Theo đó, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Đrinh tiếp tục tăng cường theo dõi, xử lý tình hình động đất trên địa bàn huyện Kon Plông.
Trên cơ sở các giá trị dữ liệu động đất do Viện Vật lý địa cầu công bố, 2 đơn vị cần tổ chức kiểm tính lại vấn đề an toàn đập thuộc phạm vi quản lý, xây dựng phương án ứng phó với sự cố bất thường xảy ra, đặc biệt là sự cố về dư chấn động đất, động đất xảy ra trong thời gian chưa có dữ liệu chính thức từ Viện Vật lý địa cầu.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Đrinh cần tổ chức kiểm tính tương ứng với trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau; rà soát lại thủ tục pháp lý về nghiệm thu công trình thủy điện theo quy định, đảm bảo điều kiện vận hành, phát điện các tổ máy đảm bảo an toàn đập.
Hai công ty cần có kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình đập, hồ chứa và vùng hạ du. Cơ quan chức năng đặc biệt lưu ý về hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương, người dân khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống khẩn cấp.
UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng, UBND huyện Kon Plông và các đơn vị liên quan tăng cường theo dõi, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn.
Như Dân trí đã thông tin, trong năm 2021, huyện Kon Plông (Kon Tum) đã có đến 169 trận động đất kích thích; từ đầu năm đến nay, ghi nhận thêm hơn 50 trận. Trận động đất kích thích lớn nhất xảy ra vào tháng 4 vừa qua với 4,5 độ richter khiến nhà cửa rung chuyển, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh lân cận.
Theo cơ quan chức năng, bước đầu đoàn khảo sát nhận định, các trận động đất tại khu vực này là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định ban đầu, chưa phải là kết luận cuối cùng về nguyên nhân động đất.