Doanh nghiệp lạc quan
Chia sẻ với PV.VietNamNet, lãnh đạo một công ty sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Bình Định thừa nhận, giai đoạn đầu năm nay doanh nghiệp gần như không có đơn hàng xuất khẩu, phải hoạt động cầm chừng. Do đó, công ty đành giảm lương và cho phần lớn công nhân nghỉ việc tạm thời, số còn lại cũng nghỉ luân phiên.
Tuy nhiên, từ đầu quý III đến nay, doanh nghiệp ký thêm được các đơn hàng mới. Không nhiều bằng thời kỳ hưng thịnh, nhưng đơn hàng cũng đạt 70-80% so với cùng kỳ những năm trước.
“Đây là tín hiệu tốt, cho phép doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất trong những tháng cuối năm nay và đầu năm sau”. Vị lãnh đạo này cho biết, có đơn hàng nên 2/3 số công nhân nghỉ tạm thời nay đã quay lại làm việc.
Theo ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành, tình hình sản xuất bắt đầu khá hơn so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp lạc quan khi các khách hàng trở lại và thông báo về lượng hàng dự định sẽ đặt sắp tới.
“Đơn hàng đang trở lại với ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định, nhưng số lượng chưa nhiều. Các nhà nhập khẩu cũng yêu cầu nghiêm ngặt trong việc rút ngắn thời gian giao hàng, thay đổi mẫu mã”, ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định - cho hay.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cũng cho biết, các thành viên nhận được tương tác tích cực hơn từ đối tác mua hàng. Một số doanh nghiệp có đơn hàng mới bắt đầu tổ chức cho công nhân tăng ca trở lại, hoặc tuyển thêm lao động.
Những tháng gần đây, lượng gỗ các doanh nghiệp nhập khẩu về tăng từ 5-10%. Theo ông Phương, đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang chuẩn bị nguyên liệu cho những đơn hàng cuối năm.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 10 năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước đó, nhưng vẫn giảm nhẹ 0,9% so với tháng 10 năm ngoái.
Luỹ kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 10,8 tỷ USD. Dù vẫn giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022, song tính đến hết tháng 10 năm nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng duy nhất của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.
Hiện, châu Mỹ và châu Á vẫn là thị trường chính, lần lượt chiếm 56,4% và 37,2% tổng giá trị xuất khẩu ngành gỗ.
Đáng chú ý, trong quý III/2023, giá trị xuất khẩu nhóm hàng này đạt 3,6 tỷ USD, tăng 10% so với quý II/2023. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng so với quý trước. Điều này cho thấy, thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi.
Thay đổi tích cực
Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm đang có những tín hiệu tích cực. Trong khi, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản và thuỷ sản đã giải ngân được khoảng một nửa. Ông cho rằng, gói hỗ trợ này giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất khi nhận được đơn hàng xuất khẩu mới.
Vài tháng trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phục hồi trở lại, so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng trưởng âm nhưng mức giảm đang nhỏ dần. Theo Thứ trưởng Tiến, với đà phục hồi này, xuất khẩu gỗ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 53-55 tỷ USD trong năm nay.
Năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta ước đạt khoảng 13,6-14 tỷ USD.
Dù con số này giảm so với mức kỷ lục gần 17 tỷ USD năm 2022, song chuyên gia trong ngành cho rằng các doanh nghiệp ngành gỗ đang có những thay đổi tích cực.
Nhiều năm nay, doanh nghiệp thường nhận đơn hàng qua đơn vị trung gian, tức khách hàng tự tìm đến mình. Thế nhưng, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng từ thị trường truyền thống, thị trường ngách, thậm chí tìm kiếm khách hàng ngay tại thị trường nội địa.
Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp sau nửa năm ngồi chờ đơn hàng nhưng không có đã chủ động tham gia các triển lãm, hội chợ. Kết quả, họ ký được đơn hàng mới ổn định sản xuất đến hết năm.
Từ thế bị động chuyển sang chủ động, về lâu dài doanh nghiệp sẽ nhìn rõ xu hướng thị trường, tiếp cận và có được nguồn khách hàng dồi dào hơn, tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyên gia ngành gỗ nhìn nhận.