Sau lũ lụt, đừng quên vệ sinh nguồn nước, ăn chín uống sôi
Tin Y tế - Ngày đăng : 20:12, 28/09/2022
Rất dễ ngộ độc
TS Lâm Quốc Hùng - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết khi mưa, bão xảy ra, nhất là sau lũ lụt, sức khỏe và tính mạng người dân bị đe dọa do dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm.
Nguyên nhân chính do nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn thường khan hiếm; lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố. Đặc biệt, người dân khó bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh và tiêu dùng.
Mặt khác, trong nhiều ngày người dân phải chống chọi với bão, lụt, dẫn tới sức khỏe bị giảm sút. Các tác nhân truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết nhân cơ hội này phát triển gây nên các mầm bệnh tại cộng đồng.
Bác sĩ Hoàng Đình Thành - Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM - cho biết ngộ độc do uống phải nguồn nước bẩn hay nhiễm bệnh từ vi sinh vật sau mùa mưa bão rất phổ biến.
Tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ mà có thể gây ra bệnh cấp tính, lâu dài hay dẫn đến tử vong. Ngoài việc xử lý nguồn nước, thận trọng trong việc ăn uống, người dân tránh tiếp xúc với nước bẩn, bùn đất. Các ấu trùng có thể xâm nhập qua da, đi vào vòng tuần hoàn gây bệnh.
Các bệnh đường tiêu hóa như bệnh dịch tả, bệnh tiêu chảy gây ra đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn, đau đầu... có thể dẫn đến tử vong nếu mất nước nghiêm trọng. Uống nước ô nhiễm cũng có thể gây nhiễm khuẩn salmonellosis khiến cho đường ruột bị viêm nhiễm.
Một căn bệnh khác ảnh hưởng đến đường tiêu hóa do nước ô nhiễm là bệnh shigellosis. Vi khuẩn shigellosis có khả năng phá hủy niêm mạc ruột, gây co thắt dạ dày, nôn mửa và tiêu chảy ra máu.
Xử lý nước sinh hoạt trong thời gian mưa lũ
Dưới đây là khuyến cáo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về xử lý nước sinh hoạt trong thời gian mưa lũ:
Bước 1: Làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.
- Làm trong bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.
- Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cốt tông để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).
Bước 2: Khử trùng nước
Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.
Đối với hộ gia đình, có thể khử trùng nước bằng Cloramin B. Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau.
Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong.
Cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.
Nếu sử dụng Aquatabs, cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.
Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:
1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô (vỏ xe hơi)… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.