Chiêu 'vòi tiền' doanh nghiệp của cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự
Xã hội - Ngày đăng : 16:19, 05/04/2023
Thực hiện nhiệm vụ tham mưu lãnh đạo Chính phủ cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", Bộ Ngoại giao giao Phòng Bảo hộ công dân thuộc Cục Lãnh sự làm đầu mối tiếp nhận báo cáo của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và nhận hồ sơ xin tổ chức chuyến bay của cơ quan, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo điều tra, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và nhiều bị cáo khác đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và chi phí phát sinh để đưa hối lộ.
Đưa tiền mới được xét duyệt chuyến bay
Theo phân công, bà Nguyễn Thị Hương Lan và thuộc cấp tập hợp, dự thảo kế hoạch tổ chức các chuyến bay. Sau đó, bà Lan duyệt để trình nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng ký văn bản gửi Tổ công tác 5 Bộ xin ý kiến trước khi trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.
Từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, Cục Lãnh sự đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước (gồm 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến combo).
Quá trình thực hiện nhiệm vụ trên, bà Lan và thuộc cấp bị cáo buộc "không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ".
Theo CQĐT, thực tế bà Lan chủ yếu chọn các doanh nghiệp được cấp trên chỉ định, do người thân nhờ hoặc doanh nghiệp đã chi tiền trước (hay hứa sẽ chi tiền) để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay. Bị can còn hướng dẫn doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác để được cấp nhiều chuyến bay.
Từ trái qua là các bị can Lan, Tùng, Tuấn Anh và Dũng. Ảnh: Bộ Công an. |
Với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, các bị can gây khó dễ bằng cách không đưa vào danh sách (dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép), thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay... Mục đích là ép doanh nghiệp phải đưa tiền mới đề xuất cấp phép.
Kết luận cho thấy bà Lan không cần thiết phải trực tiếp gặp đại diện doanh nghiệp, mà việc này do lãnh đạo các phòng, ban dưới quyền thực hiện. Tuy nhiên, cựu cục trưởng vẫn can thiệp sâu vào các vấn đề liên quan đến chuyến bay combo. Biết vai trò của bà Lan, từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, 8 đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đưa tiền cho Lan để được cấp phép chuyến bay.
Lần đầu tiên bà Lan nhận tiền là khi gặp bị can Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty An Bình, khoảng tháng 5, 6/2020. Đồng ý giúp doanh nghiệp này được phê duyệt 66 chuyến bay combo, bà Lan có 11 lần nhận tổng số tiền 13,2 tỷ đồng từ Mơ. Trong đó, 8 lần bà này nhận tiền ở trụ sở Cục Lãnh sự, 2 lần nhận gần cổng Bộ Ngoại giao và một lần nhận tại nhà của bà Lan ở quận Ba Đình. Lần nhận nhiều tiền nhất là 3 tỷ.
Từ cuối năm 2020 đến tháng 11/2021, nguyên Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan có 21 lần khác nhận hối lộ tổng số tiền trên 11,5 tỷ đồng từ đại diện của 7 doanh nghiệp. Địa điểm giao dịch hầu hết là tại nơi ở hoặc nơi làm việc của bà Lan.
Ngoài ra, bị can Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) còn khai từng 2 lần đưa cho bà Lan tổng số tiền 50 triệu đồng và 10.000 USD giữa năm 2021. Do không có căn cứ chứng minh nên CQĐT không kết luận về hành vi nhận hối lộ lần này....
Theo cáo buộc, bị can Nguyễn Thị Hương Lan đã có hành vi nhận hối lộ 20,2 tỷ đồng và 210.000 USD (tổng cộng trên 25 tỷ đồng).
Không ăn năn, hối cải
Bà Nguyễn Thị Hương Lan bị đề nghị truy tố do lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ của Cục Lãnh sự, tham mưu Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ giao cho Cục Lãnh sự chủ trì phối hợp với các Bộ GTVT, Y tế, Quốc phòng và Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an xét duyệt, cấp phép thực hiện chuyến bay cho doanh nghiệp.
Bị can cũng không yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đúng chức năng bảo hộ công dân bằng cách hướng dẫn công dân liên hệ với doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay, mà để tự người dân liên hệ với đại lý của doanh nghiệp dẫn đến chi phí tăng cao.
Trong vụ án này, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ. |
Khi thực thi công vụ, bị can Nguyễn Thị Hương Lan còn hướng dẫn doanh nghiệp “thân cận” mượn nhiều pháp nhân khác để xin chuyến bay, chỉ đạo cấp dưới chọn doanh nghiệp “thân cận” đưa vào kế hoạch bay. Còn với doanh nghiệp khác, bị can chỉ đạo sát ngày bay mới thông báo lịch, thay đổi kế hoạch bay, số lượng công dân trên chuyến bay. Điều này khiến doanh nghiệp bị động, buộc tách chuyến, “chạy” xin thêm công dân để đủ số ghế trên tàu bay.
Bà Lan bị cáo buộc nhận hối lộ tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng, không nhận thức được hành vi, không ăn năn, hối cải và không hợp tác với cơ quan điều tra. Nhà chức trách đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bị can khi truy tố, xét xử.
Đối với các thuộc cấp của bà Lan gồm Phó cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng, Chánh văn phòng Lê Tuấn Anh và Phó phòng Lưu Tuấn Dũng, họ thực hiện theo định hướng của bà Lan, gây nhũng nhiễu cho các doanh nghiệp, nhận hối lộ tổng số tiền trên 14 tỷ đồng. Ba bị can này được đánh giá thành khẩn khai báo, nộp lại một phần tiền hưởng lợi bất chính nên được đề nghị cho hưởng tình tiết giảm nhẹ.