Một con cá voi hấp thụ CO2 bằng hàng vạn cây xanh
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 13:15, 23/08/2022
5 triệu con cá voi có thể hấp thụ CO2 tương đương với 4 khu rừng Amazon. |
Xem thêm: Hãi hùng cảnh tàn sát cá voi, nước biển chuyển màu máu
Theo Trí thức trẻ, nghiên cứu cho thấy một con cá voi lớn có thể hấp thụ trung bình 33 tấn CO2 trong cuộc đời, trước khi chúng chết và chìm xác xuống đáy đại dương.
Ngược lại, một cái cây chỉ hấp thụ được không quá 22 kg CO2 mỗi năm.
Ngoài việc tự nạp vào cơ thể mình một lượng CO2 đáng kể, cá voi còn hỗ trợ các loài thực vật phù du phát triển, đóng góp ít nhất 50% lượng oxy cho bầu khí quyển Trái Đất và thu lại lượng CO2 nhiều hơn cả 1,7 nghìn tỉ cây xanh cộng lại. Đó là một diện tích tương đương với 4 khu rừng Amazon.
Cũng theo bản báo cáo, chỉ cần tăng năng suất của các loài thực vật phù du lên thêm 1%, các tác động khí hậu tích cực từ đó sẽ tương đương với việc có thêm 2 tỉ cây xanh trưởng thành xuất hiện cùng lúc.
Xem thêm: Có nên phát triển các tour du lịch ngắm cá voi ở Bình Định?
Các nhà khoa học ước tính giá trị của một con cá voi lên tới hơn 2 triệu USD, đã bao gồm giá trị carbon được cô lập trong suốt cuộc đời của nó, cũng như các đóng góp kinh tế khác như thúc đẩy ngư nghiệp và du lịch sinh thái. Tuy nhiên hiện nay quần thể cá voi đang bị sụt giảm ở tốc độ tương đương 1,3 triệu năm từ hoạt động săn bắt công nghiệp của con người.
Theo tính toán, nếu quần thể cá voi được bảo tồn và gia tăng lên ngưỡng 4 đến 5 triệu cá thể thì mỗi năm chúng sẽ thu được 1,7 tỉ tấn CO2 và tạo ra giá trị tương đương với 13 tỉ USD.
Rõ ràng, những lợi ích từ việc bảo vệ loài động vật có vú lớn nhất hành tinh quả thực không hề nhỏ. Và việc này lại càng trở nên bức thiết khi hiện nay lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng kỷ lục.
Lượng khí thải CO2 toàn cầu hiện đang tăng kỷ lục. |
Xem thêm: Khuyến cáo du khách giữ khoảng cách với cá voi ở Đề Gi
Báo cáo của tổ chức Dự án Carbon toàn cầu (GCP) cho hay, với mức tăng 2,7%, lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm 2018 lên tới 37,1 tỉ tấn, theo TTXVN.
Còn theo Engadget, lượng CO2 trong không khí đã chính thức chạm mức 415 phần triệu (ppm), theo số liệu đo được tại Trạm quan sát Mauna Loa ở Hawaii vào tháng 5/2019. Đây là chỉ số cao nhất đo được kể từ khi con người xuất hiện trên hành tinh, nhà khí tượng học Eric Holthaus cho hay. Lần cuối cùng lượng CO2 đạt mức cao như vậy là từ 3 triệu năm trước, khi nhiệt độ trung bình của Bắc Cực chỉ khoảng 15°C.
Khí thải CO2 (chủ yếu do con người đốt nhiên liệu hoá thạch) sẽ giữ nhiệt lại Trái Đất, dẫn đến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm. Điều này sẽ khiến mực nước biển tăng cao, lũ lụt, bão lớn, hạn hán và cháy rừng. Liên Hợp Quốc ước tính biến đổi khí hậu và những tác động của con người có thể dẫn đến sự biến mất của hơn một triệu loài động thực vật.
Xem thêm: Nguồn gốc tín ngưỡng thờ cá voi
Theo các chuyên gia, con số 415 ppm có thể vẫn chưa phải là điểm dừng của nồng độ CO2 trong không khí.
Để đạt được những mục tiêu đề ra khi các quốc gia ký Hiệp định Khí hậu Paris (chi phối các biện pháp giảm CO2 từ năm 2020) các quốc gia đã phải tăng đáng kể tốc độ chuyển hoá đối với năng lượng sạch. Mức CO2 cao kỷ lục đã nhấn mạnh tính cấp bách của quá trình này.
Mai Anh