Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự cuộc họp khẩn cấp ở Brussels để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. (Nguồn: Topmostpopular.com) |
Có được lòng tin của châu Âu
Đích thân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã mời Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tham dự cuộc họp khẩn cấp ở Brussels để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Là đại diện châu Á duy nhất tại sự kiện này, ông Kishida có cơ hội kết nối lại với các nhà lãnh đạo của nhóm G7, trong đó Nhật Bản là một thành viên. Đức hiện là chủ tịch của G7. Ông Kishida cũng được mời tham dự một cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mặc dù Nhật Bản không phải là thành viên của hiệp ước này.
Theo Yomiuri Shimbun, ông Kishida đã tỏ ra "bất ngờ" khi được mời tham dự hội nghị ở Bỉ, nhưng nhà lãnh đạo Nhật Bản đã đồng ý ngay lập tức cho dù lịch trình bận rộn.
Nhờ tham dự cuộc họp này, Thủ tướng Kishida có thể trò chuyện trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Cuộc trao đổi với ông Scholz dù ngắn nhưng tích cực.
Thủ tướng Đức nhiệt liệt nói về Nhật Bản với tư cách là một đối tác được đánh giá cao ở châu Á. Dưới thời người tiền nhiệm của ông Scholz là bà Angela Merkel, Nhật Bản đứng thứ hai sau Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của Đức.
Trong bối cảnh có xung đột ở châu Âu, việc ông Kishida ủng hộ Mỹ và phương Tây không có gì bất ngờ, đồng thời nhấn mạnh mối quan ngại đặc biệt về nguy cơ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Ngay sau khi trở lại Nhật Bản, Thủ tướng Kishida đã tiếp tân Đại sứ Mỹ Rahm Emanuel trong chuyến thăm thành phố Hiroshima, nơi ông có bài phát biểu nhắc lại về sự tàn phá do vũ khí hạt nhân gây ra.
Những hành động và tuyên bố này rất quan trọng trong chương trình nghị sự quốc phòng và an ninh của Nhật Bản. Tuy nhiên, vai trò chính của ông Kishida tại cuộc họp G7 ở Brussels là tham gia thảo luận về cách giảm thiểu thiệt hại kinh tế liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng hậu quả từ chiến tranh sẽ làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu 1,1%, trong đó châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn Mỹ. Nhật Bản chỉ nhập khẩu 4% dầu và 9% khí đốt tự nhiên từ Nga, vì vậy nước này không phụ thuộc nhiều vào nguồn nhiên liệu của Moscow như châu Âu.
Tuy nhiên, các vấn đề trong nền kinh tế của các đối tác thương mại lớn, chẳng hạn như lạm phát kèm theo đình trệ, sẽ có tác động rất tiêu cực đến Nhật Bản. Hơn nữa, giá dầu thô tăng cao đang đè nặng lên tài khoản vãng lai của nước này. Theo Financial Times, tháng 1 năm nay, Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn nhất trong 8 năm qua.
Những lo ngại trên không khiến ông Kishida chùn bước trong việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm trừng phạt Nga.
Phát biểu với các phóng viên tại Brussels, ông cho biết một dự thảo luật sẽ sớm được chuẩn bị nhằm mục đích ngừng xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ, đồng thời cắt đứt liên kết giữa Nhật Bản với các nhà tài phiệt Nga. Các thành viên Nội các gần như chắc chắn sẽ ủng hộ các động thái như vậy.
Do Nhật Bản không phải là đối tác thương mại lớn của Moscow nên sự thay đổi về chính sách kinh tế của Tokyo với Moscow khó có thể ảnh hưởng nhiều đến Nga. Tuy nhiên, điều này có ý nghĩa quan trọng về mặt quan hệ quốc tế vì nó báo hiệu rằng Nhật Bản đã quyết định ngừng các nỗ lực thắt chặt quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngày 23/3 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được hoan nghênh khi phát biểu trước các nhà lập pháp ở Tokyo qua hình thức trực tuyến. Trong bài phát biểu, ông Zelensky kêu gọi Nhật Bản ban hành một lệnh cấm vận thương mại với Nga để giảm nguồn tài trợ cho quân đội Nga. Ông cho rằng cần phải bảo vệ những người Ukraine đang chiến đấu với quân đội Nga.
Thông điệp về chính sách nhất quán
Một mối quan tâm khác đối với Thủ tướng Kishida là quan hệ giữa Nga và Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả mối quan hệ Trung Quốc-Nga là “vững như bàn thạch”, mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định họ đang giữ lập trường khách quan đối với tình hình Ukraine, đồng thời cho biết những tuyên bố về việc Bắc Kinh ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là “thông tin sai lệch”.
Tại hai cuộc họp song song ở Brussels, lãnh đạo các nước G7 cũng đã đề cập đến vai trò của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng kêu gọi Trung Quốc kiềm chế ủng hộ các chiến lược của Nga, đồng thời “sử dụng ảnh hưởng đáng kể của mình đối với Nga để thúc đẩy một giải pháp hòa bình và nhanh chóng”. Nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga về quân sự, một làn sóng trừng phạt từ phương Tây có thể sẽ ập đến.
Các tác động quốc tế cũng rất sâu sắc. Cảnh báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về mức suy giảm kinh tế toàn cầu 1,1% dường như vẫn còn rất “lạc quan” nếu Trung Quốc cũng bị cuốn vào vòng xoáy trừng phạt.
Trong viễn cảnh đó, Nhật Bản, quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp trong nhiều thập kỷ, chắc chắn sẽ phải đối mặt với suy thoái.
Bất chấp chiến tranh ở châu Âu và căng thẳng leo thang ở Đông Á, tầm nhìn của Thủ tướng Kishida đối với Nhật Bản vẫn không bị hạn chế. Ông tin rằng đất nước của mình có thể nổi bật như một ngọn hải đăng. Thông điệp của Thủ tướng Kishida là không can thiệp và đôi bên cùng có lợi.
Có lẽ Bộ Ngoại giao Đức đã chấp nhận đây là một thông điệp đáng tin cậy và coi Nhật Bản là một đối tác quan trọng với nhiều đề xuất. Giờ đây, Thủ tướng Kishida sẽ phải thuyết phục các nhà lãnh đạo khác trên thế giới về giá trị của Nhật Bản, vào thời điểm rất rối ren này.