.982,9 USD/ ounce. Đà giảm giá vàng theo đó đã chững lại vào đầu tuần này, nhưng việc giá đã rơi xuống dưới mức 2.000 USD/ounce trong một số phiên giao dịch cuối của tuần trước đã khiến tâm lý lạc quan giảm mạnh trong ngắn hạn.

Hiện nay, thời điểm FED sẽ họp cho đợt tăng lãi suất kế tiếp cũng cần kề vào đầu tháng 5 tới và nhiều dự đoán được đưa ra cho rằng ​​FED sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Trước đó, một số chuyên gia quốc tế cũng đưa ra bình luận cho rằng động thái tăng lãi suất của FED có thể giúp đồng USD tăng giá và đây sẽ là yếu tố bất lợi đối với giá.

- Vingroup lãi quý I/2023 hơn 4.200 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ

Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm 2023.

Theo đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính trong quý I năm 2023 của tập đoàn đạt 50.271 tỷ đồng, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I năm 2023 của Vingroup đạt 4.264 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2022. Tại ngày 31/03/2023, tổng tài sản Vingroup đạt 596.877 tỷ đồng, tăng 3,4% so với 31/12/2022.

Trong hoạt động huy động vốn, Vingroup và VinFast đã tăng quy mô huy động từ 300 triệu USD lên 500 triệu USD, đánh dấu cột mốc mới trong hoạt động huy động vốn nước ngoài của tập đoàn.

Ở lĩnh vực Bất động sản bán lẻ, trong quý I/2023, Vincom Retail ghi nhận tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, với tổng doanh thu hợp nhất tăng trưởng 42% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 171%. Lượt khách đến trung tâm thương mại trong quý I tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022, hồi phục 98% so với thời điểm trước dịch.

Đối với lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, tổng số đêm phòng bán quý I năm 2023 đạt gần 296 nghìn phòng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn

Đây là một trong những thông tin được ghi nhận tại buổi Họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Xây dựng diễn ra chiều 24/4.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản cho biết, trong quý I/2023, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý I là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2 %) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Cùng đó, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn hiện nay như: khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Chính thức cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp

Kể từ ngày 24/4 đến 31/12/2023, các ngân hàng được phép mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp đã bán mà không phải chờ tới 12 tháng...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 24 tháng 4 năm 2023.

Theo quy định áp dụng từ 2021, ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết sau 12 tháng từ khi trái phiếu này được bán và chỉ được mua lại chính loại tổ chức tín dụng đã bán trước đó.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thì cần thiết phải có các giải pháp, quy định kịp thời từ nhiều phía để hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các thị trường này, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, để phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó có mục tiêu tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường; trước mắt ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 để gia tăng thanh khoản, góp phần hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong thời gian kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023, tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi đáp ứng một số điều kiện tại Thông tư số 03/2023/TT-NHNN.

- Bình Dương: Nhiều dự án FDI lớn được triển khai trong năm 2023

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, quý I/2023, địa phương này đã thu hút trên 437 triệu USD vốn FDI. Trong đó, nhiều dự án có tổng vốn đầu tư lớn sẽ được triển khai trong năm 2023.

Đứng đầu danh sách những dự án có vốn FDI lớn triển khai trong năm 2023 thuộc về Tập đoàn LEGO, hiện đang xây dựng nhà máy hơn 1,3 tỷ USD tại KCN VSIP III. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án triển khai đưa vào hoạt động đúng tiến độ.

Theo kế hoạch, LEGO sẽ tuyển dụng khối văn phòng và chuẩn bị cho quá trình điều hành nhà máy trong quý III và quý IV/2023 và việc tuyển dụng công nhân sẽ bắt đầu từ năm 2024.

Bình Dương tiếp tục là điểm sáng của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, đứng thứ hai cả nước sau TP.Hồ Chí Minh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 4.100 dự án với tổng vốn đăng ký gần 40 tỷ USD.

Tháng 3 vừa qua, Tập đoàn CapitaLand Development (Singapore) đã ký kết hợp tác với Tổng Công ty Becamex IDC về dự án phát triển thành phố thông minh Bình Dương với vốn đầu tư hơn 500 triệu USD tại Thành phố mới Bình Dương.

Cũng trong tháng 3 vừa qua, Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) và Tập đoàn Gia Định đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận về việc hợp tác thực hiện cụm công nghiệp “Net Zero” tại Cụm công nghiệp Tam Lập 2, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Đây là khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon đầu tiên của Việt Nam, có diện tích 180 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD.

Ngoài ra, quý I/2023, Bình Dương cũng ghi nhận vốn đăng ký kỷ lục ở lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư hơn 468 triệu USD.

Việt Báo (Tổng hợp)