Xuất khẩu gạo, tôm gặp khó, thép lại đắt hàng

Võ Thanh Bình| 25/08/2021 21:53

Thị trường xuất khẩu gạo, tôm liên tục gặp khó trong bối cảnh rớt giá và tạm dừng cung ứng. Trong khi đó, thép xuất khẩu lại có đà tăng dù thị trường tiêu thụ trong nước khó khăn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam 7 tháng đầu năm 2021 đạt 2,2 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính (trừ Trung Quốc) đều tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, đúng lúc đón nhận tín hiệu tốt từ các thị trường nước ngoài thì nhiều nhà máy chế biến tôm phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19.

Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu tôm sang các thị trường và khối thị trường chính như CPTPP, Mỹ, EU đều tăng 2 con số, từ 15% đến 34%, việc tạm ngừng cung ứng vì COVID-19 được cho là một thiệt hại đáng kể.

xuat-khau-gao-tom-gap-kho-trai-chieu-voi-nganh-thep-dat-hang-mua-covid-19.jpg
Thị trường xuất khẩu tôm tăng trưởng nhưng nguồn cung ứng lại khó khăn vì COVID-19.

Cũng theo VASEP, hai thị trường Australia và Nga tiếp tục ghi nhận các mức tăng trưởng ấn tượng 75% đến 87%. Riêng CPTPP là khối thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam với giá trị ước đạt gần 582 triệu USD, tăng 15% và chiếm 27% tổng giá trị. Trong đó, Nhật Bản là thị trường lớn nhất với tổng giá trị xuất khẩu đạt 350,4 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với những diễn biến phức tạp của COVID-19, VASEP nhận định hoạt động nuôi tôm vụ 2 sẽ trầm lắng. Dự báo quý 4/2021, nguyên liệu tôm sẽ bị thiếu trầm trọng và giá tiêu thụ sẽ phục hồi mạnh, nhất là tôm cỡ lớn. Do vậy, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi tôm là rất cần thiết.

Theo VASEP, dù thị trường xuất khẩu đang thuận lợi nhưng tốc độ tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm sẽ khó có thể duy trì trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, chi phí sản xuất tăng.

Với xuất khẩu gạo, tình hình đang chưa được đánh giá khả quan vì rớt giá. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 7 giữ ở mức 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

Bước sang tháng 8, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm, đặc biệt trong phiên ngày 19/8, gạo loại 5% đã giảm xuống 385 USD/tấn. So cùng thời điểm này năm ngoái (với mức giá trung bình 485 USD/tấn), gạo xuất khẩu hiện tại thấp hơn gần 100 USD/tấn.

xuat-khau-gao-tom-gap-kho-trai-chieu-voi-nganh-thep-dat-hang-mua-covid-19-1.jpeg
Xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục rớt giá trong 2 năm gần đây.

Không chỉ gạo của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần vừa qua cũng đã giảm xuống mức thấp do cầu thị trường yếu. Hiện gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 352 - 356 USD (giảm mạnh so với mức 383 USD/tấn hồi đầu tháng 7).

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 387- 400 USD / tấn (tăng 5-7 USD/tấn so với một tuần trước), song vẫn là mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay của nước này.

Theo đánh giá, trong thời gian tới, nguồn cung nội địa Việt Nam dồi dào hơn sau vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, nên để duy trì sản lượng xuất khẩu, giá gạo Việt có thể sẽ giảm.

Dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD.

Riêng với ngành thép, mùa mưa được đánh giá là tiêu thụ khó khăn tại thị trường trong nước nhưng lĩnh vực này vẫn có tín hiệu tốt cho việc xuất khẩu.

Song song đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và yếu tố thời tiết mùa vụ, tình hình sản xuất bán hàng của ngành thép gặp nhiều khó khăn.

Với diễn tiến dịch bùng phát mạnh như hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam, dự kiến việc sản xuất và tiêu thụ những tháng cuối năm 2021 sẽ rất khó khăn. Tuy vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng sản lượng tiêu thụ có mức tăng, chủ yếu nhờ vào sản lượng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp.

Cụ thể, theo báo cáo từ VSA, lượng thép xây dựng bán ra trong 7 tháng năm 2021 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 25,4%.

Sản xuất thép cuộn cán nóng đạt hơn 590.000 tấn, giảm nhẹ 1,21% so với tháng 6/2021 nhưng tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2020; tiêu thụ đạt 559.487 tấn, giảm 6,75% so với tháng trước nhưng tăng 82,7% so với cùng kỳ 2020.

xuat-khau-gao-tom-gap-kho-trai-chieu-voi-nganh-thep-dat-hang-mua-covid-19-2.jpg
Ngành thép xuất khẩu tăng trong bối cảnh tiêu thụ trong nước hạn chế vào mùa mưa.

Với tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, trong tháng 7/2021, tiêu thụ đạt 428.084 tấn, giảm 6,58% so với tháng trước, nhưng tăng 18,8% so với cùng kỳ 2020; trong đó xuất khẩu đạt 300.404 tấn, tăng 84,2% so với cùng kỳ 2020.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực sản xuất để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong miền Nam gặp khó khăn do dịch bệnh, xây dựng đình trệ... nên tăng trưởng vừa qua chủ yếu từ xuất khẩu.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gạo, tôm gặp khó, thép lại đắt hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO