Bài 1: Cô đồng 'đúng nhận, sai cãi' nhận tiền làm lễ để...chữa ung thư?
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:15, 14/02/2023
Đơn trình báo về "Cô đồng" Trương Thị Hương:
Bài 1: Cô đồng "đúng nhận, sai cãi" nhận tiền làm lễ để...chữa ung thư?
Bệnh nhân đã bị bệnh viện trả về, sống đau đớn kêu khóc suốt ngày đêm nhưng cô đồng "đúng nhận, sai cãi" nói, nếu người nhà chịu đưa tiền cho cô làm lễ, cô sẽ cho sống thêm vài năm nữa?
Đưa gần 70 triệu đồng cho "cô đồng"?
Trưa 12/2, phóng viên Dân trí có mặt tại nhà bà Nguyễn Thị Lăng (68 tuổi, phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), để nghe câu chuyện đẫm nước mắt của một người mẹ có con bị ung thư hạch giai đoạn cuối.
Bà Lăng kể, khoảng tháng 9/2021 âm lịch, con trai bà là Đinh Văn Hoàng (sinh năm 1983) lúc đó đang bị ung thư giai đoạn cuối. Thời điểm này, tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng, việc đi viện khó khăn, dù gia đình đã cố hết sức chạy chữa nhưng bệnh tình của anh Hoàng vẫn không thuyên giảm. Hạch ở cổ mỗi lúc một sưng to.
Khi con liên tục kêu đau, rồi nói "mẹ ơi, mẹ cứu con với", bà Lăng chỉ biết khóc vì bệnh tình của anh Hoàng nặng đến mức bệnh viện đã trả về, bà không biết phải làm sao để cứu con. Cùng đường bí lối, người mẹ đành đến gõ cửa nhà "cô đồng" Trương Thị Hương, chỉ cách nhà mình chưa đến 1 km, nổi tiếng gần đây với câu nói "đúng nhận, sai cãi" xem bói.
Sau khi được "cô đồng" Hương hứa sẽ kéo dài tuổi thọ cho con bà thêm được 3 năm với điều kiện bà phải "lo đi", tức là đóng 65 triệu đồng cho cô để làm lễ, bà Lăng về nhà vét những đồng tiền cuối cùng trong gia đình, vay mượn thêm để...nhờ "cô đồng" này cứu con. Nhưng, vừa đưa đủ 65 triệu đồng, "cô đồng" Hương lại dặn bà "nếu ai hỏi hết bao nhiêu tiền thì bà bảo chỉ hết 5 triệu đồng thôi nhé". Nghe vậy, bà Lăng chột dạ, nghĩ mình đã bị lừa".
Bà Lăng cho biết, chỉ mới làm lễ được 3 ngày thì con bà đã qua đời, không hề đúng như "cô đồng" Hương hứa. Sau khi mất tiền, mất con, đến nay, dù đã hơn 1 năm nhưng bà Lăng vẫn ốm bệnh triền miên vì đau buồn.
Bà cho biết, ở quê bà chỉ trồng hành, trồng tỏi, để có được số tiền đã đưa cho "cô đồng" rất khó khăn, bà làm cả đời cũng không được số tiền đó. Đến giờ, bà vẫn chưa trả hết nợ khi vay tiền để làm lễ cho con. Hiện, một mình vợ anh Hoàng là chị Thảo phải nuôi 3 đứa con, cộng với bố mẹ chồng tuổi cao, nhiều bệnh.
Còn ông Phạm Bá Hưu (50 tuổi) con rể của bà Lăng cho biết, "cô đồng" Trương Hương đã lợi dụng sự nhẹ dạ của mẹ mình để lấy số tiền gần 70 triệu đồng của gia đình. Nếu ông Hưu và các anh em trong nhà biết bà Lăng đưa tiền cho cô đồng Hương làm lễ thì cả nhà sẽ không đồng ý. Ông Hưu và gia đình có nguyện vọng được cơ quan chức năng giúp đỡ để lấy lại số tiền đã đưa cho "cô đồng" Trương Thị Hương để bà Lăng có tiền trả nợ và bù đắp phần nào cho các cháu nội của bà sớm mồ côi cha.
Lý lịch cô đồng Trương Hương và trách nhiệm của chính quyền
Ngoài bà Lăng, phóng viên Dân trí còn nhận được tin báo của nhiều người khác cho rằng mình đã bị cô đồng thao túng tâm lý để lấy tiền của họ. Để khách quan, ngày 9/2, chúng tôi đến tận nhà "cô đồng" tại ngõ 148 khu dân cư Nam Hà, phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương để xác minh. Tuy nhiên, nhà đóng cổng và người nhà cho biết "mấy ngày nay cô bận". Hiện tại, cả số điện thoại của "cô đồng" Trương Hương và quản lý của "cô đồng" này là ông Khang Tuấn Hợp đều tắt máy.
Trước đó, trên mạng tiktok chia sẻ nhiều video cô đồng này vừa xem bói vừa phát trực tiếp, thu hút nhiều người quan tâm. Hình ảnh trong các video cho thấy, trong ngày mùng 6 tết vừa qua, người đến xem bói nhà cô đồng đông đến mức không còn chỗ ngồi.
Ngày 9/2, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Văn Dung, Chủ tịch phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương xác nhận, "cô đồng" Trương Thị Hương hiện đang sống tại địa phương. Khi phóng viên đặt câu hỏi, vì sao suốt mấy năm nay "cô đồng" này hoạt động xem bói thu hút sự quan tâm của nhiều người mà địa phương không xử lý, ông Dung cho biết, chính quyền cũng đến nhắc nhở vài lần khi nhận được phản ánh của người dân nhưng không lập biên bản.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, vì sao nhiều người cho biết, "cô đồng" Hương thường xuyên tổ chức các đàn lễ hầu đồng tại nhà và tại chùa thuộc phường Hiến Thành mà địa phương không can thiệp, ông Dung cho biết không nhận được phản ánh nên không biết.
Nói về lý lịch của "cô đồng" Hương, Chủ tịch phường Hiến Thành cho biết, cô này trước lấy chồng ở Thái Bình, sau đó vợ chồng bỏ nhau. Hương lại lấy chồng ở Hưng Yên, nghe nói đang bỏ nhau tiếp, địa phương không rõ lắm vì "giờ ly hôn không cần báo địa phương, đến thẳng tòa". Về hoạt động xem bói hầu đồng của cô này, ông Dung cho biết cô này cứ đi đi về về chứ không hoạt động cố định tại địa phương. Hiện nay, "cô đồng" Hương đã không còn xem bói nữa, nếu phát hiện vi phạm, địa phương sẽ tiếp tục xử lý?!
Nhà nước mạnh tay với mê tín dị đoan
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, Luật sư Đăng Ngọc Duệ, Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn THD cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, đồng thời cũng nghiêm cấm hành vi mê tín, dị đoan. Pháp luật có quy định rõ ràng về việc xử lý hành vi mê tín, dị đoan, đó là:
Thứ nhất, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính: Nghị định 15/2020/NĐ-CP Hành vi "Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc." Hành vi này có thể bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng (Điểm b, Khoản 2, Điều 99);
Hành vi "Chủ động cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc" có thể bị xử phạt từ 50 - 70 triệu đồng (Điểm b, Khoản 3, Điều 100).
Hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc" có thể bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng (Điểm b, Khoản 1, Điều 101)
Hành vi " Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc." có thể bị xử phạt từ 30 - 50 triệu đồng (Điểm b, Khoản 4, Điều 102)
Nghị định 38/2021/NĐ-CP Hành vi "Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội" có thể bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng (Điểm b, Khoản 4, Điều 14) Hành vi " Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan." có thể bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng (Điểm đ, Khoản 7, Điều 14).
Thứ hai, biện pháp xử lý hình sự:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định tội "Hành nghề mê tín, dị đoan" tại Điều 320 với khung hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù (mức xử phạt từ trên 7 năm đến dưới 15 năm được xếp vào loại tội phạm rất nghiêm trọng) nếu thuộc một trong các trường hợp:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, Bộ luật hình sự còn quy định một số tình tiết tăng nặng như: Phạm tội có tổ chức (là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, công việc của từng người). Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (phạm một tội từ 5 lần trở lên và lấy việc phạm tội là việc chính, nguồn thu từ việc phạm tội là nguồn sống).
Nhiều người đưa tiền cho "cô đồng" Hương làm lễ
Báo Dân trí đang nhận được đơn thư trình báo của nhiều người cho rằng mình bị "cô đồng" Trương Thị Hương thao túng tâm lý khiến họ phải đưa hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho cô này để làm lễ giải hạn. Nếu bạn đọc muốn phản ánh các thông tin về cô đồng này tới báo Dân trí, vui lòng gửi vào Email: info@dantri.com.vn
(còn nữa)
Nội dung: Cát Sinh
Video, hình ảnh: Cát Sinh
Ngày 14/02/2023
14/02/2023