Mắt cá ngừ đại dương
Hiếm có món ăn nào khiến thực khách vừa sợ lại vừa “ghiền” như món mắt cá ngừ đại dương. “Sợ hãi” là cảm giác ngay khi vừa nghe tên món ăn, nhưng nếu một lần thử cảm nhận bằng vị giác thì đây lại là món ăn hấp dẫn, thú vị và tuyệt ngon.
Mắt cá ngừ đại dương là món ăn trứ danh ở Phú Yên. Năm 2014, món ăn này được Hội Kỷ lục gia bầu chọn Top 10 Đặc sản hải sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Được mệnh danh là thủ phủ cá ngừ đại dương, vào tháng giêng hàng năm, ngư dân Phú Yên bắt đầu dong buồm đưa thuyền xa bờ đánh bắt cá ngừ. Nhưng phải tới tháng 4 mới là mùa cao điểm.
Đến Phú Yên, du khách nhớ ghé làng biển Phú Câu (Tuy Hoà), nơi ngư dân nổi tiếng là “mát tay” với nghề câu cá ngừ đại dương. Lúc những chiếc thuyền cập cảng cá, những con cá ngừ đại dương có thể nặng tới 40 – 45kg được đưa lên bờ, rửa sạch và cho vào thùng xe lạnh đem đi phân phối.
Cá ngừ đại dương có giá trị dinh dưỡng rất cao nên được chế biến ra nhiều món ăn phong phú. Phần thịt cá sẽ được xuất khẩu, còn mắt cá ngừ vốn có kích thước to, trọng lượng 100-200gr/mắt, thường được ví von là “đèn pha” của biển cả chứa nhiều DHA và Omega 3 tốt cho sức khoẻ, được người dân đem hầm thuốc bắc, làm nên món ăn hương vị độc đáo có một không hai.
Mắt cá ngừ là đặc sản nên nhiều khi không đủ để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn. Nếu có dịp ra Phú Yên đừng ngần ngại “ăn tới luôn” với món đặc sản có “1-0-2” này. Trong số các quán bán mắt cá ngừ Phú Yên, nổi tiếng nhất phải kể đến quán bà Tám trên đường Lê Duẩn, TP Tuy Hoà. Buổi tối tầm 6h30 – 7h quán rất đông khách.
Mắt cá ngừ được tiềm trong chiếc thố miệng nhỏ nên giữ được độ nóng ấm và hương vị món ăn. Khâu chế biến khó nhất với món ăn này chính là khử mùi tanh. Người dân nơi đây thường mang mắt cá chần qua nước muối nấu sôi, rửa sạch, bỏ các gân máu, sau đó mang đi hấp với lá dứa, sả, gừng khử mùi và tăng hương vị. Sau khâu khử mùi, mắt cá sẽ được tẩm ướp và tiềm với các vị thuốc bắc (táo tàu, kỷ tử…), hành, ớt, tiêu, tỏi… để cho món ăn thêm trọn vị và đậm đà hơn.
Mắt cá ngừ phải được dùng nóng mới ngon và thường được ăn kèm với rau cải ngọt thái sợi, bánh đa nướng, chén nước tương cay. Vị béo béo, bùi bùi của mắt cá ngừ và gia vị thuốc bắc sẽ đem đến những cảm nhận ẩm thực địa phương độc đáo cho du khách.
Ngày nay món mắt cá ngừ đại dương xuất hiện trong thực đơn một số nhà hàng, tuy nhiên cách chế biến và hương vị khó lòng so bì tại chính quê hương của món ăn này.
Dê Chóp Chài
Dê núi Chóp Chài là món ăn đặc sản nổi tiếng ở Phú Yên. Theo người dân địa phương, trên triền núi Chóp Chài (nằm ở ngoại ô thành phố Tuy Hoà) được chăn thả rất nhiều dê. Thức ăn của chúng hoàn toàn tự nhiên nên thịt dê khi chế biến cho ra những món ăn thơm ngon độc đáo. Chính vì thế khách du lịch khi tới Phú Yên đều muốn một lần được thưởng thức đặc sản dê núi Chóp Chài.
Từ thịt dê Chóp Chài người dân chế biến rất nhiều món ăn ngon và đậm đà. Đầu tiên, có thể kể đến món dê hấp cuốn với lá mơ. Vị lá mơ cuốn thịt dê và chấm mắm ruốc được pha sẵn với công thức riêng đảm bảo món ăn ngon “hết nước chấm”. Hoặc nếu có sở thích khác, thực khách có thể chấm với chao cũng mang mùi vị rất riêng. Ngoài lá mơ, món ăn này còn được dùng kèm với cải xanh, rau ngò, bắp chuối bào… Vị nhiều loại rau hoà chung với nước chấm và vị ngọt mềm của thịt dê Chóp Chài khiến thực khách xuýt xoa.
Dê nướng cù lao, tên món ăn khá lạ. Sở dĩ gọi là dù lao vì nồi nướng có một cái ụ to ở giữa để đổ dầu lên nướng thịt dê. Trước khi nướng, người ta sẽ đập một trái trứng gà ta lên dĩa thịt dê được tẩm ướp gia vị, sau đó trộn đều và cho lên phần dầu để nướng. Với thiết kế nồi nướng đặc biệt, khi dầu sôi tràn xuống tầng dưới sẽ làm chín các loại rau củ.
Dê nướng lá lốt: Món ăn này được chế biến khá kì công, thịt băm nhỏ ướp chung với hành tím rất dậy mùi và nêm nếp thêm các loại gia vị khác. Ướp khoảng 20 phút, người ta sẽ tráng một lớp mỏng thịt dê trên lá lốt, quấn lại và bắt đầu nướng. Món thịt dê Chóp Chài nướng lá lốt được chấm với muối é trắng siêm rừng. Loại muối đặc sản được làm từ lá é trắng, mùi thơm thanh và trồng nhiều ở Phú Yên.
Bắp nướng mắm nêm
Nếu bạn đã quá quen với vị của bắp nướng mỡ hành, bắp luộc, bắp xào… thì đến Phú Yên đừng bỏ lỡ cơ hội đổi vị. Bắp nướng mắm nêm (mắm đục) được bán dọc nhiều tuyến đường ở thành phố Tuy Hoà. Nào là trên xe đẩy, dựng lều, hay đơn giản là ngồi vỉa hè nướng bắp trên khay than đỏ rực.
Món ăn tuy có hơi “nặng mùi” nhưng đã ăn qua đảm bảo thực khách sẽ nhớ mãi. Những trái bắp vàng ươm, hạt căng mướt xếp đều trên vỉ nướng. Điểm nhấn của món ăn này chính là mùi vị mắm nêm và lá hẹ. Khoảng thời gian đợi người bán nướng bắp, nhìn những hạt bắp lần lượt được rưới lên những muỗng mắm nêm, cùng lớp rau hẹ xắt nhuyễn dễ khiến bạn thèm thuồng.
Mùi vị mằn mặn, nồng nàn của mắm nêm quyện với vị dẻo ngọt của hạt bắp, thơm thanh của lá hẹ đủ để bạn cảm nhận trọn vẹn món ăn với đủ tầng hương vị đan xen.
Sò huyết đầm Ô Loan
Cách trung tâm Tuy Hoà 25km, những bè nổi ở đầm Ô Loan nổi tiếng về nuôi sò huyết. Sò huyết đầm Ô Loan thịt dày, béo, ngon ngọt nổi tiếng “danh bất hư truyền” khó nơi nào bì kịp. Sò được nuôi quanh năm nhưng ăn ngon nhất là lúc giao mùa. Có nhiều món ăn ngon được chế biến từ sò huyết như nướng mọi, xào me, cháy tỏi, hấp xả, rang muối ớt, nấu cháo… Cách chế biến có thể khác nhau, nhưng mùi vị món ăn khiến thực khách phải gật gù tấm tắc ngợi khen.
Bánh canh hẹ
Đến Phú Yên, lang thang ven đường ở vào thời điểm nào du khách cũng dễ dàng thưởng thức bát bánh canh đầy ụ lá hẹ. Món ăn bình dị nhưng chế biến tỉ mẩn và công phu làm nên hương vị đặc trưng trong ẩm thực xứ “hoa vàng cỏ xanh”.
Nhắc tới món ăn này, nhiều thực khách đùa rằng, bánh canh hẹ là tên gọi tắt thôi, đầy đủ phải là “bánh canh bột gạo chả cá một nùi lá hẹ”. Hẳn khi ăn, thực khách cũng tò mò sao bánh canh ở đây lại nhiều hẹ đến thế! Trong cõi ăn không có gì là “vô duyên vô cớ”, để làm nên hương vị tuyệt hảo luôn chứa đựng nhiều dụng tâm của người nấu.
Nước dùng trong bánh canh không dùng xương heo hay thịt như nhiều nơi khác, ở Phú Yên người nấu dùng cá biển cho vị ngọt thanh tự nhiên. Vì nấu từ cá biển, nước dùng mang dư vị biển nên sẽ có mùi tanh nhẹ của cá, để giảm mùi tanh người ta sẽ bỏ vào rất nhiều lá hẹ và cũng làm tăng thêm hương thơm món ăn.
Bánh canh bột gạo cũng có hai loại. Loại sợi nhỏ, trước khi ăn sẽ được trụng qua nước sôi cho sợi bánh chín. Sau đó sẽ được thêm cả cá, thịt cá, chan nước dùng ngập bánh, thêm chút hạt tiêu và phủ xanh bát bánh canh bằng lá hẹ.
Loại bánh canh khác là sợi to. Loại này thường được nấu chín sẵn trong nồi nước và hơi đặc. Khâu hoàn chỉnh món ăn cũng đơn giản hơn, chỉ cần múc ra tô, thêm chả cá, trứng cút lộn và lá hẹ là xong. Tuỳ vào khẩu vị, thực khách có thể gia giảm và thêm ớt.