Điểm tin công nghệ 31/12: Apple tiếp tục duy trì dòng iPhone ế ẩm

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 31/12/2022

Apple tiếp tục duy trì dòng iPhone ế ẩm; Mỹ cấm TikTok: Nấc thang mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

- Apple tiếp tục duy trì dòng iPhone ế ẩm

Bất chấp thực trạng iPhone 14 Plus có sức mua kém, Apple vẫn lên kế hoạch sản xuất phiên bản kế nhiệm của dòng sản phẩm này.

Theo thông tin từ The Apple Post, gã khổng lồ xứ Cupertino tiếp tục điền tên iPhone 15 Plus vào kế hoạch sản xuất sắp tới, cho dù người dùng không mấy mặn mà với iPhone 14 Plus. Như vậy, sang năm 2023, dòng smartphone chủ chốt của Apple vẫn bao gồm 4 model: iPhone 15, iPhone 15 Plus, iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max.

Trước khi có mặt trên thị trường, iPhone 14 Plus màn hình 6,7 inch được kỳ vọng là sản phẩm bán chạy nhất trong dòng iPhone 14. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Người dùng thờ ơ với phiên bản này, trong khi iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, buộc Apple phải thay đổi kế hoạch sản xuất.

Tương tự việc tung ra iPhone 13 mini trong bối cảnh iPhone 12 mini có doanh số thấp, dường như Apple sẽ cố gắng "thử thêm lần nữa" với iPhone 15 Plus.

Ra mắt cùng với dòng iPhone 14 vào tháng 9/2022, iPhone 14 Plus mang đầy đủ tính năng của phiên bản tiêu chuẩn như camera kép, chip A15 Bionic, Face ID, kết nối 5G và có 5 màu. Điểm khác biệt của thiết bị này là màn hình 6,7 inch và viên pin lớn hơn.

Theo Digital Trends, nguyên nhân lớn nhất khiến thiết bị này không được người dùng yêu thích là giá bán bất hợp lý của Apple, khởi điểm từ 899 USD. Nếu bỏ thêm 200 USD, người dùng đã có thể mua iPhone 14 Pro Max cao cấp nhất. Còn nếu ít tiền hơn, iPhone 13 Pro Max lại trở thành lựa chọn sáng giá hơn so với 14 Plus.

Không chỉ bị cạnh tranh bởi những sản phẩm cùng nhà, iPhone 14 Plus còn phải đối đầu với những đối thủ nặng ký như Pixel 7 Pro giá rẻ hơn nhưng camera và màn hình tốt hơn.

Số liệu từ Bloomberg đã chỉ ra Táo khuyết đã phải cắt giảm sản lượng dòng iPhone màn hình lớn này để tập trung sản xuất Pro/Pro Max. Điều này khiến iPhone 14 Pro trở thành một trong những chiếc smartphone thất bại nhất trong lịch sử Apple.

- Mỹ cấm TikTok: Nấc thang mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

Quyết định cấm cửa ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ Mỹ đang gây ra một làn sóng tranh cãi mới về lý do cũng như mục đích chính của các lệnh cấm này.

Sau khi hàng loạt chính quyền các bang tại Mỹ thông báo cấm TikTok trên các thiết bị của chính quyền bang, Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua dự luật cấm sử dụng TikTok trên tất cả các thiết bị của chính phủ liên bang.

Quyết định cấm TikTok - một ứng dụng truyền thông được khoảng 1/3 dân số Mỹ sử dụng, nhưng thuộc về Tập đoàn ByteDante của Trung Quốc, sau hơn 2 năm đàm phán không thành công dường như là một nấc thang mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung.

Quyết định cấm cửa ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ Mỹ mặc dù không quá bất ngờ, nhưng lại đang gây ra một làn sóng tranh cãi mới về lý do cũng như mục đích chính của các lệnh cấm này. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ứng dụng này có khả năng truy cập các chi tiết như vị trí, danh bạ và lịch. Mặc dù một số dữ liệu mà TikTok thu thập cũng tương tự như một số nền tảng khác ví dụ như Google, Facebook…nhưng điểm khác biệt là TikTok thuộc sở hữu của một Tập đoàn Trung Quốc, quốc gia vốn đang bị Mỹ coi là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu.

Sau khi Tổng thống Biden thu hồi sắc lệnh hành pháp của người tiền nhiệm Donald Trump cấm TikTok tại Mỹ, hai bên bắt đầu đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận giải quyết các lo ngại về mặt an ninh của giới chức Mỹ. Về phía TikTok, tập đoàn này liên tục khẳng định với giới chức Mỹ rằng sẽ đảm bảo tính bảo mật, không thể truy cập các dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ cũng như không để một cá nhân, tổ chức nào chịu ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc có thể thao túng các nội dung trên nền tảng mạng xã hội này.

Cho đến nay, TikTok đã công bố một số biện pháp cụ thể, ví dụ như thỏa thuận lưu trữ dữ liệu của người dùng Mỹ trên các máy chủ của hãng Oracle ở Mỹ và tại một đơn vị mới thành lập, gọi là Phòng bảo mật dữ liệu Mỹ (USDS) để giám sát quyết định kiểm duyệt nội dung và bảo vệ dữ liệu. TikTok được cho là đã chi tới 1,5 tỷ USD chi phí tuyển dụng và xây dựng đơn vị này. Hãng Oracle cũng sẽ là nơi chịu trách nhiệm giám sát các giao thức mà nhân viên TikTok có thể truy cập dữ liệu người dùng Mỹ.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cho đến thời điểm này dường như chưa mang lại kết quả tích cực nào. Việc đàm phán kéo dài và chưa có giải pháp tiềm năng có thể cũng là một lý do khiến giới chức chính quyền và quốc hội Mỹ cả cấp liên bang và cấp bang thúc đẩy các lệnh cấm sử dụng TikTok. Dường như TikTok cũng khó có thể tìm được giải pháp nào để có thể giải quyết xung đột với giới chức Mỹ, trong bối cảnh tâm lý đối phó với Trung Quốc đang gia tăng và thống nhất trong cả Quốc hội lẫn chính quyền Tổng thống Biden.

Chính thức khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

Bộ Nội vụ đã chính thức đưa hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đi vào hoạt động. Sau 8 tháng triển khai thí điểm, hệ thống đã hoàn thành kết nối và đồng bộ với trên 35 bộ, ngành địa phương và đang tiếp tục mở rộng triển khai trên quy mô toàn quốc.

Nhận nhiệm vụ xây dựng, triển khai và vận hành hệ thống CSDL quốc gia về CBCCVC vào tháng 5/2022, trong khoảng thời gian 8 tháng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã khẩn trương tổ chức thực hiện. Đến thời điểm này, CSDL quốc gia về CBCCVC đã hoàn thành xong các giai đoạn thiết kế, xây dựng phần mềm, lắp đặt thiết bị hạ tầng, cài đặt hệ thống, đào tạo và triển khai toàn quốc trên phạm vi 96 bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ đã phối hợp triển khai thí điểm tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bến Tre để hoàn thiện hệ thống, góp ý cho danh mục dữ liệu dùng chung và biểu mẫu. Sau khi hoàn thành đào tạo, tập huấn trên toàn quốc, hệ thống bắt đầu triển khai chính thức vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 và đến thời điểm này đã tích hợp, đồng bộ được dữ liệu của 35 bộ, ngành, địa phương về cơ sở dữ liệu quốc gia.

Việc đưa vào vận hành, khai thác CSDL quốc gia về CBCCVC được đánh giá sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý CBCCVC trong các cơ quan nhà nước. Ngoài việc hợp nhất cơ sở dữ liệu trên toàn quốc, số hóa công tác quản trị dữ liệu, thống kê, báo cáo hỗ trợ công tác nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, còn giúp tiết kiệm chi phí... minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng mục tiêu xây dựng nền hành chính tiên tiến, chuyên nghiệp và hiện đại, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng, phát triển Chính phủ số của Bộ Nội vụ nói riêng và các Bộ ngành, địa phương trong toàn quốc nói chung.

Việt Báo (Tổng hợp)