Sinh con chỉ nặng 0,5 kg, sản phụ ở TPHCM không tin con được cứu sống
Tin Y tế - Ngày đăng : 19:00, 17/11/2022
Mang thai con thứ 2 khi đã 39 tuổi và trong lúc dịch COVID-19, chị Diễm Châu (tỉnh Kiên Giang) phát hiện bị tiểu đường thai kỳ, nhau tiền đạo, tiền sản giật khi thai được hơn 30 tuần tuổi.
Sau đó, chị Châu được chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Tại đây, các bác sĩ xác định thai kỳ của chị nguy cơ rất cao, phải mổ bắt con để giữ an toàn.
Sinh con ở thời điểm thai nhi 34 tuần tuổi, chị Châu luôn trong trạng thái lo lắng vì con sinh non, sức khỏe rất yếu, chỉ nặng 0,5 kg. Những ngày xuất viện, chị Châu vẫn không tin con mình có thể sống tiếp.
Đến khi quay lại bệnh viện, bế bé từ lồng ấp ra ngoài để mẹ trực tiếp da kề da, chị Châu mới tin con mình đã vượt qua nguy kịch. "Hiện tại, con tôi đã nặng 0,7 kg. Sức khỏe dần được cải thiện" - chị Châu chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ TPHCM cho biết, nơi đây là bệnh viện chuyên khoa sản tuyến cuối khu vực miền Nam nên tập trung nhiều trường hợp thai phụ sinh khó, sinh non.
"Khả năng thích ứng với cuộc sống của trẻ sinh non kém hơn so với trẻ sinh đủ tháng và có nhiều nguy cơ dẫn đến những biến chứng của sinh non như suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, suy dinh dưỡng. Vì vậy, trẻ sinh non cần được chăm sóc trước sinh, ngay sau sinh và sau sinh rất đặc biệt" - bác sĩ Từ Anh cho biết.
Ngày 17.11, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bệnh viện Từ Dũ TPHCM tổ chức chương trình "Ngày thế giới vì trẻ sinh non" nhằm hưởng ứng "Ngày thế giới vì trẻ sinh non - 17.11" và tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của cán bộ y tế trong công tác chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân.
Tại đây, TS.BS Trần Đăng Khoa, Vụ phó Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, chăm sóc trẻ sơ sinh, giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh là một trong những mục tiêu quan trọng không những của ngành y tế mà còn là của Nhà nước Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Với những cố gắng của ngành y tế, tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 14,7 (năm 2015) xuống còn 13,6 (năm 2021). Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 22,1 (năm 2015) xuống còn 20,5 (năm 2021).
Hiện nay, với những tiến bộ vượt bậc trong ứng dụng kỹ thuật y học hiện đại trên thế giới, Việt Nam đã có thể cứu sống và nuôi dưỡng các trẻ sơ sinh rất thiếu tháng có cân nặng chỉ 500g cũng như tiếp tục chăm sóc để trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường.
Theo Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 của UNICEF, tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm khoảng 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh. Tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh chiếm khoảng 60% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi.
Nguyên nhân gây nên tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh là do đẻ non/thấp cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/nhẹ cân chiếm tới 25%.
Những nguyên nhân này lại có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản như khám thai định kỳ để phát hiện các nguy cơ; sử dụng tốt chế độ dinh dưỡng, luyện tập/lao động cho phụ nữ có thai; chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo…