Ý nghĩa chuyến công tác 3 nước châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Hoài Thu| 14/01/2024 19:52

Chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng tham dự WEF Davos có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện, nhằm trao đổi, lắng nghe "nhịp đập" của thế giới, tận dụng thời cơ để ứng phó với các thách thức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ), thăm chính thức Hungary và Romania, theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Romani Ion-Marcel Ciolacu.

Chuyến công tác của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới 3 nước châu Âu diễn ra từ ngày 16 đến 23/1, mang nhiều ý nghĩa quan trọng, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.

Ý nghĩa chuyến công tác 3 nước châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính - 1

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Minh Hằng (Ảnh: Hồng Phong).

Tạo động lực tăng trưởng mới, giải quyết các thách thức cũ

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF Davos), trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường. Vậy, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến công tác này là gì, thưa bà?

- Hội nghị WEF Davos lần thứ 54 diễn ra từ ngày 15 đến 19/1 với chủ đề "Tái thiết lòng tin". Đây là Hội nghị WEF Davos có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19 và có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế nhất từ trước đến nay.

Với sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu, Hội nghị năm nay thực sự là sự kiện có quy mô hàng đầu thế giới để chia sẻ ý tưởng, thảo luận hấp dẫn, đa chiều về triển vọng kinh tế thế giới, những xu thế mới và tầm nhìn phát triển toàn cầu.

Hội nghị cũng nhằm thúc đẩy, kết nối hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và trên nhiều lĩnh vực giữa các nước và với các doanh nghiệp; đồng thời huy động sức mạnh tổng lực toàn cầu, nhất là hợp tác công - tư, để tạo các động lực tăng trưởng mới, giải quyết thách thức chung trong bối cảnh khó khăn, rủi ro, bất định hiện nay.

Chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos năm nay vì thế có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, Hội nghị là cơ hội giá trị để nắm bắt những tư duy, ý tưởng, mô hình phát triển, mô hình quản trị và các xu thế phát triển của thế giới, hay nói cách khác là trao đổi, lắng nghe "nhịp đập" của thế giới, từ đó tranh thủ, tận dụng kịp thời những thời cơ, xu thế mới, ứng phó hiệu quả với những thách thức đặt ra, thu hút tối đa nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ hai, đây là thời điểm lý tưởng để Việt Nam chia sẻ, quảng bá những thành tựu, định hướng, chiến lược phát triển đất nước, chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu.

Thứ ba, sự tham dự của Thủ tướng cùng những chia sẻ, đánh giá, đề xuất của Thủ tướng về tình hình, quan điểm, tư duy phát triển ở tầm toàn cầu, sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức nổi lên.

Ý nghĩa chuyến công tác 3 nước châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch WEF Klaus Schwab nhân tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia, hồi tháng 9/2023 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Việc này cũng khẳng định đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam đối với hòa bình, phát triển và các vấn đề quan tâm chung, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Cuối cùng, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tại Davos, Hội nghị cũng là dịp để tăng cường trao đổi, thúc đẩy hợp tác với Thụy Sỹ và các đối tác, tổ chức quốc tế, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế - thương mại - đầu tư.

Dự kiến Việt Nam sẽ có đóng góp gì cho hội nghị này, thưa Thứ trưởng?

- Thủ tướng dự kiến có một lịch trình hoạt động liên tục tại Hội nghị WEF Davos năm nay, gồm tham dự và phát biểu tại các phiên thảo luận quan trọng, trong đó có một số phiên đặc biệt dành riêng cho Việt Nam, chủ trì nhiều tọa đàm với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.

Việc Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược Quốc gia với WEF và Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong 8 lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế, quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam.

Tại hội nghị, Thủ tướng sẽ chia sẻ những đánh giá, nhận định, quan điểm của Việt Nam về triển vọng, thời cơ và thách thức, xu hướng điều chỉnh của kinh tế thế giới.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ đề xuất giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế, tái thiết lòng tin, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, giữa chính phủ với doanh nghiệp và các đối tác nhằm chia sẻ trách nhiệm chung, xoay chuyển tình thế, biến thách thức thành cơ hội.

Ý nghĩa chuyến công tác 3 nước châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giáo sư Klaus Schwab tại WEF tổ chức tại Trung Quốc, hồi tháng 6/2023 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trách nhiệm của Việt Nam trong xử lý các thách thức toàn cầu cũng sẽ được nhấn mạnh tại hội nghị, nhất là trong các lĩnh vực ta có thế mạnh như an ninh lương thực, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng…

Việt Nam cũng sẽ trao đổi và đề xuất những định hướng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, vai trò trung tâm của ASEAN và Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng, củng cố các liên kết thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, giúp phục hồi kinh tế, tăng cường tính chống chịu của kinh tế toàn cầu.

Thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng

Sau khi dự Hội nghị WEF Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ lên đường thăm chính thức Hungary và Romania. Những chuyến thăm này có ý nghĩa đặc biệt thế nào, thưa bà?

- Hungary và Romania là hai trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi chúng ta giành độc lập.

Nhìn lại chặng đường hơn 70 năm qua, Chính phủ và nhân dân hai nước đã luôn dành cho Việt Nam những tình cảm và sự hỗ trợ to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Hai quốc gia này cũng rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong quá trình đàm phán, ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Chuyến thăm của Thủ tướng có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tiếp tục triển khai một cách nhất quán chủ trương đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trong đó, tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bạn bè truyền thống.

Ý nghĩa chuyến công tác 3 nước châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Romania Klaus Iohannis nhân dịp tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 78 tại New York, Mỹ hồi tháng 9/2023 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, làm việc với các lãnh đạo cấp cao của Hungary và Romania, thăm các địa phương, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp, gặp gỡ đông đảo bạn bè trong Hội hữu nghị Việt Nam với Hungary và Romania, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hai nước.

Chuyến thăm này sẽ góp phần gia tăng tin cậy chính trị, thúc đẩy và đưa những lĩnh vực hợp tác truyền thống như kinh tế, thương mại, lao động, văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực… sang một giai đoạn mới đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước; thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, dược phẩm, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng cũng là cơ hội để Việt Nam cùng Hu8ng và Romania đẩy mạnh hợp tác nhằm kết nối quan hệ giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông Âu và giữa hai nước với ASEAN, phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/y-nghia-chuyen-cong-tac-3-nuoc-chau-au-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-20240114173822383.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/y-nghia-chuyen-cong-tac-3-nuoc-chau-au-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-20240114173822383.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
  • Ám ảnh cảnh giết mổ, chủ quán ở Đồng Nai nghỉ bán, 'trả tự do' cho 16 con chó
    Không muốn các con thấy cảnh giết mổ, chủ quán ở Đồng Nai thường dậy sớm làm thịt chó. Mới đây, anh quyết định nghỉ bán, chuyển nghề sau nhiều năm sống trong ám ảnh.
  • Độc lạ món cá sống ủ chua thành đặc sản
    Trước đây, cá sống được người dân ở Vĩnh Phúc sơ chế sạch và đem ủ với thính để muối chua nhằm kéo dài thời gian bảo quản. Lâu dần, món ăn này trở thành đặc sản có vị lạ miệng, hút khách thập phương.
  • Phát triển du lịch văn hóa nhìn từ thực tiễn sống động tại TP.HCM
    Biểu tượng (logo) của ngành du lịch TP.HCM là hình ảnh chợ Bến Thành, kết hợp cùng khẩu hiệu (slogan) “Vibrant Ho Chi Minh City - TP.HCM Sống động”, phủ lên dải quang phổ đa sắc màu. Nếu hình dung bức tranh du lịch TP.HCM qua sự phong phú màu sắc như thế, thì ở đó, không thể thiếu thực tiễn sống động của du lịch văn hóa - mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, dựa trên các giá trị đặc sắc của vùng đất đa dạng văn hóa, giàu tài nguyên du lịch văn hóa.
  • Malaysia được coi như cửa ngõ tiến vào thị trường Đông Nam Á
    Với nền kinh tế đa dạng, cơ sở hạ tầng tiên tiến và vị trí chiến lược tại trung tâm ASEAN, Malaysia được coi là cửa ngõ cho các doanh nghiệp muốn tận dụng tiềm năng của thị trường khu vực.
  • Cần bao nhiêu điểm IELTS để du học?
    IELTS là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến và quan trọng nhất dành cho các bạn trẻ muốn du học. Đây không chỉ là tấm vé thông hành giúp bạn chứng minh năng lực ngôn ngữ mà còn là yếu tố quyết định bạn có đủ điều kiện nhập học tại các quốc gia như Úc, Canada, Mỹ, Anh, và New Zealand hay không. Tuy nhiên, mức điểm yêu cầu lại không giống nhau giữa các quốc gia, các trường và thậm chí là từng chương trình học.
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa chuyến công tác 3 nước châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO