Dè chừng tỷ giá tăng nóng trở lại
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:25, 04/09/2022
Đồng bạc xanh trên thế giới lập đỉnh mới trong 2 thập kỷ và vượt 24.000 VND/USD trên thị trường tự do trong nước, buộc Ngân hàng Nhà nước tăng hút tiền về, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng lên để giữ sức hấp dẫn của tiền đồng.
Miệt mài “cân” tỷ giá
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2022, giá USD trên thị trường tự do đứng ở mức 24.000 VND/USD sau khi đã hạ về dưới 24.000 VND/USD nửa đầu tháng 8. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND có thời điểm bật lên 23.450 VND/USD trước khi hạ nhiệt về mức 23.400 VND/USD trước kỳ nghỉ lễ.
Như vậy, so với nửa đầu tháng 8, tỷ giá trong nước có dấu hiệu nóng lên theo đà tăng giá của đồng bạc xanh trên thế giới. Trong phiên giao dịch ngày 31/8/2022, chỉ số USD Index đạt gần 109 điểm, đứng ở mức cao nhất hai thập kỷ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu tại Hội nghị Jackson Hole cuối tuần trước, hàm ý Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Quan sát động thái của Ngân hàng Nhà nước nửa tháng gần đây, có thể thấy, nhà điều hành đã có sự cảnh giác với biến động tỷ giá trước khi Hội nghị Jackson Hole diễn ra và liên tục hút tiền về, thiết lập mặt bằng lãi suất mới trên thị trường liên ngân hàng.
Nếu nửa đầu tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước chỉ hút ròng 20.000 tỷ đồng (hút về 39.000 tỷ đồng, bơm ra 19.000 tỷ đồng), thì nửa cuối tháng 8 đã hút ròng tới 122.000 tỷ đồng. Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng từ khoảng 2% lên mức 3,7 - 3,88%/năm trong vòng 2 tuần qua.
Bên cạnh hút tiền về, theo các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SSI, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã bán giao ngay một khối lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối, qua đó làm giảm khối lượng tiền đồng trên thị trường. Động thái này cũng khiến lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng, từ đó tạo một khoảng cách khá an toàn với lãi suất USD.
Từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá 2,8%, thuộc nhóm đồng tiền mất giá ít nhất so với USD trên thế giới. Việc NHNN giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm tới nay và giữ chênh lệch lãi suất VND luôn hấp dẫn so với USD đã giúp VND không bị mất giá quá nhiều trước diễn biến tăng giá mạnh của USD. Theo thống kê của một số chuyên gia phân tích, trước áp lực tỷ giá lớn, từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 13 tỷ USD để can thiệp thị trường, khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm khoảng 12%.
Tuy nhiên, nguồn ngoại tệ dự trữ giảm dần cộng với xuất siêu cả năm 2022 dự kiến chỉ đạt 1 tỷ USD, thay vì 4 tỷ USD năm ngoái khiến nỗi lo mỏng ngoại tệ lại tăng lên, trong khi đà tăng của USD vẫn chưa ngừng. Các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, không loại trừ khả năng NHNN có thể phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD thời gian tới.
Cân nhắc lợi ích nhập khẩu và xuất khẩu
Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2022 đạt gần 500 tỷ USD, chia đều cho cả xuất khẩu và nhập khẩu. Tỷ giá tăng có lợi cho xuất khẩu, song lại thiệt hại cho nhập khẩu.
Ông Cù Đức Hoàng Tài, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Juma Phú Thọ cho biết, công ty này sử dụng nguyên liệu trong nước, chuyên xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang Mỹ. Do đó, tỷ giá tăng khiến Công ty hưởng lợi lớn.
Trong khi đó, nửa đầu năm nay, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 1.270 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm ngoái do lượng nguyên liệu nhập khẩu lớn và dư nợ vay bằng USD cao. Báo cáo tài chính quý II/2022 của Novaland cũng cho thấy, khoản vay bằng ngoại tệ khiến Tập đoàn phải bù lỗ hơn 300 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá kỳ này, tăng gần chục lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, quý II/2022, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lên tới 841 tỷ đồng, tăng gần 34 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phải gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 42 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái…
Với mức biến động tỷ giá 2,8% từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp nhập khẩu đã tăng lỗ tỷ giá hàng chục lần. Nếu tỷ giá biến động mạnh hơn, nhiều doanh nghiệp khó có khả năng chống đỡ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá VND, nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu phản ánh, tiền đồng bị phá giá làm cho các doanh nghiệp nhậu khẩu gặp khó khăn.
Trong lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua nhiều giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, ngân hàng đua lãi suất, đứng trên bờ vực thanh khoản… Bài học cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng nhất để nền kinh tế hồi phục nhanh, bền vững. Đây cũng là lý do khiến NHNN tung ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ trong thời gian qua.
Mặc dù tỷ giá đang có dấu hiệu căng thẳng, nhất là khi thời điểm Fed tăng lãi suất tháng 9/2022 sắp đến gần, song một số chuyên gia cho rằng, cuối năm nay, lãi suất của Fed đạt đỉnh, sau đó sẽ hạ nhiệt khiến áp lực với tỷ giá trong nước giảm dần. Chưa kể, cuối năm nay, dòng vốn FDI giải ngân mạnh hơn, kiều hối cũng tăng mạnh... sẽ bổ sung nguồn cho dự trữ ngoại hối. Nền kinh tế phục hồi tốt và lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng hỗ trợ tích cực cho tỷ giá. Giá nguyên liệu sản xuất nhập khẩu tăng mạnh thời gian qua khiến chỉ số giá sản xuất ở Việt Nam tăng mạnh hơn giá xuất khẩu, gây bất lợi cho nền kinh tế. Đây cũng là lý do khiến NHNN phải nỗ lực bình ổn tỷ giá. Tại bất kỳ quốc gia nào, mỗi khi tỷ giá chịu áp lực, ngân hàng trung ương các nước đều phải nâng lãi suất nội tệ, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Thời gian qua, NHNN đã điều hành lãi suất tương quan với diễn biến lạm phát, tỷ giá, đảm bảo nguyên tắc giữ tiền đồng có lợi hơn giữ USD. - TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế
(Theo Báo Đầu Tư)