Ý nghĩa của việc tụng niệm trong đạo Phật.‏

23/08/2022 12:00

Phần lớn mọi người đều lúng túng trong việc tụng niệm, vì đây là một truyền thống, đến chùa thì tụng kinh. Cha mẹ trước làm thế thì con cháu sau cũng làm theo, nhưng không mấy ai chịu tìm hiểu ý nghĩa của việc tụng niệm.‏

‏Đạo Phật là một tôn giáo hết sức thực tiễn, đề cao sự giải thoát bằng nỗ lực cá nhân chứ không trông cậy vào một năng lực nào đến từ bên ngoài. Do đó, người ta không thể đến với đạo Phật bằng cách trông chờ một đấng nào đó cứu giúp cho, hay một tu sĩ nào tu giùm cho mình, mà phải tự cất bước. Muốn thế, người ta cần phải học và hiểu những điều Đức Phật đã dạy trong kinh chứ không thể tụng kinh mà không hiểu ý được.‏

‏Đọc tụng kinh điển là điều rất hay nếu người ta hiểu được ý nghĩa của những câu kinh, còn nếu không thì được lợi ích gì nếu chỉ đọc suông như con vẹt? Do đó, người tu tập phải chú trọng vào vấn đề học nhưng phải học trong tinh thần tự do tuyệt đối, không nên lệ thuộc vào sự giải thích của bất cứ ai. Phải có óc hoài nghi, vừa học vừa phân tích cẩn thận, xem đúng sai như thế nào. Chỉ khi nào thấy đúng hãy tuân theo. Sự tu hành mà thiếu yếu tố học hỏi này dễ đưa người ta đến sự cuồng tín, mù quáng, hẹp hòi, cố chấp, và như thế là không đúng với giáo lý đề cao việc phát triển trí tuệ của Đức Phật.‏

8.gif

‏Đạo Phật không phải là một lý thuyết hay một mớ tín điều, mà là một lối sống; vì Đức Phật, người khám phá ra những chân lý này, đã minh chứng nó một cách sinh động và hùng hồn bằng chính cuộc đời của ngài.‏

‏Ngài đã can đảm dứt bỏ địa vị cao sang, quyền quý để quyết tâm tìm đạo giải thoát. Ngài chủ trương không ỷ vào bất cứ năng lực bên ngoài nào, như một đấng hay một vị thầy nào đó, mà chỉ hoàn toàn trông cậy vào khả năng sẵn có của mình. Sau khi chứng ngộ, ngài không nhập Niết Bàn ngay mà còn mang những điều mình biết ra chỉ dẫn để giúp nhân loại thoát khỏi những khổ đau hệ lụy của họ.‏

‏Phần lớn mọi người đều lúng túng trong việc tụng niệm, vì đây là một truyền thống, đến chùa thì tụng kinh. Cha mẹ trước làm thế thì con cháu sau cũng làm theo, nhưng không mấy ai chịu tìm hiểu ý nghĩa của việc tụng niệm.‏

y-nghia-cua-tung-niem.gif

‏Tụng là đọc, niệm là suy tưởng đến lời dạy của Đức Phật để làm phương châm cho đời sống hàng ngày và gieo hạt giống giải thoát vào tâm thức. Do đó, người ta cần phải hiểu thật rõ lời dạy của Đức Phật thì mới có ích. Nếu chỉ đọc mà không hiểu gì hết thì chỉ như ca hát vu vơ chứ có ích lợi gì. Khi hiểu biết thật thấu đáo, không còn chút nghi ngờ nào thì mới được.‏

‏Đối với đạo Phật, đức tin đến sau khi người ta đã tự mình chứng nghiệm nó bằng chính năng lực bản thân thì đức tin đó mới vững vàng, không thể lay chuyển. Lòng tin đúng với tinh thần Phật giáo thì không có sự mù quáng, vì càng hiểu thấu đáo bao nhiêu, người ta càng thấy lời dạy của Đức Phật giản dị và rõ ràng bấy nhiêu. Một khi đã hiểu thật rõ thì đâu thể hành động khác với lời dạy của chư Phật được.‏

‏Tóm lại, tụng niệm chính là ôn lại những lời dạy bảo này, gieo nó vào tâm thức mình để chuyển hóa tâm và thân. Tụng niệm là phương thức huân tập tâm thức rất tốt, giúp cho người tụng kiềm chế được thân - khẩu - ý, không nói năng bừa bãi, buông lung theo thói quen nữa và nhờ thế giảm bớt được các nghiệp chướng, tai họa.‏

‏Nguyên Phong‏

Mua sách tại đây:‏

Hoa sen trên tuyết: https://bit.ly/hoatroitrensongnuoc-tk‏

Bộ sách 15 cuốn đầy đủ của Nguyên Phong: https://bit.ly/tronboNguyenPhong15cuontiki‏

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa của việc tụng niệm trong đạo Phật.‏
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO