Ý nghĩa của Tết Nguyên đán

Ngọc Ánh (T/H)| 07/02/2024 21:00

Tết là sự bắt đầu, là khởi nguồn. Ý nghĩa của Tết bao trùm lên mọi mơ ước về những điều tốt đẹp, những điều lành và may mắn…

Nguồn gốc của Tết Nguyên đán

Cho tới bây giờ, Tết Nguyên đán có nguồn gốc thế nào vẫn còn là vấn đề có nhiều kiến giải khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là quan niệm khẳng định nguồn gốc thuần Việt của Tết Nguyên đán - trước khi chính tên gọi này được du nhập và sử dụng để gọi tên cho ngày Tết Việt.

Theo lịch âm dựa trên sự vận động của mặt trăng, mỗi tháng bắt đầu vào một ngày trăng mới. Và năm mới bắt đầu vào ngày trăng xuất hiện sau khi mặt trời ló rạng khỏi chí tuyến nam, dấu hiệu cuối cùng trong ba dấu hiệu mùa đông.

Tết, vì thế mà theo sự diễn biến của cả mặt trăng và mặt trời. Tết mở ra mùa xuân và luôn rơi vào khoảng từ 10 ngày cuối cùng của tháng Một đến ngày thứ ba của tháng Hai.

Nhà sử học Trần Văn Giáp trong bài viết "Nguồn gốc Tết Nguyên đán ở Việt Nam" năm 1963 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I giới thiệu) cũng phân tích, "Tết" hiểu theo gốc chữ Hán là chữ "Tiết", nghĩa là "thời tiết" tức là "Bát tiết" và "khí tiết".

"Bát tiết" theo chữ Hán là Tám ngày thay đổi khí hậu (khí tiết) trong bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, gồm: Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.

Trong tám ngày Tết ấy, Nguyên đán là ngày tết đầu năm, cho nên gọi là Tết Cả, cùng với các tết khác, ở các đình, chùa, đền, miếu đều có cúng lễ linh đình, ở các nhà thờ họ, các nhà riêng đều có làm cỗ bàn cúng lễ và hội họp vui vẻ.

Vì sao lại gọi là Tết Nguyên đán là thắc mắc của nhiều người. Có thể hiểu đơn giản rằng nguyên nghĩa của chữ "Tết" chính là "tiết". Hai chữ "nguyên đán" có gốc chữ Hán; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên đán".

Tết Nguyên đán được người Việt Nam gọi với cái tên rất thân thương "Tết Ta", là để phân biệt với "Tết Tây" (Tết Dương lịch). Còn người Trung Quốc gọi Tết Nguyên đán ngày nay là Xuân tiết, Tân niên hoặc Nông lịch tân niên.

Rồi về sau, do sự phát triển vượt bậc của ngôn ngữ nên chữ "tiết" được Việt hóa thành "Tết" và hình thành nên tên gọi Tết Nguyên đán như ngày nay.

Theo nghiên cứu của nhà sử học Trần Văn Giáp, ngày "Tết Nguyên đán" ở Việt Nam đã có từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nguồn gốc chữ Tết cũng như nghĩa chữ "Tết Nguyên đán" cũng được phổ biến từ thời đó.

Còn theo sự tích "Bánh chưng, bánh dày", Tết Nguyên đán có thể đã xuất hiện từ thời các vua Hùng, với truyền thuyết về chàng Lang Liêu và bánh chưng.

Ý nghĩa của Tết Nguyên đán

NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN
Ý nghĩa Tết Nguyên đán. Đồ họa TTXVN

Chính vì mang tính chất sự khởi đầu của một giai đoạn gieo trồng mới, một tháng mới, mùa mới, năm mới, cho nên Tết có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của người Việt.

Với mỗi người Việt, Tết là dịp đoàn tụ với gia đình. Con cháu đi làm ăn xa, dù bận đến mấy cũng cố gắng về ăn Tết. Mọi người ai nấy đều cố hoàn thành công việc, giải quyết công nợ xong hết trước Tết, để có thể đón một năm mới vui vẻ, bỏ qua những điều không may mắn ở năm cũ.

Chính vì thế, "người ta thổi ống tiêu để đoán tính chất điều kiện khí hậu trong năm; người ta uống rượu để xua đi các hơi lạnh và tử khí, người ta đốt vàng mã để xua đuổi hiểm họa binh đao; người ta giặt quần áo để tránh mọi tật bệnh và sự khốn khó…

Tết Nguyên đán không những thể hiện sự giao thoa giữa trời đất và con người với thần linh mà đây cũng chính là thời điểm đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi dịp Tết đến xuân về, câu hát "Dù đi đâu ai cũng nhớ/Về chung vui bên gia đình" lại vang lên trong lòng những người con xa xứ.

Vào dịp này, mặc dù ở bất cứ nơi đâu, mọi người đều mong muốn được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong những ngày Tết. "Về quê ăn Tết" không còn là khái niệm gì xa xôi với những người đi làm ăn xa, đây còn là cuộc hành hương để tìm về với nguồn cội, nơi mà mình đã chôn rau cắt rốn.

Tết Nguyên đán với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng liêng trang trọng, nhằm tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, với những lời cầu chúc về một năm mạnh khỏe, sinh sôi, mưa thuận gió hòa... là sự khởi đầu về ý thức hệ nông nghiệp và lan rộng trong đời sống tâm linh người Việt.

Cũng theo người Việt, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân trọng những giá trị về nguồn cội. Trong đời sống tâm linh người Việt, có niềm tin bất diệt rằng vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ nhằm chứng kiến lòng thành của con cháu, từ đó phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và an khang trong một năm.

Trong những ngày Tết, con người trở nên gần gũi với nhau hơn, ai cũng muốn vui vẻ, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới. Đây cũng là thời điểm hòa giải lý tưởng cho những bất đồng mâu thuẫn giữa người với người trong cuộc sống.

Mọi người chỉ xem các chương trình vui nhộn và nghĩ đến những điều hạnh phúc, ăn no uống say, thưởng thức những món ngon trong không khí trang trọng, khoác lên mình những bộ quần áo đẹp nhất, nói những điều đẹp đẽ nhất, trao nhau những điều ước và những lời chúc tụng tốt đẹp.

Đó là một sự nghỉ ngơi, một hiệp định đình chiến, chấm dứt mọi tranh đấu và ganh đua, một giấc mơ hạnh phúc lớn lao…

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa của Tết Nguyên đán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO