Y, bác sĩ không thể sống và cống hiến trong thiếu thốn

Kim Nhung| 04/10/2022 07:32

Nghề y là một nghề thật đặc biệt và cao quý. Thế nhưng học y đã khó, sống được với nghề y lại càng khó khăn hơn. Khi mà thu nhập của y bác sĩ không được cải thiện, việc “chân trong chân ngoài”, xuyên tỉnh đi làm thêm cũng là điều dễ hiểu.

Ám ảnh nỗi lo kinh tế

Khó khăn về kinh tế là nguyên nhân được chỉ ra, khiến 4 bác sĩ tại Bệnh viện TP Thủ Đức bất chấp vượt gần trăm cây số từ xuống phòng khám tư ở tỉnh Tiền Giang làm thêm. Trên thực tế, khó khăn này vẫn là nỗi thường trực của rất nhiều nhân viên y tế tại các cơ sở công lập.

Ra trường từ năm 2015, hiện theo học chuyên khoa I tại Hà Nội, mức lương mà bác sĩ N.K nhận được rơi vào khoảng 6 triệu đồng/tháng (trong đó hệ số lương là 3.0 và phụ cấp nghề 40%, cộng thêm khoảng 300.000 đồng cho 2 buổi trực).

“Sau gần 7 năm công tác, lương tôi nhận được chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng/tháng. Thú thực, tôi chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt và thuê trọ tại Hà Nội, chứ không đủ để phụ giúp gia đình.

Ai mà không mong muốn kết thúc ca làm việc được về nghỉ ngơi bên gia đình, cuối tuần cùng bạn bè tụ tập cafe? Nhưng điều kiện kinh tế không cho phép chúng tôi được thoải mái như vậy” - bác sĩ N.K chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ N.K, nhân viên y tế là những người ăn lương theo bậc viên chức. Nếu không làm thêm thì rất khó trụ nổi, nhất là các bác sĩ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương “còm cõi” kia thì thực sự là họ chỉ đang cống hiến, làm việc và cố gắng sống cho qua ngày.

Ảnh: LĐO
Thu nhập thấp, khó khăn về kinh tế luôn là nỗi lo thường trực của rất nhiều y bác sĩ tại các cơ sở công lập. Ảnh minh họa: LĐO

Cùng là một viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, chị Trần Thị Bình (ở Thái Bình) bày tỏ sự cảm thông trước việc 4 bác sĩ đi làm thêm xuyên tỉnh.

“Chế độ đãi ngộ dành cho ngành y tế hiện nay không tốt, nói thẳng là thấp. Hiện tượng chân trong chân ngoài cũng là điều dễ hiểu. Bởi nếu chỉ trông chờ vào mấy đồng lương chỉ có đói.

Bản thân tôi là một giáo viên biên chế lương bậc 1, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Không tìm việc làm thêm thì 4 triệu ấy chẳng đủ nuôi thân chứ nói gì nuôi con. Nhiều lúc nghĩ mà chỉ muốn bỏ nghề, nói gì đến các bác sĩ” - chị Bình chia sẻ.

Cần sớm có giải pháp tháo gỡ

Sự việc 4 bác sĩ đi làm thêm xuyên tỉnh, nếu nhìn ở góc độ người dân, những người không có điều kiện đến các bệnh viện lớn khám bệnh, nay được các bác sĩ có chuyên môn từ thành phố lớn về thăm khám giúp họ tiết kiệm chi phí, thời gian di chuyển, lại được xem là việc đáng làm. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Huyền - Trưởng phòng Tổng đài tư vấn pháp luật, Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự, vẫn nên thẳng thắn nhìn nhận lỗi sai để tìm ra giải pháp.

“Cuộc sống khó khăn có thể hiểu, tuy nhiên, sai vẫn là sai. Nếu các bác sĩ tự ý bỏ đi khám bệnh tại phòng khám tư trong giờ làm tại bệnh viện, thì dù có nhờ đồng nghiệp hỗ trợ trong lúc vắng vẫn bị coi là sai phạm.

Các bác sĩ trên đều là viên chức làm việc tại Bệnh viện Thủ Đức, được hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị. Họ không nên tự ý sang đơn vị, cơ quan khác làm việc trong giờ hành chính. Luật đã quy định rõ ràng thì phải thực hiện, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng đồng nghĩa với vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định.

Xử lý sai phạm là việc nên làm, song việc tìm ra biện pháp nhằm cải thiện thu nhập chính đáng cho đội ngũ nhân viên y tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay mới là điều cấp thiết, cần đặt lên hàng đầu” - vị đại diện Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự nhấn mạnh. 

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/y-bac-si-khong-the-song-va-cong-hien-trong-thieu-thon-1100454.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/y-bac-si-khong-the-song-va-cong-hien-trong-thieu-thon-1100454.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Y, bác sĩ không thể sống và cống hiến trong thiếu thốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO