Xung đột Nga-Ukraine: 'Hàn thử biểu' đo quan hệ Mỹ-Ấn Độ

Vy Anh| 23/04/2022 10:58

Lập trường trung lập của Ấn Độ đối với xung đột Nga-Ukraine có thể khiến quan hệ Washington-New Delhi đối mặt với nhiều khác biệt và thử thách.

Xung đột Nga-Ukraine: Hàn thử biểu quan hệ Mỹ-Ấn Độ
Xung đột Nga-Ukraine buộc Ấn Độ phải đứng trước bài toán khó trong ứng xử với Mỹ. (Nguồn: East Asia Forum)

Trong một bài phân tích gần đây trên East Asia Forum, hai chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế của Ấn Độ Sameer Patil (thuộc Quỹ nghiên cứu quan sát) và Uday Patil (thuộc Học viện Giáo dục Đại học Manipal) đã đánh giá lập trường của Ấn Độ đối với xung đột Ukraine cũng như tác động của xung đột với mối quan hệ Washington-New Delhi. TG&VN lược dịch bài phân tích.

Lập trường cứng rắn

Thế giới dường như đang biểu hiện sự phân cực trong lập trường đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, Ấn Độ đã rất cẩn trọng và tránh việc đứng hẳn về bên nào bằng cách duy trì lập trường trung lập.

Cuộc tranh luận về lập trường của New Delhi diễn ra kể từ khi Ấn Độ quyết định bỏ phiếu trắng một nghị quyết vừa qua của Liên hợp quốc về cuộc xung đột.

Lập trường của Ấn Độ về xung đột Nga-Ukraine đặc biệt quan trọng đối với Mỹ. Washington cùng với châu Âu đã tìm cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.

Mỹ và phương Tây vừa qua đã thực hiện nhiều chuyến thăm đến Ấn Độ, kể đến là chuyến thăm của Thứ trưởng An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh, Ngoại trưởng Vương quốc Anh Liz Truss, và Cố vấn chính sách an ninh và đối ngoại cho Thủ tướng Đức Jens Ploetner.

Mục tiêu của các quan chức Mỹ cũng như phương Tây là thuyết phục New Delhi nghiêng về phía mình, tham gia trừng phạt Nga. Tuy nhiên, Ấn Độ đã không hề “nghiêng ngả”.

Với lập trường cứng rắn này, vấn đề Ukraine có thể sẽ là một điểm bất đồng nảy sinh giữa Washington và New Delhi trong bối cảnh hai bên đã cùng vun đắp, làm sâu sắc quan hệ hợp tác an ninh song phương và đa phương trong suốt thập kỷ qua.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như tỏ ra miễn cưỡng chấp nhận quan điểm của Ấn Độ về vấn đề Ukraine và cho rằng Ấn Độ có một “kiểu quan hệ” khác biệt với Nga. Tuy nhiên, khi Moscow ngày càng đẩy mạnh chiến dịch quân sự đặc biệt của mình, Washington đã gây sức ép lên New Delhi. Mỹ đã cố gắng điều phối nhóm Bộ tứ (Quad) hướng theo các mục tiêu của Washington bằng cách nhóm họp các nhà lãnh đạo Quad vào tháng 3 vừa qua.

Dù vậy, Wasington vẫn chưa đạt được mục tiêu của mình khi tuyên bố chung của hội nghị Quad lần này không đề cập trực tiếp đến Nga và nêu bật sự khác biệt lập trường giữa Ấn Độ và các thành viên khác.

Có một số lý do để lý giải phản ứng của Ấn Độ. Bất chấp việc đa dạng hóa nguồn cung trang thiết bị quốc phòng trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ vẫn phụ thuộc nhiều vào Nga. Hơn nữa, trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Bắc Kinh kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, Ấn Độ không muốn làm phức tạp thêm những tính toán an ninh của mình.

Mặc dù đây là những lý do thuyết phục cho lập trường trung lập của Ấn Độ về vấn đề Ukraine, Mỹ vẫn muốn Ấn Độ có quan điểm rõ ràng hơn. Washington có thể thực hiện một đòn bẩy để gây áp lực vơi New Delhi.

Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Sau nhiều năm đàm phán, Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD với Nga để mua 5 hệ thống S-400 vào năm 2018.

Mỹ đã nhiều lần ám chỉ rằng vì thương vụ S-400 này, Ấn Độ có thể bị áp đặt lệnh trừng phạt theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Đối tượng trừng phạt là các công ty và các cá nhân giao dịch với các công ty quốc phòng của Nga.

Ấn Độ chưa bao giờ ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương được áp đặt bên ngoài hệ thống Liên hợp quốc. Giờ đây, Ấn Độ lo ngại về các lệnh trừng phạt thứ cấp thông qua CAATSA. Đây không phải là lần đầu tiên các biện pháp trừng phạt nổi lên như một dấu hiệu bất hòa trong mối quan hệ Mỹ - Ấn.

Hai bên có quan điểm khác nhau về sự tham gia của Ấn Độ trong việc phát triển dự án cảng Chabahar ở Iran, mặc dù Ấn Độ cuối cùng đã được miễn trừng phạt.

Nguy cơ phải đối mặt

Trước khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, một số nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục chính quyền Tổng thống Biden từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ vì mua hệ thống S-400. Giờ đây, khi xung đột leo thang, có hai yếu tố khiến New Delhi thực sự phải lo ngại về các lệnh trừng phạt Washington có thể áp đặt với mình.

Thứ nhất, chính quyền Tổng thống Biden đang thắt chặt “thòng lọng” đối với nền kinh tế Nga, với các lệnh trừng phạt trên lĩnh vực quốc phòng, công nghệ và tài chính khiến mối quan hệ Mỹ-Nga bị rạn nứt nghiêm trọng.

Việc Mỹ cương quyết trong trừng phạt Nga làm giảm đi cơ hội Ấn Độ được hưởng miễn trừ trừng phạt mặc dù Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Singh đã nhấn mạnh sự miễn trự này trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua. Nếu Washington từ bỏ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với New Delhi, đó sẽ là dấu hiệu của sự nhượng bộ.

Thứ hai, việc Ấn Độ mua dầu của Nga với lãi suất chiết khấu trong những tuần gần đây (một động thái được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar bảo vệ mạnh mẽ tại cuộc đối thoại cấp bộ trưởng Ấn Độ - Mỹ 2 + 2 ở Washington vừa qua) có thể làm Washington không bằng lòng.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden đã làm rõ rằng việc mua bán không phải là một vi phạm kỹ thuật đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ và nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga nhỏ hơn nhiều so với nhập khẩu từ Mỹ, nhưng Washington cũng sẽ không mấy thiện cảm và cho rằng New Delhi đánh giá thấp những nỗ lực cô lập Moscow.

Bất đồng gần đây giữa Washington và New Delhi cho thấy xung đột Ukraine không chỉ là một phép thử với khả năng lãnh đạo của Mỹ mà còn là một “hàn thử biểu” đối với quan hệ Ấn Độ - Mỹ. Mặc dù những khác biệt giữa hai bên vẫn chưa thể bù đắp được, thiện chí giữa hai bên để giải quyết những khác biệt đó sẽ có ý nghĩa đối với an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương và quốc tế.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xung đột Nga-Ukraine: 'Hàn thử biểu' đo quan hệ Mỹ-Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO