30 điểm trượt đại học: 'Nghịch lý tuyển sinh, không có quốc gia nào như vậy'
Xã hội - Ngày đăng : 13:24, 20/09/2021
Sau khi các trường đại học công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh, giáo viên và chuyên gia bất ngờ khi một số ngành học tăng điểm chuẩn lên mức 30 - 30,34 thậm chí 30,5 điểm. Không chỉ vậy, mùa tuyển sinh đại học năm nay cũng chứng kiến nhiều trường điểm chuẩn tăng đột biến từ 9 đến 11 điểm so với năm 2020.
Bất thường và bất công
TS Trần Thu Trà, Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, thang điểm tuyệt đối trong xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT là 30 điểm/3 môn, nhưng năm nay nhiều ngành như Sư phạm Ngữ văn của Đại học Hồng Đức lấy 30,5 điểm khối C, ngành Hàn Quốc của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội 30 điểm khối C, ngành Xây dựng lực lượng của Học viện Chính trị Công an nhân dân 30,34 điểm khối C (với nữ). Như vậy những thí sinh đạt 29,9 hay 30 điểm vẫn có nguy cơ trượt nguyện vọng 1.
Ở tổ hợp xét tuyển C00, năm nay cả nước chỉ ghi nhận 2 thủ khoa đạt tổng điểm 29,25 điểm, trong khi điểm chuẩn các ngành trên đều cao hơn. Vậy nếu hai thủ khoa này đăng ký xét tuyển vào những ngành trên mà không có điểm cộng, chắc chắn sẽ trượt nguyện vọng.
"Đây là điều bất thường trong tuyển sinh. Tôi chưa thấy quốc gia nào xảy ra nghịch lý, thí sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn không thể đỗ đại học. Các thí sinh năng lực thực sự sẽ thất vọng và mất niềm tin thế nào khi phải chịu thua sự may mắn là điểm cộng ưu tiên", TS Trà băn khoăn.
Nếu tình trạng này tiếp diễn ở những năm sau, sẽ tạo ra sự bất công trong việc chạy đua giữa các thí sinh tham gia xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp. Đáng lo ngại hơn, nhiều trường đại học, nói đúng hơn là những ngành học điểm cao kia rất dễ làm rơi, lọt, tuột mất thí sinh có năng lực thực sự giỏi như thủ khoa 29,25 điểm.
Thiệt thòi cho thí sinh giỏi
Đồng quan điểm của TS Thu Trà, TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia nêu, việc điểm chuẩn đẩy tăng vọt là do đề thi tốt nghiệp THPT phân hoá không tốt, không thể phân loại được thí sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình.
Như với đề thi của 5 - 6 năm về trước, chỉ thí sinh nào học lực thực sự xuất sắc mới đạt từ 9 điểm trở lên, rất hiếm điểm 10, thí sinh giỏi ở mức 7 - 8, khá ở mức 5 - 6 và trung bình là dưới 5. Tuy nhiên hai năm trở lại đây khoảng cách điểm số giữa các mức trên đều bị thu hẹp và phân biệt không rõ. Thí sinh xuất sắc đạt 10 điểm, thí sinh giỏi 9,5, khá 9 điểm và trung bình 7 - 8 điểm. Thậm chí nhiều em học trung bình nhưng do may mắn, điền trúng đáp án, vẫn đạt điểm 9 như bình thường.
Đặc biệt từ năm 2020, sau khi Bộ GD&ĐT đổi tên từ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi không còn thể hiện rõ mục tiêu 2 trong 1 (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học). Gần đây, kỳ thi chỉ đáp ứng được mục tiêu phục vụ xét tốt nghiệp mà phần nào không đảm bảo việc xét tuyển đại học. Như đề thi, trước đây thi 3 tiếng/môn, nay rút xuống 2 tiếng, 1 tiếng/môn, thời gian ngắn, số lượng câu hỏi ít, không đủ để cán bộ ra đề thi đưa ra các câu hỏi phân hoá rõ rệt.
Sau 6 năm thay đổi hình thức thi THPT, xét tuyển đại học, đề thi theo hướng chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm, có thể thấy kỳ thi ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Đã đến lúc Bộ GD&ĐT, chuyên gia, trường đại học lên phương án nghiên cứu và thay đổi mô hình kỳ thi như hiện nay để đánh giá đúng thực chất, thực học và đúng năng lực của học sinh phổ thông.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học kinh tế Quốc dân, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, số thí sinh đạt điểm 9, 10 chiếm tỷ lệ rất lớn ở hầu hết các môn Ngữ văn, tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý. Điều đó cho thấy tính phân loại của kỳ thi chưa tốt.
Kỳ thi THPT được các trường coi trọng, lấy đó làm căn cứ để xét tuyển đầu vào. Nhưng đề không phân loại đúng năng lực thí sinh, để xảy ra tình trạng các ngành học lấy điểm chuẩn trên 30 là nghịch lý, bất bình thường.
Theo ông, hai vấn đề đặt ra từ câu chuyện tuyển sinh năm nay. Thứ nhất, cần phải có kỳ thi đảm bảo tính phân loại rõ hơn, tránh tình trạng phổ điểm tập trung vào điểm 9, điểm 10 dẫn tới việc tuyển sinh xảy ra những vấn đề bất thường.
Thứ hai, các trường đại học cần thay đổi phương thức tuyển sinh, việc đánh trượt những học sinh số điểm gần như tuyệt đối là chưa đạt được mục tiêu lựa chọn những thí sinh có năng lực.
Việc các trường đa dạng các phương thức tuyển sinh cũng là một trong những nhân tố khiến điểm chuẩn tăng cao. Tuy nhiên, việc các cơ sở giáo dục đại học áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh là điều phù hợp, thuộc về quyền tự chủ của trường và giúp họ tuyển được sinh viên theo đúng mục tiêu đào tạo của trường.
Điều quan trọng là kỳ thi tốt nghiệp THPT phải phân loại được thí sinh. Chúng ta cũng cần phải có phương thức tuyển sinh tốt hơn. Nếu một kỳ thi không có tính phân loại cao thì khi đó, chúng ta phải xác định rõ có nên dùng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đại học nữa hay không.
Thu Phạm