Ý nghĩa quả trứng trong Lễ Phục sinh

Bình An (tổng hợp)| 31/03/2024 06:00

Hôm nay, các Kito hữu toàn thế giới đón mừng ngày Lễ Phục sinh, ngày lễ quan trọng không kém Lễ Giáng sinh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Một trong những phong tục không thể thiếu trong dịp Lễ Phục sinh chính là quả trứng.

Có rất nhiều cách giải tích khác nhau về nguồn gốc của quả trứng phục sinh. Trong Kinh Thánh không có dữ kiện hoặc ghi chép nào về quả trứng là biểu tượng cho chiến thắng sự chết của Chúa Giêsu. Các nghiên cứu về văn hóa cho rằng phong tục này bắt đầu từ thời kỳ Lưỡng Hà. Về sau các Giáo hội Kito giáo chấp nhận phong tục này, như một cách bày tỏ niềm vui trong ngày Lễ Phục sinh và thực hành đức tin. Vì thế trứng được xem là biểu tượng của khởi nguyên, cũng là sự tái sinh của sự sống.

easter-egg-workshop.jpg
Trang trí trứng phục sinh vừa là niềm vui vừa là nghệ thuật

Trong Kinh Thánh, bà Madalena, một người giàu có và tôn kính Chúa Giêsu hết mực, chính là chứng nhân đầu tiên về sự phục khi bà đến mộ Chúa từ lúc bình minh để xức dầu lên thi thể Ngài. Tuy nhiên, bà đã thấy tảng đá trước mộ Chúa đã được ai đó lăn đi, xác không còn. Bà lập tức chạy đi báo với các tông đồ.

Theo truyền thuyết, Madalena đã mạnh dạn trình diện với Hoàng đế Tiberius Caesar ở Rome để tuyên bố về sự phục sinh của Chúa Giêsu, với một quả trứng trên tay để minh chứng cho thông điệp của mình: “Chúa đã sống lại!”.

chua-giesu-va-maria-madalena_11zon.jpg
Tranh miêu tả bà Madalena đến mộ Chúa lúc sáng sớm và là chứng nhân cho sự Phục sinh

Hoàng đế chế nhạo bà và nói rằng Chúa Giêsu sống lại thì quả trứng trên tay bà có màu đỏ. Ngay lập tức, quả trứng chuyển sang màu đỏ như một dấu hiệu thiêng liêng.

Trong một truyền thuyết khác, Madalena đã mang theo một giỏ trứng luộc trắng vào buổi sáng Phục sinh đến mộ Chúa Giêsu – có lẽ như một bữa ăn cho bà và những người khác khi họ chờ đợi ai đó lăn tảng đá đi. Khi đến nơi, cô cũng thấy những quả trứng trong giỏ của mình đã sáng lên.

Đây chỉ là truyền thuyết nhưng trong mỹ thuật Công giáo, các tác phẩm miêu tả bà Madalena thường cầm quả trứng màu đỏ.

434174479_431231932900783_921961242358605857_n.jpg
Trang trí trứng Phục sinh là nghệ thuật

Một truyền thuyết khác về nguồn gốc của trứng phục sinh có liên quan đến ông Simon, người đã vác đỡ Thánh giá cho Chúa Giêsu khi Ngài ngã quỵ trong quãng đường lên điểm hành hình tại núi Sọ, rằng ông vốn là người buôn bán trứng. Sau khi chứng kiến cảnh Chúa bị đóng đinh và chết trên thập giá, ông buồn bã trở về thì thấy những quả trứng gà ở nhà mình bỗng nhiên chuyển ra đủ màu rực rỡ: đỏ, cam, vàng, xanh, lam, xám, tím... Từ đó, việc vẽ trang trí trứng ra đời.

web3-egg-jesus-historical-red-faberge-church-christ-mary-saint-getty-images_11zon.jpg

Đối với nhiều nền văn hóa, quả trứng là biểu tượng của sự sáng tạo, mùa xuân và sự tái sinh. Người phương Tây tin rằng Trái đất này vốn được nở ra từ một quả trứng khổng lồ. Tại vùng núi Appalachian, những thầy lang xưa từng dùng quả trứng chín, quay trên bụng bà mẹ mang thai, từ đó dự đoán được khả năng sinh sản của đứa trẻ sau này.

