Yếu tố nào tạo nên sự khác biệt, đa dạng trong văn hóa Tết 3 miền?

Ngọc Linh| 06/02/2022 19:35

Mỗi vùng trên dải đất hình chữ S lại có những cách đón Tết cổ truyền khác biệt nhất định. Đã bao giờ bạn tự hỏi: Điều gì đã tạo nên sự khác biệt này?

Tết cổ truyền là ngày lễ truyền thống vô cùng thiêng liêng và quan trọng trong năm của người Việt. Đây là thời gian mọi người tạm gác lại tất cả các công việc để sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình, họ hàng. Là dịp để những người con xa quê trở về bên gia đình sau một năm làm việc vất vả.

Dù là Tết chung quan trọng nhất trong năm, hầu như giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam không có khác nhau là mấy. Tuy nhiên tại mỗi vùng miền sẽ có những nét riêng để tô điểm thêm sự đa dạng phong phú của văn hóa người Việt.

Yếu tố nào tạo nên sự khác biệt, đa dạng trong văn hóa Tết 3 miền? - 1

Tết Nguyên đán luôn được người Việt mong chờ (Ảnh: Nguyễn Anh Thao).

Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), một trong những đặc trưng rõ nét của văn hóa Việt Nam đó là sự thống nhất trong đa dạng.

Đất nước ta có sự thống nhất về mặt lãnh thổ, xong văn hóa giữa mỗi vùng miền đều sẽ có những nét đặc trưng rất riêng. Đặc biệt trong văn hóa Tết của 3 miền Bắc - Trung - Nam cũng có sự khác biệt nhất định.

"Có rất nhiều yếu tố tác động đến sự khác biệt về văn hóa Tết cổ truyền giữa ba miền. Nhìn chung, những điều dẫn tới sự khác biệt này được tạo nên bởi hai yếu tố cơ bản: đặc điểm của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội", Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo cho hay.

Sống ở lưu vực sông Mekong, người Nam Bộ được hưởng sự ưu đãi hơn cả từ thiên nhiên, khí hậu nhiệt đới, với hai mùa khô và mưa rõ rệt. Ở vùng đất này sở hữu hệ thống kênh rạch, sông ngòi dày đặc, đất đai màu mỡ của đồng bằng Sông Cửu Long. Nam Bộ cũng được thiên nhiên ban nhiều ưu đãi về mặt sản vật, con người sinh sống dễ dàng...

Những nghiên cứu lịch sử cũng cho thấy, Nam Bộ là một vùng đất mới, hội tụ nhiều người đến từ khắp các vùng miền. Những điều kiện tự nhiên quy định môi trường xã hội, đến tính cách của con người. Người Nam Bộ có lối sống phóng khoáng, mạnh mẽ.

Yếu tố nào tạo nên sự khác biệt, đa dạng trong văn hóa Tết 3 miền? - 2

Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tất cả yếu tố từ điều kiện khí hậu, địa lý, bề dày lịch sử của mỗi vùng đất, và các yếu tố kinh tế, văn hóa tạo nên những nét đặc trưng riêng trong ngày Tết của đồng bào Nam Bộ.

Trong khi đó đồng bằng châu thổ sông Hồng ở Bắc Bộ, nơi có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Đặc biệt là có mùa đông lạnh nên người miền Bắc có một kinh nghiệm rất giỏi trong việc chơi hoa, làm sao để độ xuân sang có hoa đào bích, đào phai bung nở đúng dịp Tết. Hoa đào đỏ thắm tượng trưng cho sự may mắn, hanh thông cả năm. Ngày Tết miền Nam thường sẽ nắng ấm nên loài hoa đặc trưng dịp Tết cổ truyền sẽ là hoa mai vàng.

Trong mâm cỗ Tết ở Bắc Bộ thường sẽ có các món bánh chưng xanh, xôi gấc, thịt đông, dưa hành, nem rán, canh măng... Đây đều là những món ăn đặc trưng trong cho thời tiết lạnh giá ở miền Bắc mỗi dịp Tết.

Người ta vẫn thường có câu:

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây Nêu ngày Tết, bánh chưng xanh"

Để thể hiện cho những nét văn hóa đặc trưng nhất ở miền Bắc.

Trong khi đó, mâm cơm ngày Tết ở miền Nam lại có nhiều sự khác biệt với các món như bánh tét, thịt kho tàu, khổ qua, chả giò, thịt quay, bánh tráng…  Bánh tét có nhiều loại như bánh tét chay, bánh tét lá cẩm, bánh tét nhân ngọt...

Yếu tố nào tạo nên sự khác biệt, đa dạng trong văn hóa Tết 3 miền? - 3

Tết cổ truyền không thể thiếu bánh chưng xanh (Ảnh: Nguyễn Anh Thao).

Ngay cả mâm ngũ quả, một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết Việt cũng ít nhiều có sự khác biệt. Một mâm ngũ quả người miền Nam yêu thích có đủ tên các loại quả ghép lại trong câu nói ngắn gọn nhưng giàu ý nghĩa, thể hiện đầy đủ mong ước của họ trong năm mới được ấm no, sung túc: "Cầu sung vừa đủ xài" (tên 5 loại quả tương tự: Mãng cầu, quả sung, quả dừa, đu đủ, xoài). Đây là những thức quả sẵn có, được tự nhiên ban tặng cho vùng đất Nam Bộ trù phú

Khác với mâm ngũ quả ở miền Nam, người miền Bắc thường lựa chọn các loại quả như chuối, bưởi, cam, quất, xoài, hồng xiêm…. và thường có ít nhất 5 loại quả, tượng trưng cho ngũ hành.

Khi nhắc đến tết 3 miền, miền Trung - dải đất nằm giữa hai đầu đất nước, nhiều bão lụt, điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn hơn. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt dẫn đến tính cách cần cù, chịu khó, sự phản ứng, thích ứng một cách nhanh chóng của người dân miền Trung.

Yếu tố nào tạo nên sự khác biệt, đa dạng trong văn hóa Tết 3 miền? - 4

Ở miền Nam thường gói bánh tét ăn Tết (Ảnh: Trần Thị Kim Ngân).

Cũng bởi điều kiện khó khăn nên rất nhiều người dân miền Trung đã ra Bắc, vào Nam để làm việc, lao động. Chính điều này khiến những nét văn hóa trong đời sống của đồng bào sinh sống tại miền Trung có nhiều điểm giao thoa của cả hai miền Nam - Bắc.

Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo chia sẻ: "Có nhiều ví dụ cho thấy sự khác biệt trong phong tục tập quán ba miền Bắc - Trung -  Nam trong ngày Tết Nguyên đán bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, điều kiện thổ nhưỡng. Người dân mỗi vùng sinh sống, thích nghi, tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng để tạo nên những thành phẩm, những nét riêng trong văn hóa Tết.

Dù có những khác biệt nhất định nhưng ở cả ba miền vẫn có đặc trưng chung. Ngày Tết là dịp để con cháu trở về quây quần bên gia đình, sum họp gia đình, tỏ lòng thành kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Học trò đi chúc Tết thầy giáo, người bệnh cảm ơn thầy thuốc, bạn bè gửi quà, thăm hỏi, chúc nhau những điều tốt lành trong ngày xuân.

Đó là những giá trị văn hóa, giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ… đều được mọi người trân trọng. Dù ít nhiều khác biệt nhưng tinh thần chung Tết vẫn luôn là lễ lớn nhất, quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố nào tạo nên sự khác biệt, đa dạng trong văn hóa Tết 3 miền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO