Xung đột Nga-Ukraine leo thang làm gia tăng nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu. (Nguồn: Daily Mail) |
Ngày 24/2, phần lớn thế giới đã bị đánh động trước nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu sau khi Tổng thống Nga Vladimir V. Putin tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ít nhất 40 binh sĩ Ukraine được báo cáo đã thiệt mạng trong vài giờ sau khi nổ ra xung đột, cùng với ước tính hàng chục nghìn người chết. Nhưng ngoài sự đổ máu được dự đoán trước, các hình phạt kinh tế để trừng phạt Nga cũng được cho là sẽ gây “hậu quả” trên toàn thế giới.
Chi phí năng lượng gia tăng và chuỗi cung ứng có khả năng chậm lại sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Các cuộc tấn công mạng của Nga có thể làm tê liệt cơ sở hạ tầng điện tử. Một cuộc khủng hoảng tị nạn mới sẽ cần đến sự trợ giúp của quốc tế. Và một kỷ nguyên tương đối yên bình ở phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh có thể sắp kết thúc.
Dồn quân về phía Đông của NATO
Nhiều binh sĩ Mỹ đến Ba Lan trong tháng này đã làm việc với các lực lượng nước chủ nhà để thiết lập các trung tâm xử lý nhằm giúp những người chạy khỏi Ukraine.
Ngày 24/2, NATO thông báo rằng họ đang gửi quân tiếp viện đến sườn phía Đông của mình, cùng với khoảng 6.500 binh sĩ Mỹ mà Lầu Năm Góc đã điều động đến Đông Âu và Baltic.
NATO cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đang triển khai thêm các lực lượng bộ binh và không quân tới sườn phía Đông của liên minh, cũng như bổ sung các tàu chiến. Các lực lượng của chúng tôi đã sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra".
Lầu Năm Góc cũng đang tái bố trí khoảng 1.000 quân ở châu Âu. Khoảng 800 binh sĩ Mỹ di chuyển đến Baltic từ Italy; 20 máy bay trực thăng Apache hướng đến Baltic từ Đức, và 12 chiếc Apache đến Ba Lan từ Hy Lạp.
Lầu Năm Góc cho biết, 8 tiêm kích tấn công F-35 từ Đức đang hướng tới Litva, Estonia và Romania. Ngoài ra, quân đội Mỹ, bao gồm cả Sư đoàn Dù 82 và 101, đang chuẩn bị tiến gần hơn đến biên giới Ba Lan-Ukraine để giúp hỗ trợ những người chạy khỏi nước này.
Trong những ngày tới, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sẽ đánh giá loại hỗ trợ nào mà Mỹ có thể thực hiện với Ukraine. CIA có thể bí mật cung cấp thông tin tình báo và vũ khí cho các lực lượng kháng chiến.
Ông Mick Mulroy, cựu sỹ quan CIA và là cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết: “Chúng ta cần hỗ trợ cuộc kháng chiến của Ukraine bằng mọi cách có thể".
Các lệnh trừng phạt “nghiêm khắc”
Ngày 24/2, các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden có kế hoạch công bố "các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc" đối với Nga nhằm ngăn cản Moscow tiến hành thêm các vụ bạo lực ở Ukraine và trừng phạt nước này vì các hành động của họ. Các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo dự kiến sẽ khắc nghiệt hơn nhiều.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thông báo: “Chúng tôi đã thẳng thắn với người dân Mỹ rằng các biện pháp của chúng tôi-những biện pháp mà chúng tôi đã và chuẩn bị áp đặt lên Liên bang Nga-chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho Liên bang Nga. Nhưng chúng sẽ không phải hoàn toàn gây thiệt hại đối với phần còn lại của thế giới”.
Mặc dù vậy, gánh nặng kinh tế mới đến vào thời điểm khó khăn đối với ông Biden, khi ông phải đối mặt với sự thất vọng của cử tri về lạm phát trong bối cảnh chưa đầy 9 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ.
Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ đưa vấn đề khó khăn kinh tế trong nước để chỉ trích ông Biden và các đảng viên Dân chủ. Một số nhà phân tích cho rằng ông Putin coi sự chia rẽ chính trị như vậy là một lợi thế chiến lược.
Cánh cửa cho ngoại giao?
Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển nhân sự của mình từ Ukraine đến Ba Lan, tiếp tục giúp đỡ chính phủ ở Kiev và cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho các công dân Mỹ muốn rời Ukraine. Hôm 23/2, ông Price ước tính rằng số người Mỹ ở Ukraine ít hơn rất nhiều so với 6.600 người được cho là ở nước này vào mùa Thu năm ngoái.
Câu hỏi lớn hơn đối với phần còn lại của thế giới là chiến dịch quân sự đặc biệt của ông Putin có phá vỡ các hệ thống quốc tế có sự tham gia của Nga hay không.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một bài phát biểu vào sáng 24/2: “Các sự kiện đêm qua là một bước ngoặt trong lịch sử của châu Âu và của đất nước chúng tôi. Chúng sẽ gây ra những hậu quả sâu sắc và lâu dài cho cuộc sống của chúng ta".
Các nhà ngoại giao đại diện cho Nhóm 7 nước công nghiệp lớn nhất thế giới (G7), NATO, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu đã nhóm họp vào cuối ngày 24/2 để vạch ra các bước tiếp theo. Nhưng Nga có quyền phủ quyết trong HĐBA, hoàn toàn có thể tác động tới bất kỳ giải pháp nào mà HĐBA đề xuất nhằm kiềm chế ông Putin.
Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken có thể sớm tới châu Âu để gặp gỡ các đồng minh và đảm bảo rằng một mặt trận thống nhất ứng phó với Nga vẫn còn. Ông đã hủy một cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov, vốn đã được lên lịch vào ngày 24/2 tại Geneva và mô tả nó là không hiệu quả vì quân đội Nga đã nổ súng.
Ông Blinken nói trên ABC News sau đó: “Nếu Nga chứng minh rằng họ thực sự nghiêm túc về điều đó, nhưng tiếc là họ đang làm ngược lại, chúng tôi chắc chắn sẽ theo đuổi con đường ngoại giao. Về mặt ngoại giao, chúng tôi đã cố gắng tránh xung đột thông qua đối thoại. Song chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nếu Nga quyết định chọn con đường quân sự".
Hiện không ai biết rõ con đường ngoại giao có tiếp tục bị đóng lại trước thực tế đang diễn ra hay không.