Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên gấp rút chuẩn bị ứng phó với bão số 6
Xã hội - Ngày đăng : 18:30, 23/09/2021
Các địa phương chuẩn bị nhiều phương án để chủ động ứng phó với bão số 6, dự kiến đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung trong 24h tới.
Hàng nghìn tàu thuyền Huế và Quảng Trị về bờ
Chiều 23/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, tất cả chủ các phương tiện, tàu thuyền đều nhận được thông tin và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Tổng số tàu thuyền tại Quảng Trị là 2.312 chiếc với 7.163 thuyền viên. Đến 11h cùng ngày, 2.296 tàu thuyền với 7.042 thuyền viên đã vào bờ neo đậu tại các bến trên địa bàn tỉnh.
Trong số tàu thuyền còn lại, 15 chiếc đang hoạt động tại khu vực đảo Cồn Cỏ với 114 thuyền viên, 1 chiếc đang ở Bạch Long Vỹ với 7 thuyền viên.
Quảng Trị kêu gọi tàu thuyền ngoại tỉnh vào neo đậu tránh, trú bão trên địa bàn tỉnh, tổng cộng có 18 chiếc với 125 thuyền viên, bao gồm tàu của Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Trị đề nghị các địa phương ven biển nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 15h ngày 23/9.
Tại Thừa Thiên - Huế, trưa 23/9, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh tiếp tục có công điện yêu cầu các địa phương sẵn sàng triển khai phương án tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven biển, cửa sông, ven sông suối, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
Công điện yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi, thủy điện, công trình hạ tầng... có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người lao động, khơi thông dòng chảy, đảm bảo an toàn cho phương tiện, thiết bị, bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế triển khai 5 điểm bắn pháo hiệu, kêu gọi được 2.052 tàu thuyền với 11.181 lao động (trên tổng số 2.062 phương tiện) vào bờ tránh trú an toàn. Đến gần trưa 23/9, Thừa Thiên - Huế còn khoảng 37 phương tiện với 169 lao động đang trên đường vào bờ...
Đà Nẵng, Quảng Nam cấm biển
Ngày 23/9, ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn cho nhân dân và công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là các khu vực nhà không kiên cố, vùng trũng thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét….
Các địa phương cương quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng chống lụt bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn.
Cũng chiều 23/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh có công điện yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quân đội, công an hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, đặc biệt là các hộ khó khăn, hộ dân đang phải điều trị và cách ly tập trung.
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và các điểm khác đã được quy hoạch.
Các tàu kinh doanh xăng dầu phải được di dời ra khỏi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, hoàn thành trước 17h ngày 23/9.
Chủ tịch UBND Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế chủ trì xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả thuyền viên tàu cá vào tránh trú bão trên địa bàn, hướng dẫn các địa phương việc đảm bảo phòng chống dịch tại các điểm sơ tán và xử lý những trường hợp nghi ngờ, dương tính với SARS-CoV-2.
Ông Chinh cũng giao Sở Công Thương đảm bảo lương thực, nước uống, nhiên liệu, các nhu yếu phẩm cho người dân trong và sau bão. Sở phối hợp với các địa phương xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại những trung tâm mua bán, siêu thị, chợ.
Ở Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - yêu cầu nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) từ 10h ngày 23/9 cho đến khi thời tiết trên biển trở lại bình thường; tiếp tục thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Ông Bửu yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè.
Kon Tum mưa lớn
Ngày 23/9, do ảnh hưởng của bão số 6, nhiều khu vực của tỉnh Kon Tum xuất hiện mưa vừa đến mưa to. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong 24h tới, thời tiết tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ở các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, lượng mưa có khả năng đạt 100 - 200mm. Từ tối 23/9, các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông cần đề phòng có gió mạnh và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở những nơi đất dốc.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thiệt hại về người, tài sản, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân và người dân biết để ứng phó thiên tai; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc có thể xảy ra, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng đề nghị ngành chức năng chỉ đạo các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, chỉ trở lại lớp học khi bảo đảm an toàn. Khi có thiên tai xảy ra, Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải thường xuyên ứng trực, trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra tại địa bàn phụ trách.
NHÓM PV