swiecone2007.jpg
Nghi thức ban phép lành trứng Phục sinh tại một nhà thờ ở Ba Lan

Các nghiên cứu khảo cổ chứng minh được rằng, người Ai Cập và Su-me cổ có tập tục trang trí trứng làm quà tặng từ ít nhất 5.000 năm về trước. Có lẽ vì những lý do ấy mà người ta thừa nhận trứng là một biểu tượng không thể thiếu trong ngày lễ Phục Sinh – ngày mừng sự phục sinh của Chúa Giêsu.

140319-easter-egg-tree-01-12p_11zon.jpg
Trang trí cây trứng Phục sinh tại một vùng nông thôn của Đức

Trứng Phục Sinh thường được nhuộm đỏ để tượng trưng cho máu của Chúa Giêsu bị đổ trên thập tự giá. Việc trang trí trứng Phục Sinh là một cách để thể hiện sự sáng tạo và niềm vui của mùa lễ.

Phong tục trang trí và sử dụng trứng trong Lễ Phục sinh của các Kito hữu vô cùng đa dạng ở nhiều nền văn hóa, đem đến niềm vui cho mọi người, nhất là trẻ em.

Vào lễ Phục sinh tại Paris thế kỷ XIII, các tu sĩ nhà thờ và giới trẻ thường nhóm họp với nhau thành đoàn diễu hành có kèn, có trống, rồi vào nhà thờ để ca hát, sau đó họ tản mác khắp mọi nơi trên các đường phố để tìm trứng Paques.

434681336_387095860802223_938657861770183065_n.jpg
Kito hữu Việt Nam cũng hưởng ứng tục trang trí và sử dụng trứng Phục sinh 

Ở Hy Lạp, phụ nữ thường nhuộm trứng bằng vỏ quả hành tây và giấm vào thứ năm (cũng là ngày rước lễ). Những quả trứng trong nghi lễ này được gọi là kokkina avga. Và họ nướng tsoureki cho bữa tiệc Chủ nhật Phục Sinh. Trứng Phục Sinh màu đỏ đôi khi sẽ được bỏ vào dọc theo những con đường trung tâm của bánh mì tsoureki.

636278687482847510-ftc315-easter001_11zon.jpg
Đi tìm trứng Phục sinh trở thành lễ hội cho trẻ em ở nhiều nước

Tại Mỹ, có câu chuyện rằng, vào năm 1870 ngay ngọn đồi Capitol Hill, chỗ tòa nhà Quốc hội tọa lạc ngày nay, vào ngày lễ Phục sinh trẻ em rất thích đến để thả trứng cho lăn xuống đồi rồi cùng lăn theo. Sau vài năm, đồi cỏ ở đây bị hư nát nhiều chỗ khiến Quốc hội đã ra lệnh cấm. Năm 1878, vị Tổng thống thứ 19 của Mỹ là Rutherford B. Hayes (1822-1892), ra nghị quyết cho phép bất cứ trẻ em nào muốn chơi trò lăn trứng có thể đến sân cỏ của Nhà Trắng là nơi ở và làm việc chính thức của Tổng thống Mỹ mà lăn trứng Phục sinh.

434666198_387088947469581_8899600213271064149_n.jpg
Giáo dân Gi áo xứ Thuận Nghĩa (Giáo phận Vinh) chuẩn bị trứng cho Lễ Phục sinh 2024

Tại Việt Nam, vào ngày Lễ Phục sinh, các hội đoàn và ban hành giáo ở các giáo xứ, nhà thờ thường chuẩn bị một số lượng trứng rất lớn vào trước lễ Phục sinh. Sau khi được trang trí, trứng sẽ được các linh mục thực hiện nghi thức ban phép lành, thánh hóa lễ vật. Sau Thánh lễ Vọng Phục sinh, trứng sẽ được phát, tặng cho các giáo dân dự lễ và cả những người ngoại đạo, như một cách chung vui ngày lễ và cảm nhận mầu nhiệm vượt qua.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa quả trứng trong Lễ Phục sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO